"Tham gia dự án Heifer, cái được nhất là kiến thức"

              Đó là chia sẻ của anh Phan Trung Hòa - Trưởng nhóm cộng đồng số 7, dự án Heifer tại ấp Phú Hưng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Anh Hòa tâm sự, sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro về giá; nông dân hiện nay phần lớn đều ít đất sản xuất, nếu chỉ trồng một loại cây, nuôi một loại con và gặp ngay thời điểm giá bán xuống thấp thì coi như bị… mất mùa.

Khi tham gia dự án Heifer, ngoài việc được cho mượn một bò cái nuôi sinh sản, bản thân anh và gia đình còn được tham gia rất nhiều các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tập huấn về tầm nhìn, lập kế hoạch sản xuất, quản lý chi tiêu nông hộ, tham gia các chuyến quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả tại các tỉnh. Điều này đã góp phần làm thay đổi cách suy nghĩ và nâng cao kiến thức cho anh về nhiều mặt.

Anh Hòa nhận ra rằng, với khoảng 10 công ruộng gồm đất nhà và đất thuê mướn, mỗi năm sản xuất 2 hoặc 3 vụ lúa thì cuộc sống của gia đình cũng không quá túng thiếu với nguồn thu nhập từ lúa, nhưng sẽ rất chật vật nếu như gặp phải vụ mùa mà giá bán bất lợi. Vì vậy từ tháng 12/2016, anh mạnh dạn chuyển đổi đất lúa lên liếp trồng gấc, đồng thời anh tận dụng mương để kết hợp nuôi vịt, ếch, cá… cải thiện thêm thu nhập.

 

Anh Phan Trung Hòa bên giàn gấc sai trái

   

           Nói về cây gấc, hiện tại gia đình phát triển được khoảng 5 công, trồng 150 gốc gấc. Theo anh Hòa, trồng gấc không quá khó; nguồn cây giống được anh mua từ Viện cây ăn quả Miền Nam, kỹ thuật trồng được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tập huấn. Cây gấc trồng sau 5 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch và cho thu nhập cao hơn lúa nhiều lần trên cùng một diện tích. Cây gấc không tốn nhiều công chăm sóc, ít bón phân hóa học, chủ yếu bón phân chuồng, ít sâu bệnh và cũng tương đối thích hợp với thổ nhưỡng.

          Điều đáng nói ở đây đó là việc hợp tác trong sản xuất gấc. Theo mô hình nhóm cộng đồng Heifer, anh Hòa đã liên kết và phát triển thành Tổ trồng gấc gồm 20 thành viên với diện tích trồng gấc lên đến 12 ha. Các thành viên duy trì họp lệ trao đổi kinh nghiệm sản xuất định kỳ hàng tháng, địa điểm họp thay đổi luôn phiên giữa nhà thành viên trong Tổ. Hơn thế nữa, để không phụ thuộc vào thương lái tại địa phương thường mua gấc giá thấp và không ổn định, Tổ quyết định tìm nguồn đầu ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi khi đến kỳ thu hoạch gấc, Tổ lại thuê xe, tự vận chuyển đến điểm thu mua vừa ổn định giá cả, vừa ổn định đầu ra.

Giàn gấc trên mương của anh Phan Trung Hòa

Trên giàn là gấc, dưới mương thả vịt

Cũng theo anh Hòa, sản xuất nông nghiệp hiện nay người nông dân không thể mạnh ai nấy làm, làm theo truyền thống mà cần phải có kỹ thuật, có sự hợp tác thì sản phẩm mới có thể cạnh tranh được trên thị trường. Trở lại với dự án Heifer, anh Hòa cho rằng mỗi hộ dân tham gia được mượn một bò cái nuôi sinh sản có thể giúp thoát nghèo nhưng cũng rất dễ tái lại, cụ thể hai năm qua giá bò “tuột dốc” chăn nuôi bò không có lời. Do đó, cái được nhiều nhất của người dân khi tham dự án Heifer chính là kiến thức. Có kiến thức người dân sẽ thay đổi suy nghĩ trong sản xuất và thay đổi cuộc sống./.

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới