Mô hình rừng - thủy sản: Hướng đến phát triển kinh tế bền vững

Từ dự án Oxfam, dự án 05 triệu héc-ta rừng của Chính phủ… đã góp phần tạo môi trường tự nhiên ổn định và bền vững cho vùng ngập mặn ven biển. Đặc biệt, tại các vùng xung yếu như cửa sông, bãi bồi ven biển đã có hàng ngàn héc-ta rừng phòng hộ được trồng lấn biển, bảo vệ sự xâm thực của sóng biển. Những năm gần đây, để phát triển các mô hình sản xuất (nuôi trồng thủy sản) đạt hiệu quả cao, hạn chế các rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH), nông dân các xã Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải (huyện Duyên Hải), Dân Thành, Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải)… còn tự phát triển trồng rừng trong các diện tích nuôi thủy sản để ổn định môi trường nước và tái tạo các loài vi sinh vật có lợi.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm, hiện toàn tỉnh có trên 8.600ha rừng ngập mặn các loại và từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đầu tư khôi phục hơn 1.200ha rừng phòng hộ ven biển. Riêng tại các hộ nuôi thủy sản ở các địa phương đã tự trồng mới rừng trong diện tích vuông, ao nuôi của gia đình từ năm 2010 đến nay trên 500ha cây rừng với các chủng loại như đước, mắm, tra… Nói về tác động tích cực từ rừng mang lại trong phát triển nuôi thủy sản và góp phần bảo vệ môi trường, chống xói lở và xâm thực của nước biển trước biến đổi khí hậu, ông Trần Thanh Nhàn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước những thiệt hại trong nuôi thủy sản ở những năm qua, đặc biệt là trong nuôi thâm canh (tôm sú) đã đặt ra nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên hiện nay trước ảnh hưởng cực đoan về thời tiết do BĐKH. Đối với các mô hình nuôi thủy sản kết hợp rừng (rừng-tôm) đã phát huy được hiệu quả kinh tế, giảm thiệt, mặc dù giá trị kinh tế mang lại trong 01 đợt nuôi không lớn, nhưng bình quân tỷ lệ lợi nhuận là 01:07-08 lần. Từ đó, người dân đã có ý thức nhằm hướng đến mô hình nuôi thủy sản bền vững, ổn định do môi trường rừng mang lại, tạo thành các “lá chắn” trước BĐKH.

Ngoài giá trị mang lại từ việc nuôi thủy sản kết hợp rừng, người dân còn tận thu được các sản phẩm dưới tán rừng như khai thác tôm, cá tự nhiên góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người dân. Hiện nay, giá trị mang lại từ mô hình rừng-thủy sản bình quân đạt 40-50 triệu đồng/ha/năm.

Trong tổng diện tích rừng của toàn tỉnh, huyện Duyên Hải có diện tích lớn nhất và mô hình nuôi thủy sản-rừng đang là thế mạnh của địa phương. Theo bà Phạm Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Huyện có hơn 8.500ha nuôi thủy sản, trong này mô hình nuôi thủy sản kết hợp rừng chiếm khoảng 60%, tập trung trên địa bàn của 04 xã, thị trấn. Huyện cũng đang có quy hoạch phát triển nuôi thủy sản (tôm sú, thẻ chân trắng…) theo đó, đối với những vùng, khu vực có điều kiện về hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông…) mới phát triển nuôi thâm canh; diện tích còn lại nuôi theo hình thức quảng canh, trong đó quan tâm phát triển mô hình rừng-thủy sản. Do mô hình này ít bị rủi ro và mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ và ổn định môi trường, duy trì được hệ sinh thái bền vững.

Ngoài khu vực xung yếu, rừng phòng hộ là điều kiện hình thành của nhiều loại thảm động, thực vật phong phú tạo sự đa dạng về chủng loại của các loài thủy sản dưới tán rừng như vọp, cua giống, nghêu, cá… Anh Cao Văn Chiến, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết: Hiện nay, rừng phòng hộ ven biển ấp Phước
Thiện đã trực tiếp bảo vệ gần 1/3 dân số trong ấp được an toàn trước sóng biển. Các diện tích nuôi thủy sản như tôm, cua được người dân phát triển mạnh theo hình thức quảng canh, do có chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt là trước tình hình biến đổi khí hậu (đợt nắng nóng, khô hạn vừa qua), khu vực này thiệt hại không lớn, 100% hộ nuôi đều có lợi nhuận từ 03-05 lần so với chi phí.

Đánh giá về hiệu quả của rừng mang lại cho người dân, ông Raquibul Amin, Trưởng Ban quản lý dự án “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) khu vực châu Á trong chuyến làm việc với tỉnh Trà Vinh đã đánh giá cao về “hiệu quả kép” trong việc bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn cùng với việc khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên (thủy sản) dưới tán rừng của Trà Vinh. Theo kế hoạch của chương trình Dự án MFF giai đoạn II (2015-2019) sẽ phát triển và nhân rộng mô hình nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc trồng, bảo vệ rừng gắn với nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững để thích ứng với BĐKH trong tương lai.

Rừng được người dân trồng trong ao nuôi thủy sản để tạo môi trường ổn định

                                                                                                                                                       Hữu Huệ

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới