Hội thảo tổng kết mô hình "Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu"
Với mục tiêu hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả, các giải pháp canh tác thông minh để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời cung cấp cho nông dân các các sản phẩm phân bón Đầu Trâu mới phù hợp với điều kiện canh tác bất lợi. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Trà vinh phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền xây dựng mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” vụ Hè Thu (từ tháng 4 đến tháng 8/2016) tại ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh với quy mô 2,5 ha/05 hộ.

Canh tác lúa thông minh không phải là thực hiện các giải pháp cao siêu mà trên thực tế, mô hình này xuất phát trên nền tảng “1 phải, 5 giảm” nên mô hình vẫn hướng đến việc tiết kiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Điểm mới của mô hình so với  “1 phải, 5 giảm” là giảm lượng lúa giống khi gieo sạ và hướng đến “6 giảm”, đó là giảm hiện tượng phát thải khí nhà kính. Nói cách khác, canh tác lúa thông minh là áp dụng trọn gói các giải pháp kỹ thuật, từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, quản lý dịch hại đến chăm sóc, thu hoạch … Chương trình khuyến cáo nông dân phấn đấu giảm chi phí đầu vào sản xuất  (giảm 30% giá thành)  mà vẫn đảm bảo, thậm chí vượt năng suất và chất lượng sản phẩm.

Qua thời gian 4 tháng thực hiện, ngày 16/8/2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư  Trà Vinh đã tổ chức tham quan, hội thảo tổng kết mô hình với hơn 100 đại biểu là các hộ thực hiện mô hình, nông dân các các xã trong huyện Càng Long, cán bộ kỹ thuật tham dự.

Qua hội thảo đánh giá mô hình, nhờ sử dụng đúng quy trình sản xuất, năng suất lúa bình quân đạt 6,8 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,6  tấn/ha, lợi nhuận gần 19 triệu đồng/ha, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 4,5 triệu đồng/ha. Lúa trong mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm 2 lần thuốc BVTV, lúa không bị đổ ngã so với ruộng ngoài mô hình. Việc giảm giống xuống còn 80 kg/ha so với ngoài mô hình là 140 – 180 kg/ha, bón phân cân đối hợp lý với lượng đạm giảm còn 65 – 80 kg/ha, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động và tăng năng suất đã góp phần quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận trong mô hình.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang tác động khá nặng nề đối với đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện Càng Long nhưng mô hình vẫn đảm bảo năng suất và tăng lợi nhuận nên được các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá rất cao. Nông dân tiếp tục thực hiện và tuyên truyền nhân rộng mô hình sang các địa phương lân cận. Dự kiến, chương trình sẽ tổ chức thi tổng kết giữa các tỉnh để bình chọn các nông dân tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng lúa ở nước ngoài. Đây là chương trình rất kịp thời, cần thiết, đúng với chủ trương của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc giảm lượng giống gieo sạ giúp nhà nông sản xuất lúa gạo không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định mà còn phải bền vững trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo TT KNKN, Nhà Khoa học – Ban cố vấn chương trình và lãnh đạo địa phương phát biểu tại buổi hội thảo mô hình Canh tác lúa thông minh ứng phó với Biến đổi khí hậu

Thanh Thoảng
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới