Một số lưu ý trong Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Ngày 10 tháng 5 năm 2016 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Số 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Trong Thông tư quy định cụ thể một số nội dung sau:

1.  Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch, gồm 12 bệnh:

1.1. Bệnh đốm trắng (White Spot Disease);

1.2. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease - AHPND);

1.3. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (Infectious Hypodermal and Hematopoietic Necrosis Disease);

1.4. Bệnh đầu vàng (Yellow Head Disease);

1.5. Bệnh hoại tử cơ (Infectious Myonecrosis Disease);

1.6. Hội chứng Taura (Taura Syndrome);

1.7. Bệnh sữa trên tôm hùm (Milky Haemolymph Disease of Spiny Lobsters - MHDSL);

1.8. Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (Spring Viraemia of Carp);

1.9. Bệnh do KHV (Koi Herpesvirus Disease);

1.10. Bệnh hoại tử thần kinh (Viral Nervous Necrosis/Viral Encephalopathy and Retinopathy);

1.11. Bệnh gan thận mủ ở cá da trơn (Enteric Septicaemia of Catfish);

1.12. Bệnh do Perkinsus.

2. Những nội dung cần thực hiện, gồm: Nguyên tắc phòng, chống và báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản; Chế độ báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản; Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Nội dung Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Phòng bệnh đối với các cơ sở sản xuất giống, cơ sở thu gom, ương, dưỡng, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản; Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sảnGiám sát dịch bệnh động vật thủy sản; Khai báo dịch bệnh; Điều tra ổ dịch; Lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm xác định mầm bệnh; Xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản; Thu hoạch động vật thủy sản trong ổ dịch; Chữa bệnh động vật thủy sản; Tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh; Khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch; Công bố dịch, tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản; Kiểm soát vận chuyển động vật thủy sản trong vùng có dịch; Biện pháp xử lý đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở vùng có dịch trong thời gian công bố ổ dịch và Công bố hết dịch.

3. Trách nhiệm của các ban ngành có liên quan, như: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trách nhiệm của Chi cục Thú y; Trách nhiệm của Chi cục Thủy sản; Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Trách nhiệm của đơn vị quan trắc môi trường; Trách nhiệm và quyền lợi của chủ cơ sở nuôi.

4. Lưu ý quy trình công bố dịch bệnh động vật thủy sản:

4.1. Khai báo dịch bệnh

- Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân hoặc chết do môi trường, thời tiết phải báo cáo nhân viên thú y xã, phường, thị trấn và Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản nơi gần nhất.

- Trong trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh trên phạm vi rộng, gây chết nhiều động vật thủy sản, chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, nhân viên thú y xã, trạm Thú y có thể báo cáo vượt cấp lên chính quyền và Chi cục Thú y (Số điện thoại của Chi cục Thú y tỉnh Trà Vinh: 074.3840093), Cục Thú y để kịp thời tổ chức chống dịch.

4.2. Lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm xác định mầm bệnh

Chi cục Thú y chỉ đạo tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm xác định mầm bệnh. Mẫu bệnh phẩm phải được gửi đến phòng thử nghiệm được công nhận trong vòng 01 (một) ngày kể từ khi kết thúc việc lấy mẫu.

4.3. Công bố dịch, tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch bệnh động vật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công bố dịch bệnh động vật thủy sản khi có đủ Điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 của Luật Thú y 2015.

4.4. Công bố hết dịch

Sau ít nhất 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày xử lý xong ổ dịch cuối cùng mà không phát sinh ổ dịch mới và đã thực hiện các biện pháp quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 36 của Luật Thú y 2015.

5. Một số quy định về xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản đối với chủ cơ sở nuôi

- Về thu hoạch động vật thủy sản trong ổ dịch phải thực hiện những yêu cầu sau:

+ Thông báo với Trạm Thú y về mục đích sử dụng, khối lượng, các biện pháp xử lý, kế hoạch thực hiện và biện pháp giám sát việc sử dụng động vật thủy sản mắc bệnh;

+ Không sử dụng động vật thủy sản mắc bệnh làm giống, thức ăn tươi sống cho động vật thủy sản khác;

+ Chỉ vận chuyển động vật thủy sản đến các cơ sở thu gom, mua, bán, sơ chế, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở tiếp nhận) và bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển.

- Về chữa bệnh động vật thủy sản mắc bệnh:

+ Chủ động chữa bệnh động vật thủy sản mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

+ Chỉ sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh Mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, đồng thời sử dụng đúng liều lượng của thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản; ghi chép quá trình sử dụng các loại sản phẩm này.

- Về khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch

+ Khử trùng nước trong bể, ao, đầm; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy động vật thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường;

+ Thông báo cho cơ sở nuôi liên kề, có chung nguồn cấp thoát nước để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu huỷ động vật thủy sản phải thực hiện việc vệ sinh cá nhân để tiêu diệt mầm bệnh, không làm phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường và cơ sở nuôi khác.

6. Biện pháp xử lý đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở vùng có dịch trong thời gian công bố ổ dịch

- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi trồng thủy sản.

- Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho động vật thủy sản nuôi.

- Không thả mới hoặc thả bổ sung động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh dịch đã công bố trong thời gian công bố dịch.

- Đối với cơ sở nuôi ao, đầm: Hạn chế tối đa bổ sung nước, thay nước trong thời gian địa phương có công bố dịch hoặc cơ sở nuôi xung quanh có thông báo xuất hiện bệnh.

- Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm động vật thủy sản mắc bệnh, báo cáo với chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y xã và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời.

- Theo quy định, chủ cơ sở có thủy sản mắc bệnh nằm trong vùng công bố dịch bệnh sẽ được hưởng hỗ trợ của nhà nước về phòng, chống dịch theo quy định hiện hành nếu thực hiện tốt một số nội dung sau:

+ Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chấp hành các quy định về kiểm dịch, quan trắc môi trường, báo cáo dịch bệnh, lưu trữ các loại hồ sơ liên quan tới quá trình hoạt động của cơ sở như con giống; cải tạo ao đầm; chăm sóc, quản lý động vật thủy sản; xử lý ổ dịch, chất thải và nước thải theo hướng dẫn của Chi cục Thú y, cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản;

+ Hợp tác với Chi cục Thú y, Chi cục thủy sản trong việc lấy mẫu thủy sản và mẫu môi trường để kiểm tra các thông số môi trường, dịch bệnh, thu thập thông tin xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường và dịch bệnh động vật thủy sản;

+ Cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu về quan trắc môi trường, giám sát, phòng, chống bệnh động vật thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

+ Chỉ sử dụng thuốc, vắc xin, hóa chất, chế phẩm thuộc Danh Mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

+ Tham dự các khóa tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, kỹ thuật nuôi do Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức.

Đây là Thông tư rất quan trọng, người nuôi thủy sản và các ban ngành, đơn vị có liên quan cần tuân thủ để công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản của tỉnh đạt hiệu quả cao./.

 

Mộng Hằng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới