Một số điểm cần lưu ý trong canh tác lúa đầu vụ Hè Thu 2016
Trong thời gian qua do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng bởi phèn và nắng nóng,… gây thiệt trên lúa vụ Đông xuân 2015-2016 khá nặng nề ở các huyện như: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, một phần của huyện Tiểu Cần.

            Để đảm bảo vụ Hè thu 2016 được an toàn bà con nông dân cần lưu ý một số điểm trong canh tác lúa trên vùng đất nhiễm phèn, mặn như sau:

            1. Kỹ thuật canh tác:

 - Tiến hành rửa phèn mặn cho đất ít nhất 1-2 lần (tận dụng khi có nguồn nước ngọt) trước khi xuống giống: giúp giảm độ mặn trong ruộng, giúp an toàn cho cây mạ.

 -  Nên cày ải phơi đất, làm đất kỹ, trang bằng mặt ruộng: Cày ải giúp giải phóng chất khí độc, cải tạo chua phèn, làm đất tơi xốp, diệt được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ

Cày ải phơi đất

- Bón vôi (vôi đá: Ca CO3 hoặc vôi nung: CaO) liều lượng từ 30-50 kg cho 1.000 m2 trước gieo sạ 7- 10 ngày nên vùi vào trong đất; Có thể bón lót lân vào lúc cày bừa lần cuối trước khi gieo sạ. Nhằm giúp hạ phèn, giải mặn tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển tốt hơn ở giai đọan đầu của cây lúa. 

 - Tăng cường phân hữu cơ (có điều kiện), nên sử dụng các sản phẩm có chứa Ca và Si giúp tăng cường lực cho cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết.

 Lưu ý: trong vụ Hè Thu do điều kiện thiếu nước việc bón phân cho cây lúa bà con nên bón cân đối giữa đạm, lân, kali. Tránh bón đạm quá sớm gây hư - chết mầm lúa do độc chất và bón quá nhiều đạm giai đoạn đầu sẽ tạo điều kiện bệnh cháy lá bộc phát mạnh (cây lúa thừa đạm).

  2. Quản lý cỏ dại:

 Đầu vụ Hè Thu do điều kiện thiếu nước nên việc quản cỏ dại gặp rất nhiều khó khăn, chi phí diệt cỏ cao, để quản lý tốt cỏ dại cần thực hiện một số yêu cầu:

- Làm đất kỹ, bằng phẳng mặt ruộng giúp cỏ mọc đồng loạt chủ động diệt cỏ tốt hơn.

- Trường hợp trong điều kiện ruộng không chủ động được nguồn nước tưới có thể xử lý các dạng thuốc trừ cỏ hậu mọc mầm để đạt hiệu quả kinh tế hơn.

 - Trường hợp ruộng chủ động được nguồn nước tưới thì có thể sử dụng các dạng thuốc trừ cỏ tiền mọc mầm hoặc hậu mọc mầm sớm.

 Thuốc trừ cỏ cho lúa hiện nay có nhiều loại với nhiều tên thương mại khác nhau, khi sử dụng nên theo nguyên tắc 4 đúng.

 3. Quản lý ốc bươu vàng (OBV):

Đây là đối tượng gây hại mạnh giai đoạn mạ với mật số cao, cần chủ động trong việc phòng trừ với 02 giải pháp:

 - Trường hợp ruộng chưa sạ có thể đưa nước vào ruộng 3-5 cm (cho ốc trồi lên) giữ lại 1-2 ngày cho bùn lắng xuống, sau đó phun hoặc rải thuốc trừ OBV.

- Trường hợp ruộng đã gieo sạ nên xử lý thuốc trừ OBV dạng hạt để rải. Tiếp tục giữ nước ruộng trong vòng 1 - 2 ngày để bảo đảm toàn bộ ốc đều trồi lên mặt đất và ăn được thuốc. 

Thường OBV hay tập trung đến những chỗ trũng hoặc trên những rảnh thoát nước sau khi sạ trong khi chờ đưa nước lên. Đây là cơ hội để chúng ta diệt ốc nhanh, gọn, ít tốn kém và khi đưa nước vào hạn chế được ốc cắn phá lúa.

                                                                                   Nguyễn Thị Lùng

                                                                    Chi cục Trồng trọt - BVTV Trà Vinh
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới