Sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Một số vấn đề càn lưu ý trong sử dụng hóa chất, phụ gia

Thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày có giá trị dinh dưỡng lớn, giúp duy trì cuộc sống. Nhưng cũng chính bởi thực phẩm có chứa chất hữu cơ nên chúng lại dễ dàng bị phân hủy và hư hỏng. Việc bảo quản thực phẩm như một nhu cầu tất yếu và như một biện pháp cần thiết trong chế biến, lưu thông, phân phối cũng như bảo quản thực phẩm.

Tuy nhiên, việc sử dụng hay lạm dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, hoặc sử dụng không đúng mục đích, chủng loại được phép sẽ gây hại cho sức khỏe con người như ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính.

1.     Tác dụng tích cực

Trong trường hợp sử dụng đúng loại, đúng liều lượng các hóa chất, phụ gia thực phẩm thì có tác dụng tích cực như:

- Tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng.

- Giữ được thực phẩm có chất lượng ổn định cho tới khi sử dụng.

- Tạo thuân lợi trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường.

- Kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.

2.     Tác động tiêu cực

Ngược lại, nếu sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại nhất là những hóa chất, phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe như:

- Gây ngộ độc cấp tính: Nếu dùng quá liều cho phép hoặc hóa chất, phụ gia không nằm trong danh mục được phép sử dụng.

- Gây ngộ độc mạn tính: Dù dùng liều lượng nhỏ, nếu sử dụng thường xuyên, liên tục, một số chất hóa chất, phụ gia thực phẩm (cho dù hóa chất, phụ gia đó được phép sử dụng) sẽ tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài. Nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là các hóa chất, phụ gia tổng hợp.

- Có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm: do hóa chất, phụ gia cũng có khả năng phá huỷ các chất dinh dưỡng, vitamin... trong thực phẩm.

Hiện nay, trong chế biến và bảo quản thực phẩm, ngoài danh mục được phép sử dụng, một số hóa chất, phụ gia bị cấm sử dụng trong thực phẩm như Triclorfon (đây là thuốc bảo vệ thực vật), Borax (Hàn the)... vẫn được một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng trong chế biến và bảo quản sản phẩm, đặc biệt đối với thực phẩm thủy sản. Theo kết quả thu mẫu phân tích để giám sát chất lượng và an toàn thực thủy sản có nguồn gốc khai thác biển  giai đoạn năm (2014-2015) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cho thấy nhiều mẫu thủy sản tươi cũng như thủy sản khô không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó: phát hiện 17/169 (10%)  mẫu cá, mực tươi... chứa Hàn the, 40/81 (49%) mẫu cá khô chứa Trichlorfon. Đây là 2 chất cấm sử dụng trong thực phẩm vì nó tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

3. Những vấn đề cần lưu ý trong  sử dụng hóa chất,  phụ gia thực phẩm

a. Chỉ được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh tại thị trường Việt Nam các phụ gia thực phẩm trong danh mục và phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế.

b. Việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong danh mục trong sản xuất, chế biến, xử lý, bảo quản, bao gói và vận chuyển thực phẩm phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế.

- Đúng đối tượng thực phẩm và liều lượng không vượt quá giới hạn an toàn cho phép.

- Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn quy định cho mỗi hóa chất, phụ gia.

- Không làm biến đổi bản chất, thuộc tính tự nhiên vốn có của thực phẩm.

- Các hóa chất, phụ gia thực phẩm trong danh mục lưu thông trên thị trường phải có nhãn đầy đủ các nội dung theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34 /2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27/10/2014 của Bộ: Y tế, Nông nghiêp & PTNT và Công Thương.

c. Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm: Trước khi sử dụng một hóa chất, phụ gia thực phẩm cần chú ý xem xét:

- Hóa chất, phụ gia có nằm trong danh mục được phép sử dụng hay không? có được phép sử dụng với loại thực phẩm mà cơ sở đang sản xuất, kinh doanh hay không?

- Giới hạn tối đa cho phép đối với thực phẩm là bao nhiêu? (mg/kg hoặc mg/lít)

- Hóa chất, phụ gia đó có bảo đảm các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn, bao gói, ghi nhãn theo quy định hiện hành không?

Vì sức khỏe bản thân và cộng đồng, đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung trong đó có thực phẩm nông lâm thủy sản phải thận trọng trong việc sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm. Nếu có hành vi vi phạm trong lĩnh vực này thì tùy theo hành vi, tính chất, mức độ... có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng  hoặc phạt  tù từ 01 đến 20 năm, được quy định trong Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2016     

Sơn Sâm Phone

Nguồn uv-vietnam.com.vn và

Trung tâm nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng FNC

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới