Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Trong giai đoạn hiện nay, thách thức lớn nhất của nền nông nghiệp tỉnh Trà Vinh là khả năng cạnh tranh, năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp còn tương đối thấp. Sở dĩ như vậy do sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, việc ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa cao như một số tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù thời gian qua nhiều người đã hài lòng và tự hào rằng chúng ta tuy sản xuất nhỏ lẻ nhưng vẫn đạt được những thành tích lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực, lại có nhiều sản phẩm có số lượng xuất khẩu khá, chiếm vị thế cao trên thị trường quốc tế, song thực sự nếu muốn tiến lên sản xuất hàng hóa lớn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì kiểu sản xuất manh mún này chắc chắn không thể phù hợp. Bởi, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng quyết liệt, yêu cầu của người tiêu dùng đối với hàng nông sản ngày càng cao (như chất lượng tốt, giá rẻ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ được môi trường sinh thái...).

Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường trong nông nghiệp còn rất yếu. Nhà nước đã có những chủ trương khuyến khích việc liên kết "4 nhà" trong nông nghiệp nhằm giúp đỡ người nông dân yên tâm sản xuất. Nhưng, trong thực tế việc liên kết này còn rất lỏng lẻo, chưa đạt được kết quả như mong muốn và các "nhà” chưa thực sự giúp ích cho nông dân. "Nhà doanh nghiệp" được người nông dân trông đợi nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm chẳng những chưa làm tốt vai trò của mình, mà lại là "nhà” bị coi hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình liên kết, không bảo đảm sự công bằng lợi ích cho nông dân. Do đó có thực tế trong nông nghiệp tỉnh nhà là khi được mùa nông dân không bán được hàng, lúc mất mùa, thiên tai, dịch bệnh thì không được gì. Ở hoàn cảnh nào nông dân cùng là người bị thua thiệt và vì vậy, luôn có tình trạng nông dân thường xuyên thay đổi cây trồng, vật nuôi, không yên tâm tích lũy kinh nghiệm, sản xuất ổn định lâu dài.

Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích và gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, ngày 25/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Để thực thi những chính sách hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 01/9/2015 về quy định tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn và mức hỗ trợ cụ thể về xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, xây dựng cánh đồng lớn là con đường để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao. Trong quá trình thực hiện, mặc dù nông dân là chủ thể chính nhưng vai trò của các doanh nghiệp ngày càng thể hiện rõ nét trong việc bảo đảm sự thành công của mô hình này. Vì thế, việc giải quyết vướng mắc, trở ngại trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn hiện nay gắn liền với việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV thì vai trò của doanh nghiệp trong mô hình cánh đồng lớn thể hiện ở những mặt sau:

- Doanh nghiệp là người cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân:

Thực trạng hiện nay là đại đa số người dân đều thiếu vốn phục vụ sản xuất và tái đầu tư. Do đó, họ rất khó khăn trong việc mua các vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ cơ giới hóa… để sản xuất. Hơn nữa, từ nhà sản xuất vật tư nông nghiệp đến tay người nông dân trải qua rất nhiều khâu trung gian nên giá thành đội lên nhiều lần. Vì thế, chi phí đầu vào của nông dân trong sản xuất thường tăng cao, nhất là khi không có vốn, họ phải chịu lãi suất của các đại lý phân phối. Doanh nghiệp khi tham gia ký kết với nông dân cung ứng vật tư là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất vật tư, không phải trải qua nhiều khâu trung gian nên giá bán giảm. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng sản phẩm có chất lượng, bảo đảm hàng thật, giúp người nông dân tránh được hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường. Các doanh nghiệp cung ứng vật tư cho nông dân với lãi suất rất thấp so với thị trường suốt vụ sản xuất, sau khi thu hoạch, nông dân mới phải trả tiền vật tư cho doanh nghiệp cung ứng.

- Doanh nghiệp là người hỗ trợ về mặt kỹ thuật sản xuất cho nông dân:

Người nông dân trong quá trình sản xuất không chỉ gặp khó khăn về vốn mà đôi khi còn gặp khó khăn trong kỹ thuật sản xuất. Các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với nông dân đều có đội ngũ cán bộ kỹ thuật của mình. Đội ngũ này sẽ trực tiếp xuống đồng ruộng để hỗ trợ, hướng dẫn và giúp đỡ nông dân về mặt kỹ thuật một cách kịp thời. Do đó, vừa nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất của người nông dân, vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

- Doanh nghiệp là người tiêu thụ sản phẩm cho nông dân:

Trong mô hình cánh đồng lớn, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường, thậm chí có doanh nghiệp bảo đảm cao hơn giá thị trường. Vì vậy, nông dân yên tâm sản xuất, điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, bị tư thương ép giá … được hạn chế đến mức thấp nhất. Một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm còn cung ứng dịch vụ thu hoạch, bảo quản, lưu trữ sản phẩm miễn phí cho nông dân với hệ thống kho bãi, lò sấy…, giúp nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch. Khi không đồng ý với giá của doanh nghiệp đưa ra, nông dân có thể bán ra bên ngoài sau khi đã thanh toán các chi phí cho doanh nghiệp.

Với những vai trò này, rõ ràng doanh nghiệp là tác nhân, là động lực không thể thiếu để nông dân đồng tâm thực hiện cánh đồng lớn. Liên kết chính trong thực hiện cánh đồng lớn là liên kết ngang giữa nông dân với nông dân và liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong đó, nếu liên kết dọc không bền vững thì liên kết ngang sớm muộn cũng bị phá vỡ. Nếu doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm hoặc không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, ép giá, không bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân. Mặt khác, nông dân không thực hiện theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, làm ra nông sản với số lượng lớn, chất lượng cao nhưng không tìm được đầu ra hoặc không bảo đảm lợi nhuận… thì những hoạt động liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp sẽ mất động lực và không thể hiện hết được ý nghĩa liên kết giữa “04 nhà” trong phát triển nền nông nghiệp của tỉnh. 

Hồng Yến

Nguồn Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới