Thực hiện các giải pháp sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn để hoàn chỉnh kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2020

         Trước ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2020; từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 17 cuộc tuyên truyền, 02 cuộc tọa đàm trên đài phát thanh truyền hình Trà Vinh về nội dung chăm sóc tôm nuôi trong thời tiết nắng nóng và hạn hán, xâm nhập mặn để người dân kịp thời ứng phó nhằm giảm thiệt hại; trong đó tập trung một số nội dung như: Lịch mùa vụ thả nuôi một số đối tượng thủy sản trong vụ nuôi năm 2019-2020; tình hình diễn biến xâm nhập mặn vào các cửa sông chính trên địa bàn Tỉnh; về việc hạn chế thả giống tôm nước lợ đầu vụ nuôi,… 

Thu hoạch tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng

         Kết quả đến ngày 20/3/2020, toàn tỉnh đã có 11.064 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 13.177,5 ha (tăng 338,5 ha so với cùng kỳ) với số lượng giống 800,58 triệu con. Sản lượng thu hoạch 1.534,9 tấn (tăng 23 tấn  so với cùng kỳ). Trong đó, thả nuôi tôm thẻ chân trắng có 6.279 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 2.205 ha (giảm 117,5 ha so với cùng kỳ) với số lượng giống 1,414 tỷ con cho sản lượng thu hoạch 6.116,4 tấn (tăng 499,9 tấn so với cùng kỳ). Về thả nuôi tôm cành xanh có 25 hộ thả nuôi trên diện tích 6,6 ha với số lượng giống 0,21 triệu con, cho sản lương thu hoạch 693 tấn (tăng 69 tấn so với cùng kỳ). Về tình hình ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến nuôi tôm theo thống kê của Chi cục Thủy sản, trên địa bàn xã Long Hòa, huyện Châu Thành có 77 hộ nuôi tôm càng xanh bị thiệt hại vì nhiễm mặn, diện tích 51,6 ha với 2,86 triệu con giống, ước sản lượng thiệt hại 17,5 tấn[1]. Hiện nay, Chi cục Thủy sản đang tiếp tục triển khai các giải pháp như:

         - Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến diễn biến hạn, mặn trên địa bàn tỉnh cho người dân nắm để chủ động lấy, trữ nước nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn;

         - Tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; thực hiện các chuyên mục khuyến ngư khuyến cáo để người dân chủ động ứng phó với diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, thu mẫu giám sát dịch bệnh vùng nuôi thủy sản trong đó trọng tâm những vùng nuôi thiệt hại. Thu mẫu bệnh phẫm phân tích để có hướng khuyến cáo cho người dân kịp thời về tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi;

         - Khuyến cáo cơ sở nuôi thủy sản: Cập nhật diễn biến thời tiết, các thông tin quan trắc môi trường để có giải pháp tích trữ nước và kế hoạch sản xuất phù hợp; chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và bị xâm nhập mặn; theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt quản lý thức ăn, trong khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, để tăng sức đề kháng; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên; chủ động thu hoạch thủy sản nuôi kích thước thương phẩm ngay khi thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra[2].

 

[1], [2]. Nguồn: Báo cáo số 48/BC-CCTS ngày 20/3/2020 của Chi cục Thủy sản về việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.

 

Thừa Thịnh

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới