Tiềm năng, thách thức và cơ hội phát triển nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh

         Trà Vinh là tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 đạt 14,85% (trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%), là năm thứ tư liên tiếp tăng trưởng đạt 2 con số và duy trì thứ hạng tăng trưởng đứng đầu khu vực ĐBSCL trong 4 năm liền. Từ lâu, Trà Vinh đã có mối quan hệ bền chặt về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái với các tỉnh trong vùng.

          Trà Vinh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố) và 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 85 xã) có diện tích tự nhiên 235.826 ha, chiếm 5,6% diện tích của khu vực, trong đó đất nông nghiệp 186.050 ha chiếm 79% diện tích đất tự nhiên. Thành phố Trà Vinh là trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130 km và cách thành phố Cần Thơ khoảng 80 km. Hệ thống Quốc lộ chính 53, 53B, 54 và 60 nối Trà Vinh với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là luồng tàu biển vào sông Hậu được xem là lối huyết mạch, ổn định lâu dài và thúc đẩy phát triển việc kết nối logistics của khu vực ĐBSCL.

          Dân số Trà Vinh có khoảng 1,050 triệu người với hơn 620 ngàn người nằm trong độ tuổi lao động, trong đó số người lao động ở khu vực nông thôn chiếm 82,45%, nguồn nhân lực khá dồi giàu nếu được đào tạo về tay nghề và tiếp cận công nghệ mới sẽ là lực lượng quan trọng phục vụ đắc lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

          Với 65km bờ biển, nằm cặp 02 sông lớn (sông Cổ Chiên và sông Hậu), có hệ thống sông rạch chằng chịt, địa hình thấp và bằng phẳng, đất đai màu mở và khí hậu mát mẻ, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, bão là điều kiện thuận lợi để Trà Vinh phát triển đa dạng sản xuất nông nghiệp ngọt, lợ và mặn, đặc biệt là phát triển lúa gạo, các loại màu và cây công nghiệp ngắn ngày, các loại cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ và sinh thái.

         Kể từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010): Tính đến năm 2019 là 28.157 tỷ đồng, tăng gấp 37,5 lần so với năm 1992 (năm 1992 là 751,5 tỷ đồng), cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 73,23% năm 1992 xuống còn 61,20% năm 2019, lâm nghiệp từ 2,94% năm 1992 xuống còn 1,87% năm 2019, thủy sản từ 23,83% tăng lên 36,93%; Giá trị sản phẩm thu được trên 01 hécta năm 2019 đối với diện tích đất trồng trọt là 130 triệu đồng và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản là 350 triệu đồng, tăng so với năm 1992 lần lượt là 28,9 lần và gần 13 lần; Thu nhập bình quân trên người dân khu vực nông thôn tăng từ 0,6 triệu đồng năm 1992 lên 31,5 triệu đồng năm 2019, cụ thể từng lĩnh vực như sau:

         - Trồng trọt là ngành sản xuất chính của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn cả về quy mô sản xuất, giá trị sản phẩm, giá trị xuất khẩu và tập quán sản xuất của người dân. Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2019 (theo giá năm 2010) đạt 13.280 tỷ đồng chiếm 73,95% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần vào việc nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, sử dụng các giống mới có chất lượng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng và phát triển được một số mô hình hợp tác, nhân rộng được các mô hình sản xuất có hiệu quả, đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; công tác phòng, chống sâu bệnh được tăng cường thực hiện nên diện tích, năng suất và sản lượng của các loại cây trồng chính ngày càng tăng; hàng năm chuyển đổi khoảng 3.200 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng diện tích gieo trồng năm 2019 đạt 277.396 ha (tăng 1,56 lần so với năm 1992), tổng sản lượng 2,654 triệu tấn (tăng 3,17 lần so với năm 1992), trong đó: Diện tích trồng lúa 224.348 ha, sản lượng đạt 1,254 triệu tấn tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang; cây màu các loại có diện tích sản xuất tương đối lớn hơn 53 ngàn ha, với tổng sản lượng 1,4 triệu tấn với các loại rau, củ quả phát triển ở hầu hết các huyện và thị xã Duyên Hải, đặc biệt là đậu phộng có diện tích khoảng 5 ngàn ha/năm tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải; về sản xuất cây ăn trái diện tích trồng 18.052 ha, sản lượng đạt 267 ngàn tấn với các loại cây có diện tích lớn, chất lượng tốt và có giá trị kinh tế để xuất khẩu như xoài, thanh long ruột đỏ, nhãn, chuối, cam, bưởi da xanh tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và Tiểu Cần; Cây dừa được xem là cây trồng chủ lực phát triển khá mạnh ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh, với diện tích 23,1 ngàn ha đứng hàng thứ hai trong cả nước, sản lượng gần 300 ngàn tấn phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chế biến nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu, đặc biệt Trà Vinh có Dừa sáp là cây đặc sản với diện tích trồng khoảng 250 ha, cung ứng khoảng 40 -50 ngàn trái/năm.

 

 

         - Chăn nuôi giữ vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh hiện đứng thứ ba trong vùng ĐBSCL; điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội tương đối thuận lợi (khí hậu ôn hòa, ít bị ngập lũ, mặt bằng rộng, nguồn nước dồi dào, nguồn phụ phẩm nông nghiệp đa dạng, nông dân có truyền thống chăn nuôi lâu đời) nhờ đó mà chăn nuôi phát triển tương đối khá, giá trị sản xuất năm 2019 đạt 3.109 tỷ đồng chiếm 17,31% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, không ngừng gia tăng về số lượng, chất lượng và giá trị kinh tế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, về đàn vật nuôi năm 2019: Đàn trâu, bò 211.243 con, đàn heo 192.925 con, dê 20.059 con, gia cầm 7,51 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại đạt 74,64 ngàn tấn, trứng các loại từ 87,322 triệu quả.

 

         - Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp chung của tỉnh, phát triển cả trong đất liền, ven biển và trên biển về các mặt khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần dịch vụ nghề cá. Từ khi tái thành lập tỉnh đến nay, thủy sản Trà Vinh phát triển khá toàn diện cả nuôi trồng và khai thác; giá trị sản xuất thủy sản 2019 đạt 9.894 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1992-2019 đạt 16,02%/năm, chiếm 35,14% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp và chiếm 10,63% trong tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh và tạo việc làm cho khoảng 32.000 lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của một bộ phận dân cư khu nông thôn. Do là tỉnh ven biển, được bao bọc bởi 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu nên có lợi thế phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở cả 03 vùng sinh thái (ngọt, lở và mặn) và khai thác thủy hải sản; có vị trí quan trọng đối với dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Để khai thác tốt tiềm năng về phát triển thủy sản, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản và triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển thủy sản, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường giám sát, kiểm soát con giống và dịch bệnh, đưa các con giống mới vào sản xuất, cải tiến quy trình kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mặt độ cao nên năng suất, sản lượng và chất lượng của hầu hết các loài thủy sản nuôi tăng đáng kể, đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có tổng diện tích thả nuôi 50.754 ha (Nuôi vùng mặn lợ 47.344 lượt ha (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu và các loài thủy sản khác; nuôi nước ngọt 3.410 ha (cá tra, cá lóc, cá các loại...)), sản lượng đạt 137.785 tấn, tăng hơn 6,73 lần so với năm 1992. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thai thác từng bước cơ cấu đội tàu theo hướng giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng dần loại tàu có công suất khai thác xa bờ (trên 90CV), toàn tỉnh hiện có 1.189 tàu cá đăng ký (264 tàu có công suất từ 90 CV trở lên), với tổng công suất 145.105 CV, sản lượng khai thác đạt 81.858 tấn (Khai thác hải sản 71.745 tấn, khai thác nội đồng 10.113 tấn) tăng gần gấp 2 lần so với với khi mới tái thành lập tỉnh.

         - Lâm nghiệp: Tổng diện tích trồng rừng tập trung từ năm 1992 đến nay được gần 4.000 ha, nâng tổng số diện tích đất có rừng tập trung trên địa bàn tỉnh khoảng 9.200 ha; hàng năm giao khoán bảo vệ khoảng 5.000 ha, chăm sóc 500 ha; trồng cây lâm nghiệp phân tán trên 21 triệu cây, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 2,3% năm 1992 lên 3,93% năm 2019, góp phần rất lớn trong việc tái tạo lại diện tích đất rừng đã mất trồng thời gian qua, cải tạo môi trường sống, sinh sản của các loài thủy sản ven biển.

         - Về nông thôn, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt được kết quả quan trọng hoàn thành mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) trước 1,5 năm; toàn tỉnh đã huy động hơn 11.530 tỷ đồng để thực hiện. Từ năm 2013, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trà Vinh đã đổi mới công tác chỉ đạo, chuyển từ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sang ưu tiên phát triển sản xuất, để xây dựng NTM bền vững. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn luôn đổi mới đáng kể: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh công nhận 180.861 hộ (đạt 80,9% số phát động) và 373 ấp (chiếm 54,7%) đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 67,05% số xã) bình quân mỗi xã đạt 16,86 tiêu chí, tăng 8,16 tiêu chí so với năm 2013, 02 huyện (Tiểu Cần và Cầu Kè) đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

         Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo cơ chế thị trường; Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho nhu cầu thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất rất ít, chưa nhiều sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; Khô hạn, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, công tác dự báo cung, cầu yếu, giá cả bấp bênh thường xuyên diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp; Việc tổ chức lại sản xuất chưa thật sự tốt, chưa liên kết thành chuỗi cung ứng sản phẩm; Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít và quy mô nhỏ nên nguồn lực cho phát triển còn hạn chế; Việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp tỉnh còn nhiều hạn chế.

         Về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn Trà Vinh đến năm 2025

         (1) Mục tiêu: Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long góp phần giảm nghèo, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

         (2) Một số nhiệm vụ trọng tâm

         Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng lĩnh vực như sau:

         - Trồng trọt: Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn nhằm ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của quốc gia và của tỉnh gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nhằm tạo lòng tinh của sản phẩm trên thị trường; điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng tiểu vùng; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn; khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh và nông nghiệp hữu cơ; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, hiệu quả; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh. Phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 270 ngàn ha, sản lượng đạt 2,6 triệu tấn; cây lâu năm đạt 43 ngàn ha (cây ăn trái 20 ngàn ha, cây dừa 23,4 ngàn ha), tổng sản lượng đạt 600 ngàn tấn (cây ăn trái 296 ngàn tấn, cây dừa 304 ngàn tấn), tập trung phát triển các loại cây chủ lực như: Lúa, bắp, một số loại rau, củ quả, đậu phộng, một số loại cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long ruột đỏ, nhãn, chuối, cam, bưởi da xanh,…) và cây dừa.

         - Chăn nuôi: Tập trung phát triển mạnh các vật nuôi chủ lực, có điều kiện và khả năng phát triển, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân như bò thịt, heo, gia cầm... trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với sản phẩm chủ lực; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với phát triển chăn nuôi hữu cơ, sinh thái và đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; tổ chức lại hệ thống các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, có kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giống, thức ăn và thuốc thú y. Phấn đấu đến năm 2025, đàn bò 245 ngàn con, đàn heo 400 con, đàn gia cầm 7,5 triệu con, đàn dê 23 ngàn con, tổng sản lượng thịt các loại 85 ngàn tấn và trứng các loại đạt 100 triệu quả.

         - Thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa phương; chuyển từ nuôi thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, truy xuất nguồn gốc, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị đánh bắt, chế biến, bảo quản trên tàu nhằm tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển, chế biến thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 285 ngàn tấn, trong đó: Sản lượng nuôi 180 ngàn tấn, sản lượng khai thác 105 ngàn tấn; tập trung phát triển các con nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, nghêu, cá lóc.

         - Lâm nghiệp: Tăng cường quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng phòng hộ; chuyển một phần diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đảm bảo hiệu quả kinh tế và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên rừng; tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng gắng với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mô hình nông lâm ngư kết hợp. Nâng cao hiệu quả rừng trồng và cây lâm nghiệp phân tán. Nhân rộng các mô hình hợp tác trong lâm nghiệp. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia. Phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025 trồng mới 1.375 ha rừng tập trung, chăm sóc khoảng 3.250 ha, khoán bảo vệ khoảng 6.050 ha/năm, trồng cây lâm nghiệp phân tán 50 ngàn cây/năm, phòng cháy chữa cháy rừng khoảng 300 ha/năm góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng dự kiến đến cuối năm 2025 đạt 4,6%.

         - Công nghiệp bảo quản, chế biến và làng nghề: Tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh và ứng dụng công nghệ cao. Mời gọi đầu tư để phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của địa phương, từng loại cây trồng, vật nuôi. Triển khai hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến khoảng 7 - 8%/năm.

          Tập trung khai thác có hiệu quả và đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phòng chống thiên tai: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng và củng cố các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở; từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình và dịch vụ thủy lợi theo cơ chế thị trường, gắn lợi ích với quyền, trách nhiệm của người sử dụng nước. Phát triển thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư hệ thống cống điều tiết phân vùng sản xuất và các trạm bơm để tiếp nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung và tưới tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh; đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống công trình thủy lợi đã có nhưng chưa được đồng bộ; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê sông, để biển, kè sông, kè biển và cầu trên các tuyến đê biển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai bằng áp dụng công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai; đẩy mạnh các biện pháp công trình kết hợp phi công trình và nâng cao năng lực truyền thông, quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

         Triển khai thực hiện đúng, kịp thời các chính sách mới của Chính phủ và vận dụng sáng tạo các chính sách của Trung ương vào thực tế của tỉnh nhằm tạo động lực thực hiện tái cơ cấu ngành hàng nông nghiệp: Ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách của Trung ương về: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản; hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ quản lý, sử dụng đất trồng lúa... Đồng thời, sẽ tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được pháp chăn nuôi; hoạt động khuyến nông; hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ phát triển trồng rừng; hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm… để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

         Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sinh sống của cư dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51% xã nông thôn mới nâng cao (trong đó có 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu); 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Chú trọng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, ưu tiên những xã khó khăn; tập trung hỗ trợ phát triển và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh để chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn nâng cao thu nhập cho người dân, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, ứng phó với biến đổi khí hậu; cải thiện nhà ở; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo an ninh trật tự.

         Để nông nghiệp, nông thôn phát triển đạt mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên với các dự án cụ thể như doanh mục đính kèm.

CÁC DỰ ÁN MỜI GỌI ĐẦU TƯ VÀ LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TỈNH TRÀ VINH

Stt

Tên dự án

Mục tiêu hoạt động

Qui mô, công suất, nội dung đầu tư

Địa điểm

Diện tích

Hiện trạng sử dụng đầt

1

Dự án nông nghiệp sinh thái công nghệ cao

Sản xuất các loại nông sản chất lượng cao

Do nhà đầu tư đề xuất

Huyện Tiểu Cần

50 ha

Đất dân

2

Dự án đầu tư và tiêu thụ tôm sinh thái (tôm - rừng, tôm - lúa) xuất khẩu

Nuôi tôm sinh thái

Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu

 

Các huyện: Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

3

Dự án đầu tư nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao

Nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao

Do nhà đầu tư đề xuất

Trên địa bàn thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và Cầu Ngang

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

4

Dự án đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa

Đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú và TP. Trà Vinh

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

5

Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ bò, heo và gia cầm ở các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung

Chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ bò, heo và gia cầm

Do nhà đầu tư đề xuất

 

Các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang

 

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

6

Dự án đầu tư sản xuất và chế biến lúa gạo phục vụ xuất khẩu.

Đầu tư sản xuất và chế biến lúa gạo

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện: Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

7

Dự án đầu tư sản xuất và chế biến lúa hữu cơ

Đầu tư sản xuất và chế biến lúa hữu cơ

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện: Tiểu Cần,Châu Thành, Cầu Ngang

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

8

Dự án đầu tư sản xuất, tiêu thụ và chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu

Xây dựng vùng sản xuất cá tra tập trung quy mô lớn

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện: Huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành và Tp. Trà Vinh

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

9

Dự án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phộng

Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu phộng

Do nhà đầu tư đề xuất

Huyện Cầu Ngang và TX. Duyên Hải

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

10

Dự án đầu tư sản xuất và tiêu thụ các loại cây ăn quả chủ lực (cam sành, bưởi, nhãn, thanh long ruột đỏ, xoài, chuối)

Đầu tư sản xuất và tiêu thụ các loại cây ăn quả

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

11

Dự án đầu tư sản xuất, tiêu thụ và sơ chế, chế biến các loại rau, quả sạch chất lượng cao

Sản xuất, chế biến các loại rau, quả sạch chất lượng cao

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh

Do nhà đầu tư đề xuất

Đất dân

12

Dự án đầu tư sản xuất và tiêu thụ nghêu tại các bãi bồi ven biển

Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nghêu

Do nhà đầu tư đề xuất

Các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và TX. Duyên Hải.

Do nhà đầu tư đề xuất

Bãi bồi ven biển

13

Dự án đầu tư sản xuất giống thủy - hải sản nước lợ

Sản xuất giống thủy - hải sản nước lợ

Do nhà đầu tư đề xuất

Thị xã Duyên Hải

Do nhà đầu tư đề xuất

Quỹ đất công thị xã đang quản lý

 

 

  

Đoàn Văn Minh

Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới