Sản xuất VietGAP tại tỉnh Trà Vinh

         Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt bao gồm VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và các tiêu chuẩn GAP khác, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho áp dụng (gọi chung là VietGAP)[i].

         Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Trà Vinh có khoảng 30 cơ sở sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGAP, bao gồm: VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Trong đó, về trồng trọt 25/30 chứng nhận (chiếm 83,33%), về thủy sản 02/30 chứng nhận (chiếm 6,67%), về chăn nuôi 01/30 chứng nhận (chiếm 3,33%) và cửa hàng kinh doanh 02/30 chứng nhận (chiếm 6,67%). Tổng diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP 1.297,89 ha, sản lượng (trồng trọt) đạt khoảng 11.000 tấn/năm[ii]. Kết quả này khá khiêm tốn đối với Trà Vinh là một tỉnh sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng về hợp tác xã (HTX), đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 117 HTX về nông nghiệp, nhưng chỉ có 08 HTX được hỗ trợ đăng ký chứng nhận và tái chứng nhận VietGAP[iii].

         Mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 09/11/2015, tuy nhiên, hầu hết các chứng nhận VietGAP đều do các cơ quan, tổ chức khác hỗ trợ về kinh phí, tổ chức thực hiện như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Chăn nuôi, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, dự án AMD Trà Vinh,…

         Để được chứng nhận VietGAP các cơ sở phải đầu tư thêm về nhân lực, cơ sở vật chất so với sản xuất cũ (hay thường được gọi là “truyền thống”), đồng thời phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, từ đó làm tăng chi phí sản xuất. Theo số liệu của dự án từng hỗ trợ kinh phí để cơ sở sản xuất đạt (được cấp) chứng nhận VietGAP năm 2019 cho cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, thì trung bình mỗi cơ sở sẽ phải tốn khoảng 72 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian hiệu lực của chứng nhận VietGAP ngắn, chỉ từ 01-02 năm tùy theo sản phẩm, trong lúc đầu ra gặp nhiều khó khăn, giá bán chưa có sự chênh lệnh so với sản phẩm không theo VietGAP. Chính vì vậy, các cơ sở chưa “mặn mà” sản xuất theo VietGAP. Điều này thể hiện rõ hơn khi các năm qua, có chưa tới 50% cơ sở chứng nhận VietGAP hết hiệu lực tiến hành làm thủ tục để tái chứng nhận lại. Thậm chí, có cơ sở còn không hợp tác, nên đơn vị cấp chứng nhận buộc phải thông báo chứng nhận VietGAP được cấp cho cơ sở không còn giá trị.

 

Trại giống dê Boer Australia của Công ty THHH nông nghiệp công nghệ cao Việt-Úc tại xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú)

là cơ sở chăn nuôi duy nhất trên địa bàn tỉnh đến nay đạt VietGAP. Nguồn kinh phí do Cục Chăn nuôi tài trợ

 

         Về thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP với sản xuất theo truyền thống dẫn đến tình trạng bị mất giá hoặc sản phẩm không có người mua[iv]. Thật vậy, tại Trà Vinh, người tiêu dùng không dễ tìm được sản phẩm VietGAP do các cơ sở trong tỉnh sản xuất. Cơ sở thu mua/thương lái cũng không mặn mà với sản phẩm VietGAP. Gần đây, đã từng có dự án đến tìm hiểu sản xuất về cây ăn trái trên địa bàn tỉnh với mục đích hỗ trợ sản xuất theo VietGAP. Làm việc với một cơ sở thu mua xuất khẩu, chủ cơ sở cho rằng không cần thiết (sản xuất theo VietGAP cho tốn thêm chi phí-NV) do mặt hàng trái cây này vẫn xuất khẩu bình thường và thị trường tại nước nhập khẩu cũng không đỏi hỏi tiêu chuẩn cao, đối với các nước khác thì khắt khe hơn về chất lượng nhưng cơ sở chưa có ý định mở rộng thị trường mới(!). Điều này, cũng góp phần lý giải vì sao sản phẩm nông nghiệp “được mùa rớt giá” vì quá lệ thuộc vào một vài thị trường và chất lượng sản phẩm không cao,...

         Không chỉ cơ sở thu mua, các cơ sở sản xuất cũng tìm cách giảm chi phí theo hướng “không an toàn”. Tại một số tỉnh, thay vì trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà màng (tốn nhiều chi phí xây dựng, nhưng kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học,…) thì cơ sở sản xuất “thí điểm” trồng dưa lưới theo “truyền thống”, cách trồng này cũng đã được một số cơ sở ở tỉnh Trà Vinh áp dụng.

         Như vậy, quá trình chuyển đổi sản xuất sang VietGAP trên địa bàn tỉnh không thể một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía. Mặt khác, thị trường tiêu dùng cũng rất đa dạng - ngay cả ở những nước tiên tiến cũng cho phép bán sản phẩm theo nhiều tiêu chuẩn chất lượng khác nhau, người sản xuất phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Tùy theo “túi tiền”, tùy theo nhu cầu, mà người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm giá rẻ sản xuất có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất bảo quản hoặc lựa chọn sản phẩm giá cao sản xuất theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón, không sử dụng thuốc hóa học,… Vì thế, điều quan trọng cần làm là định hướng cho người sản xuất phải đa dạng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm - không nhất thiết ở mọi thời điểm đều sản xuất tạo ra sản phẩm theo cùng một tiêu chuẩn chất lượng; phải quản lý tốt thị trường và phải giúp người sản xuất có nơi “trưng bày sản phẩm”, giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm mình “cần” sẽ mua được ở đâu.

Văn Đoái



[i] Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 – 2020.

[ii] Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh (2020).

[iii] Báo cáo số 26/BC-LMT ngày 18/3/2020 của Liên minh HTX tỉnh tình hìn thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

[iv] Tú Mai (2016), Tiêu thụ sản phẩm VietGap còn nhiều khó khăn. http://doanhnong.vn/tieu-thu-san-pham-vietgap-con-nhieu-kho-khan/, truy cập ngày 19/5/2020.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới