Mô hình nuôi dê trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Dê không phải là vật nuôi mới tại Trà Vinh. Theo quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dê là một trong ba loại gia súc được định hướng phát triển[i]. Cụ thể, “Tầm nhìn đến năm 2030” đàn dê của tỉnh sẽ là 20.000 con. Số liệu thống kê thời điểm 01/01/2020, tỉnh có 18.176 con, xếp thứ 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, số con xuất chuồng 10.983 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 309,3 tấn[ii].

         Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển chăn nuôi dê như: mô hình chăn nuôi dê Boer sinh sản của Trung tâm Giống với mục tiêu tạo ra con giống có chất lượng cung cấp cho người chăn nuôi trong tỉnh[iii], mô hình chăn nuôi dê an toàn sinh học của Dự án AMD Trà Vinh đầu tư cho những hộ nghèo theo hình thức đối ứng không hoàn lại nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo[iv]; Dự án Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh do Viện Phát triển nguồn lực Trường Đại học Trà Vinh thực hiện đầu tư cho 20 hộ gồm 20 dê đực và 200 dê cái, với mục tiêu như tên gọi của Dự án. Ngoài ra còn có các trại chăn nuôi dê quy mô đàn hàng trăm con do cá nhân đầu tư hoặc các chương trình, dự án của các hội, đoàn thể triển khai hoặc các đề tài nghiên cứu về nuôi dê[v],… 

Dê đực Boer do Dự án Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh đầu tư

 

         Điểm chung của các mô hình là phát triển dê thịt. Đó là phát triển giống dê Boer thuần hoặc Boer lai nhằm cải tạo năng suất, chất lượng giống dê địa phương. Đồng thời, tạo mô hình sản xuất mới cho những hộ không có đất hoặc ít đất sản xuất. Theo kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu thì dê Boer thuần hoặc Boer lai đều thích nghi được với điều kiện chăn nuôi của tỉnh; các chỉ tiêu về sinh trưởng, sinh sản của dê đều đạt mức yêu cầu.   

         Dê là con vật dễ nuôi, chi phí đầu tư không cao, đem lại thu nhâp ổn định hơn các vật nuôi khác. Dê ăn được rất nhiều các loại lá cây kể cả loại lá cây mà trâu bò không ăn được, vì vậy có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Dê dễ chăm sóc, ít bị bệnh, thực tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không có nhiều thông tin về những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở dê như Tụ huyết trùng hay Lở mồm long móng. Một điều dễ nhận thấy là mức độ nguy hiểm của chăn nuôi dê ít nguy hiểm hơn chăn nuôi trâu bò.

         Tuy nhiên, nuôi dê không phải không có rủi ro. Do tập quán tiêu dùng, thịt dê không phải là mặt hàng được ưu tiên đưa vào “Rổ thực phẩm của người Việt” như thịt heo, thị bò hay thịt gia cầm. Cụ thể, thịt heo chiếm tới 65-70% trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của các gia đình người Việt, thịt gia cầm chiếm 15-20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản[vi].  Đối với thịt dê, được tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng, quán ăn. Mặt khác, người nuôi muốn bán dê thì hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Trại nuôi dê Boer sinh sản tại huyện Trà Cú

         Đã có những thời điểm giá dê rớt thê thảm. Dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt đóng cửa, sức tiêu thụ thịt dê giảm mạnh, thương lái không thu mua (và tìm thương lái không dễ), trong khi dê tới thời điểm xuất chuồng thì phải bán. Dê càng nuôi lâu thì càng lỗ vì dê già lứa, thịt bị dai và có mùi hôi nên thương lái chê[vii]. Trước đó, thời điểm năm 2006-2007, người nuôi cũng lao đao vì dê rớt giá liên tục và rất khó tìm nơi tiêu thụ do “cung vượt cầu”. Nguyên nhân, khi dê có giá (có lời) nhiều hộ mua dê về nuôi chạy theo thị trường mà quên nghĩ đến đầu ra, đến thời điểm dê xuất chuồng xảy ra tình trạng tồn hàng, rớt giá[viii]. Trong kinh tế thị trường, khi dê tăng hoặc giảm giá người nuôi dê của tỉnh không thể “đứng ngoài cuộc”. Khảo sát tại một số hộ nuôi dê có kinh nghiệm lâu năm, nếu giá dê thịt thấp hơn 90.000 đồng/kg (hơi) thì người nuôi dễ bị lỗ.

         Cũng giống như một số loại vật nuôi khác, tỉnh chưa chủ động được nguồn dê giống. Khi triển khai các mô hình nuôi dê hầu như các chương trình, dự án phải nhập từ nơi khác. Thực tế, điểm mạnh của các chương trình, dự án làm rất tốt khâu phát động, thực hiện nuôi mô hình, còn đầu ra của sản phẩm thường chưa như mong đợi, chương trình dự án kết thúc thì các mô hình (cũng thường) kết thúc theo. Do vậy, nên chăng cần thực hiện các mô hình nuôi dê có kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra để các mô hình có thể duy trì lâu dài và nhân rộng. Cụ thể như, Dự án Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh ngay từ đầu đã đưa ra giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đó là “Xây dựng cơ sở thu mua và giết mổ dê thịt” để đẩy mạnh khả năng phân phối thịt dê đến với người tiêu dùng. 



[i] Quyết định số 2695/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của  Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

[ii] Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/01/2020. https://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/, truy cập ngày 27/6/2020

[iii] Báo cáo của Trung tâm Giống (2018)

[iv] Đỗ Trọng Phao, Phòng Quản lý giống- Kỹ thuật Chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trà Vinh (2020)

[v] Nguyễn Thị Yến Linh, Danh Út, Nguyễn Thị Mỹ Tiên, Dương Ngọc Thành (2019). Đánh giá hiệu quả tài chính của mô hình nuôi dê bán chăn thả và nuôi chuồng tại huyện Duyên Hải, tinh Trà Vinh

[vi] Rổ thực phẩm của người Việt: Báo động việc ăn quá nhiều thịt lợn, Nhật, Úc ăn hải sản nhiều hơn (2020). https://danviet.vn/ro-thuc-pham-cua-nguoi-viet-bao-dong-viec-an-qua-nhieu-thit-lon-nhat-uc-an-hai-san-nhieu-hon-20200524134944306.htm, truy cập 23/6/2020

[vii] Trần Khánh (2020), Dê rớt giá thảm vì dịch Covid-19, rẻ hơn cả giá lợn lại còn khó bán. https://danviet.vn/de-rot-gia-tham-vi-dich-covid-19-re-hon-ca-gia-lon-lai-con-kho-ban-1080005.htm, truy cập ngày 23/6/2020

[viii] Thạch Sang (2007), Dê rớt giá, người nuôi lao đao!. http://www.vietlinh.vn/tin-tuc/2013/trong-trot-2013-s.asp?ID=1037, truy cập ngày 23/6/2020

 

Văn Đoái

 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới