Nông nghiệp Trà Vinh ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác bảo vệ thực vật

         Hệ thống giám sát côn trùng thông minh phục vụ cho công tác bảo vệ thực vật là ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp cho công tác dự tính dự báo dịch hại trên cây trồng hoàn thiện hơn về mức độ chính xác của các dữ liệu thu thập có hệ thống. Các trạm giám sát sử dụng bằng trí tuệ nhân tạo, thu hút dẫn dụ côn trùng bằng dải ánh sáng thích hợp (có thể điều khiển được bước sóng ánh sáng), thu thập dữ liệu hình ảnh côn trùng bằng camera và truyền tải hình ảnh ghi nhận về trung tâm phân tích dữ liệu. Hệ thống phần mềm giám sát ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển trên nền tảng IoT - Internet of Things (Internet vạn vật), đặc biệt ứng dụng công nghệ AI - Artifical Intelligence (Trí tuệ nhân tạo) phân tích, nhận dạng và thống kê số lượng sâu rầy. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo duy trì vận hành liên tục trên các địa hình triển khai diện rộng (ruộng lúa, khu trồng trọt canh tác diện tích lớn,…).

Quy trình vận hành hệ thống giám sát côn trùng bằng trí tuệ nhân tạo

         Thông qua hệ thống giám sát côn trùng: Từ việc ứng dụng công nghệ AI - Artifical Intelligence (Trí tuệ nhân tạo) phân tích, nhận dạng và thống kê số lượng sâu rầy, giúp cho đơn vị chuyên môn có đầy đủ cơ sở dữ liệu làm tham mưu Ngành công tác quản lý, phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả tốt nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Bởi vì, trong thời gian qua việc giám sát côn trùng dựa vào hệ thống bẫy đèn truyền thống, sử dụng ánh sáng thông thường khó thu hút côn trùng đèn; vào mùa mưa việc theo dõi côn trùng gặp nhiều khó khăn; cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác dự tính, dự báo và công tác phòng trừ dịch hại chưa đáp ứng kịp thời,... từ đó có khả năng đe dọa đến tính bền vững trong việc sản xuất nông nghiệp.

         Hệ thống giám sát côn trùng được thực hiện trên 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh nhà bao gồm: Càng Long (Huyền Hội và Mỹ Cẩm); Cầu Kè (Phong phú và Phong Thạnh); Tiểu Cần (Phú Cần và Tập Ngãi); Trà Cú (Tân Sơn và Tân Hiệp); Cầu Ngang (Trường Thọ); Châu Thành (Đa Lộc). Tồng kinh phí thực hiện 3.317.800.000 đồng trong đó: Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ kinh phí 2.1450.000 đồng và 1.172.800.000 đồng nguồn kinh phí từ Ngân sách của tỉnh, do Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam lắp đặt. Thời gian triển khai thực hiện và duy trì hoạt động trong 05 năm.

      Trạm giám sát côn trùng         Đoàn nghiệm thu tại ấp Cầu Tre - xã Phú Cần

         Xây dựng hệ thống giám sát côn trùng thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận dạng được chính xác số lượng, chủng loại côn trùng vào đèn, trên cơ sở tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn liền ứng dụng trong điều kiện thực tế. Nhằm kiểm soát, dự đoán dịch hại đề ra các giải pháp quản lý, ngăn chặn, phòng trừ trên phạm vi toàn tỉnh. Chủ động phòng, chống có hiệu quả các dịch hại trên cây lúa, đặc biệt là rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá… và một số cây trồng chính của tỉnh.

         Ngày 2-3/7/2020 công tác nghiệm thu các trạm giám sát đã hoàn thành. Các trạm giám sát chính thức hoạt động sau thời gian lắp đặt và vận hành thử nghiệm. Trà Vinh cũng là tỉnh thứ 3 của khu vực ĐBSCL xây dựng hệ thống này sau Sóc Trăng và Đồng Tháp. Hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Trà Vinh sẽ hòa cùng với hệ thống bẫy đèn của Vùng phục vụ tốt cho công tác dự tính dự báo khu vực, phòng trừ dịch hại một cách hiệu quả nhất. Góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản, giảm ô nhiễm môi trường từ hóa chất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất bền vững và an toàn cho tỉnh nhà trước thách thức của điều kiện biến đổi khí hậu.

     * Lưu ý: Để tiện cho việc theo dõi hoạt động của hệ thống giám sát côn trùng, chúng ta có thể tải và cài đặt miễn phí dễ dàng từ Google Play hoặc AppStore thông qua từ khóa “Mekong RYNAN” thực hiện các thao tác theo hướng dẫn.

Th.S Nguyễn Thị Lùng

Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới