Duy tu, sửa chữa các công trình đê điều, thủy lợi để chủ động phòng, chống trong mùa mưa bão 2020

         Những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn ra phức tạp. Tại nhiều nơi sạt lở đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân, làm hư hại các công trình cơ sở hạ tầng và nhiều diện tích đất bị mất. Từ năm 2017 đến năm 2019, có khoảng 102km đê bao, bờ bao bị sạt lở, trong đó 88km đê bao, bờ bao bờ sông; 14km đê bao, bờ bao, bờ biển. Năm 2020, mặc dù mùa mưa bảo chỉ mới bắt đầu nhưng đã có nhiều đoạn đê bao, bờ bao bị sạt lở nguy hiểm.

Đê bao xuống cấp bị nước tràn qua

         Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng đê điều, đê bao, bờ bao, đặc biệt những công trình trọng điểm, xung yếu thường xuyên bị tác động trực tiếp bởi mưa bão và triều cường. Từ đó, đề xuất giải pháp xử lý, lập thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí để khắc phục.

         Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ gần 9 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai và nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2020 (vốn sự nghiệp) để duy tu, sửa chữa một số công trình như:

         - Bờ kè thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang sụt lún nứt gãy 100m gây khó khăn cho giao thông đi lại và đời sống của người dân khu vực, được đóng cừ dừa dài L=8m gia cố sạt lở và trải vải địa kỹ thuật đắp đất tạo mái, sửa chữa lại tuyến đường đan bị hư hỏng, đảm bảo sự chắc chắn, ổn định cho tuyến bờ kè trong thời gian dài.

         - Bờ bao ấp Vịnh và ấp Long Thuận xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú có mặt đan 2m, chiều dài 486m, cặp sông Trà Cú do ảnh hưởng của triều cường nước tràn bờ bao, làm ngập 50ha đất sản xuất và gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của 30 hộ dân, được chống tràn suốt chiều dài bờ bao, trong đó có 37m gia cố và sửa chữa 04 bọng tròn Ø40cm (L=12m).

         - Bờ kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh cũng do triều cường kết hợp gió mùa làm sạt lở 200m kè rọ gây nguy cơ nhiễm mặn 20ha đất trồng hoa màu, được san gạt tạo mặt bằng mái, trải vải địa kỹ thuật, đắp cát công trình (dạng túi) và lắp đặt rọ đá mái kè (rọ đá học PVC 2 x 1 x 0,5m).

         - Đê bao Xa Xi I ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú do ảnh hưởng của triều cường làm sạt lở 94m, ảnh hưởng trực tiếp 07 căn hộ sống cặp đê, được kết cấu cọc bê tông cốt thép, khoảng cách 2m/cọc, giữa các cọc bố trí tấm chắn đất bằng bê tông cốt thép. Bề rộng mặt đê B= 4,0m, trong đó rải đá cấp phối bề rộng b=3m, lề mỗi bên đắp đất 0,5m.

- Đê bao bờ bắc sông Tổng Long, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú chịu tác động của dòng chảy mạnh sát bờ mỗi khi triều dâng cao gây sạt lở gây sạt lở 150m, đang đe dọa đến tính mạng nhân dân khi tham gia giao thông, được đóng cọc bê tông cốt thép (2m/cọc),  giữa các cọc bố trí tấm chắn đất bằng bê tông cốt thép và đặt tấm đan bê tông cốt thép áp mái đê phía sông, đóng cọc dừa (05 cây/02m) kết hợp cừ tràm xen khít và trải vải địa kỹ thuật.

         - Bờ Kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ấp Cốn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải (đoạn 750m) do triều cường dâng cao kết hợp với gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, đã làm vật liệu trong thân kè (đá 1x2 cm và cát nền) thoát ra ngoài, gây sụt lún chiều dài 750m, chiều rộng sụt lún từ 1,4m đến 3,7m độ lún sâu 10cm đến 30cm, tạo lỗ rõng trong thân kè, ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu, an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có thiên tai xảy ra, được tháo dỡ cấu kiện bê tông; trải đá bù vênh nền kè hiện hữu; Lắp đặt túi vải địa kỹ thuật bọc đá mi; trải lớp đá 1x2 tạo mặt bằng; lắp đặt lại các cấu kiện bê tông (tận dụng lại các cấu kiện nguyên vẹn); Đổ bê tông M300 (bù các cấu kiện bị phá vỡ).

 

Kè Cồn Trứng bị sụt lún.

         - Tuyến đê biển Mỹ Long đi qua xã Mỹ Long Bắc, thị trấn Mỹ Long và xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang chiều dài 14,49km. Tuy nhiên, khoảng 2.900m đoạn từ đồn Biên phòng Mỹ Long hướng về xã Mỹ Long Nam đang bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vị trí sụt lún (sâu 10-40cm, rộng 2-3m và dài 3-4m), hư hỏng trên 50% diện tích mặt đê gây đọng nước, lầy lội vào mùa mưa, được dọp dẹp mặt bằng; ban gọt lề; bù vênh các vị trí hư hỏng; trải đá cấp phối 0 x 4 cm mặt đê, dày 15cm.

         Các công trình trên nếu không có biện pháp duy tu, sửa chữa kịp thời, thì nguy cơ thiệt hại rất lớn trong mùa mưa bão và sẽ (có thể) gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ khắc phục và hạn chế được sạt, lở; đảm bảo an toàn giao thông; bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực và phục vụ công tác di dời dân nếu có thiên tai xảy ra, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Văn Sao

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới