Phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn

         Ngày 06/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng xuất khẩu[i].

         Theo channuoivietnam.com, đầu năm 2020, cả nước có khoảng 6,06 triệu con bò, 2,39 triệu con trâu, 19,62 triệu con lợn/heo, 481,08 triệu con gia cầm các loại. Đến tháng 10/2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 256 triệu USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị nhập khẩu đạt 2,69 tỷ USD, tăng 28,7%. Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi, mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4-5%/năm, giai đoạn 2025-2030 trung bình từ 3-4%/năm. Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: đến năm 2025 đạt từ 50-55 kg thịt xẻ các loại, từ 180-190 quả trứng, từ 16-18 kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt từ 58-62 kg thịt xẻ các loại, từ 220-225 quả trứng, từ 24-26 kg sữa tươi.

Hộ chăn nuôi xã Phương Thạnh, huyện Càng Long ủ phân vịt
bằng phương pháp ủ compost (ủ nóng)

         Có 5 nội dung thuộc đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi. Về nội dung ưu tiên thứ 3 “Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi”, gồm: (1) Chú trọng đầu tư nghiên cứu, thiết kế, phát triển công nghiệp phụ trợ chế tạo, sản xuất trang thiết bị chuồng trại hiện đại, đồng bộ kiểm soát tốt vi khí hậu chuồng trại và hạn chế ô nhiễm môi trường. (2) Đổi mới công nghệ về quy trình và chuồng trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa cao nhất với công nghệ chuồng kín và nhiệt đới hóa tối đa với công nghệ chuồng hở nhằm giảm thiểu thấp nhất những tác động bất lợi của ngoại cảnh đối với vật nuôi, cũng như những hệ lụy do chăn nuôi gây ra với môi trường. (3) Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học từ nguồn chất thải chăn nuôi. (4) Phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Ủ phân bò để kinh doanh tại một cơ sở tại huyện Châu Thành

         Vậy chăn nuôi tuần hoàn là gì? Chăn nuôi tuần hoàn có thể được hiểu là ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học vào giải quyết triệt để phụ phẩm, chất thải thành giá trị hữu ích tái sử dụng, bảo vệ môi trường. Thí dụ, phân gia súc, gia cầm ủ compost (ủ nóng), ủ bằng nấm Trichoderma tạo ra sản phẩm hoai mục sau đó sử dụng cho cây trồng. Phân bò tươi nuôi trùn quế và dùng phân trùn quế làm phân bón trồng cỏ nuôi bò, còn trùn quế lại làm thức ăn bổ sung cho gia cầm. Phân gia cầm làm thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen và lấy ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gia cầm,… Việc khai thác sử dụng phụ phẩm, chất thải chăn nuôi tái tạo thành sản phẩm có ích trong chăn nuôi sẽ góp phần giảm chi phí thức ăn, bảo vệ môi trường, gia súc, gia cầm khỏe mạnh từ đó giúp giảm sử dụng kháng sinh và vaccine trong chăn nuôi[ii], là xu thế chăn nuôi hiện nay.

         Một câu hỏi được đặt ra là các mô hình như: VAC (vườn-ao-chuồng) hay sử dụng phân heo, gà, vịt nuôi cá có phải là chăn nuôi tuần hoàn. Theo chuyên môn, đây không phải là chăn nuôi tuần hoàn nếu phụ phẩm, chất thải chăn nuôi được sử dụng trực tiếp, (phân tươi bón cho cây, phân sử dụng làm nguồn thức ăn cho cá), gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa tạo thành giá trị hữu ích tái sử dụng.

Khách nước ngoài (dấu x) tìm hiểu mô hình ủ phân bò bằng nấm Trichoderma
tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành

         Trà Vinh, có tổng gia súc, gia cầm tương đối lớn trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ước hàng năm có trên nửa triệu tấn chất thải từ chăn nuôi. Theo khảo sát các hộ nuôi bò ở một số xã (năm 2018), kết quả chỉ có 42,1% hộ có xử lý phân bò. Những hộ không xử lý thường dùng lấp mương, rải ngoài vườn. Những hộ có xử lý thì 83,9% phơi khô để bán, đây cũng là một trong những nguồn thu nhập hàng tháng của hộ, 16,1% xử lý bằng Biogas hoặc ủ phân bằng nấm Trichoderma, ủ nóng[iii]. Phong trào dùng phân bò nuôi trùn quế sau thời gian phát triển đã không còn được duy trì. Đối với phân gia súc, gia cầm khác, ngoài xử lý bằng Biogas, nuôi cá, bón cây thì thường thải trực tiếp ra môi trường. Hiện tại, trên địa bàn đã có cơ sở tiến hành ủ phân bò với mục đích kinh doanh nhưng quy mô nhỏ, sản phẩm đơn giản chưa hấp dẫn người tiêu dùng.

         Như vậy, chăn nuôi tuần hoàn không phải là vấn đề quá mới lạ đối với người chăn nuôi trong tỉnh. Nhưng làm thế nào để chăn nuôi tuần hoàn của tỉnh phát triển, duy trì bền vững, từ đó góp phần vào hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vấn đề được đặt ra đối với ngành chăn nuôi của tỉnh hiện nay.

Văn Đoái



[i] Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

[ii] Nông nghiệp tuần hoàn là gì? Lợi ích mang lại như thế nào? (2020), https://trangtraicontrung.com/nong-nghiep-tuan-hoan-la-gi-loi-ich-mang-lai-nhu-the-nao/, truy cập ngày 14/11/2020

[iii] Trần Văn Đoái (2020), Đánh giá khả năng duy trì của mô hình nuôi bò hậu dự án Heifer tại tỉnh Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới