Một số vướng mắc trong triển khai văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi

         Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn 2008-2018, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, thành một hệ sinh thái chăn nuôi theo hướng hiện đại. Sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần đạt 11,6 tỉ quả; sữa tươi tăng 3,6 lần lên 936,7 nghìn tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng 2,4 lần. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6-6,5 triệu hộ trong số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Và đã hình thành khung khổ Pháp luật để vận hành một ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, trong đó có phát triển nguồn nhân lực, từ quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp[i],…

         Tại Hội nghị Giới thiệu phương pháp lập kế hoạch và xây dựng chính sách dài hạn cho ngành chăn nuôi[ii], nhiều đại biểu đều cho rằng một trong những yếu tố để ngành chăn nuôi phát triển đó là nhờ có sự hình thành khung khổ Pháp luật, như: Pháp lệnh Thú y (2004), Pháp lệnh Giống vật nuôi (2004), Luật Thú y (2015), Luật Chăn nuôi (2018) cùng các Nghị định, Thông tư,… đã luật hóa, định hướng, cụ thể hóa hệ thống và hoạt động của ngành chăn nuôi và thú y, từ đó giúp ngành chăn nuôi phát triển.

         Tuy nhiên, riêng về Luật Chăn nuôi, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, và các văn bản dưới Luật, thì theo phát biểu của đại diện đơn vị tổ chức Hội nghị, đang có những vướng mắc gây khó cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện. Cụ thể như thẩm quyền ban hành “quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi”, đã giao về cho các địa phương nhưng đến nay nhiều tỉnh chưa ban hành được.

 

Nuôi bò là một trong thế mạnh của tỉnh Trà Vinh

trong Khu vực đồng bằng sông Cửu Long

         Một trong những vướng mắc đó là hiểu thế nào về khu dân cư. Có thể nói rằng, khu dân cư là “cột mốc” để xác định khoảng cách trang trại chăn nuôi phải đảm bảo xa khu dân cư theo Điều 5 của Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT[iii]. Hoặc để xác định nhà yến tồn tại trong khu dân cư, nhà yến được sử dụng loa phóng phát âm thanh theo điểm đ khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP[iv]. Hoặc “khu dân cư không được phép chăn nuôi” theo điểm h khoản 1 Điều 80 của Luật Chăn nuôi. Hiện tại, có nhiều Nghị định, Thông tư, văn bản định nghĩa khu dân cư nhưng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi chưa định nghĩa khu dân cư và cũng không dẫn chiếu văn bản để áp dụng[v].

         Quản lý nuôi chim yến là một vướng mắc khác. Theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, vùng nuôi chim yến do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến. Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến,… nhưng những quy định này lại chưa có hướng dẫn. Cũng liên quan đến Quản lý nuôi chim yến, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về cường độ âm thanh, thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến, tuy nhiên về môi trường nuôi chỉ quy định “không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến”, “có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”, nhưng cụ thể “không gây ảnh hưởng” gì và “biện pháp bảo vệ môi trường” gồm những biện pháp nào - đặc biệt với chất thải của chim yến, thì chưa rõ. Đây có thể là một trong số nguyên nhân dẫn đến thưa kiện, khiếu nại của những hộ dân sống xung quanh nhà yến. Liên quan đến nhà yến, cơ quan cấp phép xây dựng nhà yến cũng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng “lách luật” xin cấp phép xây dựng nhà ở, nhưng lại tiến hành hoạt động dẫn dụ chim yến mà cơ quan chức năng rất khó xử phạt. Mặt khác, đến nay quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi vẫn chưa được ban hành.

Một trong số hơn 300 nhà yến xây dựng tại Trà Vinh

 

         Về mật độ chăn nuôi, theo Điều 22 của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định “Diện tích đất nông nghiệp làm căn cứ để xác định mật độ chăn nuôi” và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định thành các “vùng” để xác định mật độ chăn nuôi. Cụ thể, Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau được xác định mật độ chăn nuôi năm 2030 thì hệ số ĐVN/ha là 1,0 (Phụ lục VI của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP) và 01 ĐVN[vi] bằng 500 kg gia súc, gia cầm. Hay 01 ha diện tích đất nông nghiệp được nuôi tổng số gia súc, gia cầm quy ra trọng lượng bằng 500 kg  (tùy theo loại và độ tuổi mà mỗi loại gia súc, gia cầm có hệ số để quy ra số kg trọng lượng). Điều này dẫn đến nhiều tỉnh phải giảm số đầu vật nuôi. Cụ thể như Trà Vinh, so với tổng đàn gia súc, gia cầm hiện tại, nếu áp dụng đúng và đủ thì đến năm 2030 chỉ riêng đàn bò đã đủ và vượt mật độ chăn nuôi cho phép. Việc điều chỉnh mật độ chăn nuôi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhiệm vụ, kế hoạch của ngành nông nghiệp, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và nhất là nhân lực để phục vụ chăn nuôi, vì sẽ phải điều chỉnh theo mật độ chăn nuôi. Cũng cần nói thêm, hiện nay nhân lực phục vụ chăn nuôi ở hầu hết các địa phương chưa được “quy hoạch” để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng,...   

         Bên cạnh đó còn những vướng mắc khác, như: Nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư theo Điều 5 của Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT quy định được xác định như thế nào. Mẫu Kê khai hoạt động chăn nuôi theo Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT không thống nhất với Mẫu số 06 Bản kê khai Số lượng chăn nuôi tập trung ban đầu theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây phiền hà cho cơ sở chăn nuôi. Theo Điều 2 của Luật Chăn nuôi chỉ có Chăn nuôi nông hộ và Chăn nuôi trang trại xác định theo ĐVN, dưới 30 ĐVN là chăn nuôi nông hộ, từ 30 ĐVN trở lên là chăn nuôi trang trại, vậy hiểu thế nào là chăn nuôi nhỏ lẻ,...

         Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, trong đó có rà soát “Những nội dung bất cập khác trong triển khai Nghị định số 13 tại địa phương (nếu có)[vii].

Hy vọng, qua rà soát và với những đóng góp từ các địa phương, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi sẽ khắc phục được vướng mắc, từ đó giúp địa phương thuận tiện hơn trong triển khai, thực hiện.

 

Văn Đoái



[i] Nam Khánh (2020), Bộ trưởng Nông nghiệp: Soi kính hiển vi cũng không thấy sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. http://baomoi.me/nhan-vat/bo-truong-nong-nghiep-soi-kinh-hien-vi-cung-khong-thay-san-pham-chan-nuoi-xuat-khau_tin2172931.html, truy cập ngày 14/11/2020

[ii] Hội nghị do Cục Chăn nuôi tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/10/2020

[iii] Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

[iv] Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

[v]]Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện lực về an toàn điện. Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh, trật tự”,…

[vi] ĐVN: Đơn vị vật nuôi.

[vii] Công văn 762/CN-TTPC ngày 31/8/2020 của Cục Chăn nuôi về việc báo cáo những bất cập trong triển khai Nghị định số 13/2020/NĐ-CP

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới