Kịp thời khắc phục sụt lún Kè Hiệp Thạnh

         Tuyến Kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (Kè Hiệp Thạnh) có tổng chiều dài 2.782m từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ đất sản xuất của người dân và hạn chế tình trạng xói lở bờ biển. Tuy nhiên, do triều cường tháng 11 vừa qua kết hợp gió mạnh tạo sóng lớn va đập trực diện gây sụt lún 250m2 tại 09 vị trí mái Kè và sạt trượt 53m2 khóa Kè rọ đá. Tiếp theo đó, từ ngày 16/12-20/12 ảnh hưởng của triều cường và bão số 14 tiếp tục làm sụt lún thêm 450m2 (dài 15x30m, sâu 1,4m tính từ đáy Kè tường hắt sóng), khoét sâu vào thân tường hắt sóng 4m dẫn đến sụp 15m đal đường hành lan Kè. Trước tình hình sụt lún nguy hiểm; Để đảm bảo an toàn cho tuyến Kè, bảo vệ tài sản của người dân, Chi cục Thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương xã Hiệp Thạnh đã khắc phục đoạn sụt lún nêu trên.

         Trước diễn biến và thực trạng của Kè Hiệp Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các vị trí bị sụt lún, nhất là những vị trí xung yếu, để có giải pháp xử lý kịp thời. Qua đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã đề xuất giải pháp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, phân bổ kinh phí khắc phục với số tiền 500 triệu đồng để khắc phục 250m2 tại 09 vị trí mái Kè  và sạt trượt 53m2 khóa Kè rọ đá.

Mái Kè Hiệp Thạnh bị sụt lún và các công nhân đang tiến hành khắc phục

         Ngoài sụt lún Kè Hiệp Thạnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn phát sinh 32 điểm sạt lở, tổng chiều dài 34.183m, trong đó có 4.043m đê bao, bờ bao sạt lở nguy hiểm. Tất cả các điểm sạt lở nguy hiểm đều được đưa vào kế hoạch khắc phục năm 2021 đến 2025. Những điểm sạt lở bình thường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông kết hợp chính quyền địa phương vận động Nhân dân gia cố bằng biện pháp tại chỗ như: Trồng cây dừa nước, cây bần, cây đước,… để bảo vệ. Những trường hợp nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân thì được Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí ngân sách khắc phục. Tổng số tiền ngân sách tỉnh đã phân bổ trong năm 2020 để khắc phục sạt lở, sụt lún đê bao, bờ bao, Kè bảo vệ bờ sông, bờ biển  là 19,5 tỷ đồng.

         Bên cạnh việc khắc phục sạt lở, sụt lún công tác tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc phòng, ngăn ngừa lý sạt lở, sụt lún cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, chú trọng. Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi nói chung. Khi người dân phát hiện các công trình đê điều, thủy lợi bị sạt lở, sụt lún cần báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn để sớm có giải pháp khắc phục. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn Phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai) đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức người dân về tác động của biến đổi khí hậu (WB9) được 16 lớp, với 378 lượt người dự và tập huấn công tác PCTT hỗ trợ xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao là 30 lớp với 762 người tham dự. Trong đó, riêng xã Hiệp Thạnh tập huấn công tác PCTT hỗ trợ xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao là 02 lớp, 60 lượt người tham dự.

         Trước diễn biến ngày càng phức tạp của biển đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan, bão lũ bất thường, vì vậy, tình trạng sạt lở, sụt lún các công trình thủy lợi (như Kè Hiệp Thạnh) sẽ còn thường xuyên xảy ra. Việc phát hiện sớm và khắc phục nhanh chóng sẽ góp phần hạn chế sạt lở, sụt lún tiếp tục thêm và từ đó giảm bớt sự thiệt hại; Bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất của người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Văn Sao

Chi cục Thủy lợi

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới