Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chăn nuôi

         Hiện nay, hai đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp thải vào nguồn tiếp nhận nước thải theo quy định của pháp luật và nước thải sinh hoạt, trừ trường hợp miễn thu phí theo quy định. Nước thải công nghiệp là nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở, sản xuất, chế biến của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm: Cơ sở sản xuất, chế biến, cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm,... Nước thải sinh hoạt là nước thải từ hoạt động của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan nhà nước[i],… Như vậy, có thể hiểu nếu chăn nuôi gia súc, gia cầm có tổng số 10 đơn vị vật nuôi trở lên phải chịu phí bảo vệ môi trường theo nước thải công nghiệp, chăn nuôi dưới 10 đơn vị vật nuôi chịu phí bảo vệ môi trường theo nước thải sinh hoạt. Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi chỉ quy định hai hình thức chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Chăn nuôi trang trại là nuôi từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên.

         Nguồn phát sinh nước thải đối với các trang trại chăn nuôi (như chăn nuôi heo) chủ yếu phát sinh từ: Nước vệ sinh của cán bộ, nhân viên và pha chế thức ăn, thuốc, khử trùng. Nước tiểu của gia súc. Nước tắm cho gia súc. Nước rửa chuồng trại. Nước mưa chảy tràn bề mặt (lượng nước này không tính đến khi tính toán thiết kế do khi có mưa, nước mưa chảy tràn có hàm lượng ô nhiễm thấp trên bề mặt được trang trại thu gom và chảy vào khu vực hồ và bãi lọc trước khi xả ra ngoài). Thông thường để đơn giản, khi tính toán nước thải chăn nuôi chủ yếu là nước tiểu của gia súc, nước tắm cho gia súc, nước rửa chuồng trại, nước thải do công nhân sinh hoạt và một phần nước mưa ngấm thêm vào. Ngoài ra, có thêm phương án dự phòng khi trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi[ii].

Sử dụng cây lục bình xử lý nước thải chăn nuôi

         Kể từ ngày 01/01/2021, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (hoặc cao hơn do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định). Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được tính như sau: Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải, không áp dụng áp mức phí biến đổi (xem Bảng 1).

           Bảng 1. Mức phí bảo vệ môi trường áp dụng kể từ ngày 01/01/2021

TT

Lưu lượng nước thải bình quân (m3/ngày)

Mức phí (đồng/năm)

1

Từ 10 đến dưới 20

4.000.000

2

Từ 5 đến dưới 10

3.000.000

3

Dưới 5

2.500.000

         Trường hợp cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm từ 20 m3/ngày trở lên, phí tính theo công thức sau: F = f + C

         Trong đó, F là số phí phải nộp; f là mức phí cố định 4.000.000 đồng/năm; C là phí biến đổi tính theo tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm của từng chất có trong nước thải và mức thu đối với mỗi chất (xem Bảng 2). Trường hợp cơ sở bắt đầu hoạt động sau quý I thì số phí phải nộp cho thời gian từ quý cơ sở bắt đầu hoạt động đến hết năm[iii].

           Bảng 2. Mức phí theo phí biến đổi C

TT

Thông số ô nhiễm tính phí

Mức phí (đồng/kg)

1

Nhu cầu ô xy hóa học (COD)

2.000

2

Chất rằn lơ lửng (TSS)

2.400

3

Thủy ngân (Hg)

20.000.000

4

Chì (Pb)

1.000.000

5

Arsennic (As)

2.000.000

6

Cadimium (Cd)

2.000.000

         Giá trị C tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 40:2011/BTNMT)[iv] (xem Bảng 3). Theo Bảng 3, cột A: Quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả vào các nguồn tiếp nhận là các nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, cột B: Quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả vào các nguồn tiếp nhận là các nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Phương pháp xác định giá trị các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc gia. Khi chưa có các tiêu chuẩn quốc gia để xác định giá trị của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp quy định trong quy chuẩn này thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn.

           Bảng 3. Giá trị C tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT)

TT

Thông số

Đơn vị

Giá trị C

A

B

1

Nhu cầu ô xy hóa học (COD)

mg/l

75

150

2

Chất rằn lơ lửng (TSS)

mg/l

50

100

3

Thủy ngân (Hg)

mg/l

0,005

0,01

4

Chì (Pb)

mg/l

0,1

0,5

5

Arsennic (As)

mg/l

0,05

0,1

6

Cadimium (Cd)

mg/l

0,005

0,01

         So với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62-MT:2016/BTNMT), giá trị C gồm nhiều thông số ô nhiễm thì Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT) không quy định pH, BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa), tổng Nitơ (theo N), tổng Coliform. Đồng thời, QCVN 40:2011/BTNMT thông số ô nhiễm Hg, Pb, As, Cd (tính phí) và định mức thay đổi (giảm) đối với COD (cột A: -25 mg/l, cột B: -150 mg/l), TTS (cột B: -50 mg/l)[v].

         Việc kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường được quy định cụ thể theo từng trường hợp. Đối với nước thải sinh hoạt thanh toán cùng với thanh toán tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn, đối với nước thải công nghiệp 20 m3/ngày trở lên nộp hàng quý,…

         Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nói chung đánh trực tiếp vào “túi tiền” của cơ sở chăn nuôi. Với quy định hiện nay, nước thải thải ra môi trường có thông số ô nhiễm càng cao phí phải đóng càng cao, chưa kể cơ sở chăn nuôi còn đối diện với nguy cơ bị phạt do nước thải vượt tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sẽ thúc đẩy cơ sở chăn nuôi không ngừng đổi mới trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất mà còn phải đổi mới trang thiết bị, công nghệ xử lý nước thải giảm tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường (xây dựng Biogas, đệm lót sinh học,...). Yếu tố môi trường cũng là một trong những tiêu chuẩn khắc khe của nhiều hiệp định thương mại (như Hiệp định tự do thương mại Liên Hiệp Châu Âu -Việt Nam gọi tắt là EVFTA) để cơ sở có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.

 
Sử dụng Biogas trong chăn nuôi tại Trà Vinh

         Có một thực tế do cách gọi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt nên có sự nhầm lẫn khi cho rằng chăn nuôi gia súc, gia cầm không thuộc đối tượng phải chịu phí. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chăn nuôi đến các cơ sở chăn nuôi để nâng cao ý thức, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường khi tiến hành chăn nuôi.  


[i] Chi tiết cụ thể tại Điều 2 của Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (Nghị định số 53/2020/NĐ-CP)

[ii] Tính toán tổng lượng chất thải của 1 trang trại nuôi 4000 con heo, https://moitruongxuyenviet.com/ky-thuat-Tinh-toan-luong-nuoc-thai-cua-1-trai-chan-nuoi-heo-3851.html, truy cập ngày 11/01/2021

[iii] Cách xác định số phí phải nộp được quy định tại Điều 7 của Nghị định số 53/2020/NĐ-CP

[iv] Trường hợp các tiêu chuẩn quốc gia viện dẫn trong Quy chuẩn này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo tiêu chuẩn mới (điểm 4.4 khoản 3 QCVN 40:2011/BTNMT)

[v] QCVN 40:2011/BTNMT có 33 thông số ô nhiễm, QCVN 62-MT:2016/BTNMT có 06 thông số ô nhiễm.

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới