Giải pháp quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản tại các địa phương ven biển trong giai đoạn hiện nay

    Như chúng ta biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành thủy sản cả nước đang tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Luật Thủy sản năm 2017 và những quy định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm, tích cực triển khai thực hiện. Riêng đối với công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản được các cấp, các ngành và ngư dân đặc biệt quan tâm, bước đầu thực hiện đã tạo được những chuyển biến tích cực; tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những khó khăn, thách thức nhất định trong việc thực thi Luật Thủy sản, bởi tập quán và thoái quen sản xuất của ngư dân đã tồn tại qua nhiều năm, tạo ra một số bất cập, hạn chế, nhất là trong việc chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đăng ký thuyền viên và tuân thủ kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; song song đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang tạo nên các trạng thái thời tiết cực đoan trên biển hết sức nguy hiểm, khó lường, cùng với tình hình địa chính trị trên Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp là những vấn đề mà chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm xử lý. 

Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Định An

 

         Để công tác quản lý tàu cá có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, ngày 06 tháng 01 năm 2021 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản thay thế Chỉ thị số 3727/CT-BNN-TCTS ngày 05 tháng 5 năm 2017. Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS. Theo Chỉ thị, các địa phương tỉnh, thành phố ven biển cần thực hiện nghiêm một số nội dung, giải pháp cụ thể như sau:

         Đối với công tác quản lý tàu cá

         Tiếp tục kiểm soát chặt việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý của địa phương và hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao cho các địa phương; khẩn trương thực hiện rà soát, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), thực hiện xóa đăng ký đối với các tàu cá theo quy định tại Điều 72 của Luật Thủy sản.

         Tiếp tục hướng dẫn ngư dân thực hiện đẩy đủ, đúng các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá; chỉ đạo cơ sở đăng kiểm tàu cá thực hiện nghiêm túc việc đăng kiểm, phân cấp và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo đúng quy định, không để tình trạng tàu cá đóng mới, cải hoán lắp đặt trên tàu các loại máy kém chất lượng, máy bộ (động cơ ô tô, máy kéo được thủy hóa), các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra an toàn kỹ thuật, phân cấp tàu cá.

         Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá. Thực hiện nghiêm quy định về đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

          Đối với công tác quản lý thuyền viên và người làm việc trên tàu cá

         Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký thuyền viên tàu cá vào Sổ danh bạ thuyền viên, trong đó lưu ý việc đảm bảo đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu cá; đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên môn, nghiệp vụ thuyền viên quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản.

         Yêu cầu các chủ tàu cá mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định.

         Đối với công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển

         Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tàu cá theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiên quyết không cho rời cảng đi khai thác đối với các trường hợp tàu cá không đủ định biên an toàn tối thiểu của tàu cá; không lắp đặt đủ trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá; tàu cá sử dụng lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động.

         Tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động trên biển, đặc biệt là đối với các tàu cá vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

         Tổ chức trực ban 24/7 vận hành Hệ thống giám sát hành trình tàu cá để theo dõi giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cung cấp thông tin và cảnh báo cho tàu cá về tình hình thời tiết trên biển; hướng dẫn ngư dân tránh trú bão đảm bảo an toàn và kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan khác để hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển khi cần thiết.

Lực lượng kiểm tra, kiểm soát tàu cá

         Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, tập huấn cho ngư dân các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP, Nghị định 42/2019/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam để ngư dân hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật về thủy sản và các quy định pháp luật khác có liên quan.

         Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tàu cá, thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm đảm bảo an toàn cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản.

         Định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tàu cá trên biển để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và xử lý tình huống khi có bão, thiên tai, sự cố, tai nạn trong hoạt động khai thác thủy sản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân an tâm sản xuất khai thác thủy sản.

         Tóm lại, có thể thấy Chỉ thị số 49/CT-BNN-TCTS ra đời ngay từ đầu năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng và kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tình hình mới hiện nay, qua đó chấn chỉnh lại hoạt động quản lý tàu cá, quản lý thuyền viên và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị vào cuộc chống khai thác hải sản bất hợp pháp (khai thác IUU), nhằm sớm tháo gỡ “Thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam và tổ chức lại sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản còn giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro cho ngư dân khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển, giúp dân an tâm sản xuất, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc.

                                                                             Trần Văn Sang

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới