Cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Nông nghiệp, nông thôn luôn có vị trí quan trọng và là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và ổn định đời sống, an sinh xã hội trong khu vực nông thôn. Một trong những đóng góp quan trọng là mức độ cơ giới hóa nông nghiệp trong các lĩnh vực ngày càng tăng góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao được chất lượng và tăng được sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường. Hiện trên địa bàn tỉnh có 9.919 máy kéo các loại, 2.150 máy gieo sạ lúa, 12 máy cấy, 9.928 máy phun thuốc, 63.172 máy bơm nước, 360 máy gặt đập liên hợp, 203 máy gặt xếp dãy, 267 xe vận chuyển, 230 máy sấy nông sản. Với số lượng máy móc nêu trên thì mức độ cơ giới hóa đối với các loại cây trồng, vật nuôi chính được sử dụng như sau: (1) Trong sản xuất lúa: Chủ động giải quyết gần 100% nhu cầu của các khâu làm đất, bơm tát nước, tuốt lúa bằng máy; 80% nhu cầu các khâu gieo sạ, phun thuốc, gặt lúa, vận chuyển và khoảng 40% nhu cầu sấy lúa bằng máy góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hao hụt từ 13% xuống còn dưới 10%, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo; (2) Trong sản xuất màu và cây công nghiệp ngắn ngày: Đã chủ động khâu làm đất khoảng 40%, khoảng 70% nhu cầu các khâu: Phun thuốc, bơm tát nước và vận chuyển; khoảng 80% sử dụng máy móc để tách hạt; (3) Trong sản xuất cây ăn quả và cây dừa: làm đất khoảng 50%, khoảng 80% nhu cầu các khâu: Phun thuốc, bơm tát nước và vận chuyển; (4) Trong nuôi trồng và khai thác thủy sản: Đã chủ động giải quyết được 100% nhu cầu các khâu: Làm đất, bơm tát nước, quạt nước cho nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp và khoảng 90% cho nhu cầu khai thác thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.

            Máy phun thuốc                                     Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

         Bênh cạnh những kết quả đạt được, cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp một số tồn tại, hạn chế: (1) Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ; (2) Cơ khí chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị cao do phải nhập khẩu; (3) Chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa, công nghiệp hỗ trợ còn một số hạn chế nhất định; (4) Triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả cao do nguồn lực còn hạn chế, thủ tục rườm rà; chính sách tích tụ ruộng đất và tín dụng vẫn là những hạn chế lớn đối với phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.

         Thời gian tới, để phát triển mạnh hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh cần xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình điểm phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của tỉnh; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của tỉnh; ưu tiên, đảm bảo bố trí nguồn kinh phí thực hiện./.

 

                                                Văn Minh

Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới