Huyện Trà Cú xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục trên bò

         Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, những ngày qua bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) đã và đang xảy ra trên đàn bò tại 03 xã Tân Hiệp, xã Long Hiệp và xã Ngọc Biên thuộc huyện Trà Cú. Ngày phát bệnh 06/8/2021, tổng số hộ có bò nghi, mắc bệnh: 44 hộ, số bò có biểu hiện của triệu chứng bệnh 82 con/tổng đàn 296 con (tỷ lệ 27,70%), chưa có trường hợp bò mắc bệnh chết. Gồm: Xã Tân Hiệp: 12 hộ, số bò có biểu hiện của triệu chứng bệnh 28 con/tổng đàn 85 con (tỷ lệ 32,94%); xã Long Hiệp: 20 hộ, số bò có biểu hiện của triệu chứng bệnh 32 con/tổng đàn 129 con (tỷ lệ 24,80%); xã Ngọc Biên: 12 hộ, số bò có biểu hiện của triệu chứng bệnh 22 con/tổng đàn 82 con (tỷ lệ 26,83%).

         Bệnh VDNC do vi rút Capripox (CaPV) gây ra ở trâu, bò và không lây cho người nhưng làm thiệt hại rất lớn về kinh tế. Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào 10/2020 và đến tháng 7/2021, bệnh lây lan ra 45 tỉnh, thành phố. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 137.538 con, số chết và tiêu hủy 18.080 con. Ước tính tổn thất về kinh tế do tiêu hủy khoảng 180 tỷ đồng, chưa tính chi phí chăm sóc, điều trị, chi phí khác cho công tác phòng, chống và những thiệt hại khác.

Bò bị bệnh VDNC tại Trà Cú (Ảnh: Ngô Minh Phượng)

         Theo số liệu của website Chăn nuôi Việt Nam (01/01/2021), tổng đàn trâu, bò của tỉnh Trà Vinh đã vượt hơn tỉnh Bến Tre gần 2.000 con và đứng đầu Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long[[i]]. Trong tỉnh, Trà Cú là một trong 3 huyện nuôi bò nhiều nhất chiếm khoảng 60% số lượng bò của tỉnh, đàn bò của Trà Cú có khoảng 41.000 con, hai huyện còn lại là Cầu Ngang gần 49.000 con và Châu Thành gần 41.000 con. Vì vậy, bệnh VDNC xảy ra và (nếu) không được khống chế kịp thời thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đối với ngành chăn nuôi bò của tỉnh, nhất là khi đến nay, vẫn chưa xác định được phát sinh nguồn lây bệnh.

         Điều đáng quan ngại, bệnh VDNC xảy ra trong thời điểm tỉnh Trà Vinh đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 và Trà Cú thuộc huyện có nguy cơ rất cao[[ii]]. Vì thế, sẽ gặp không ít khó khăn để triển khai công tác phòng, chống và dập dịch. Cần phải huy động lực lượng để thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, như: Tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, công tác tuyên truyền về bệnh, giám sát chăn nuôi,… nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo an toàn không lây lan dịch Covid-19 cho lực lượng phòng, chống dịch và người dân. Đối với tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xử lý, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh VDNC khi mới xuất hiện dịch bệnh, còn ở diện hẹp[[iii]].

         Hiện tại, bệnh VDNC đã có vắc xin để tiêm phòng, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lưu ý là tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin (thì trâu, bò) mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả và tại nhiều địa phương, trâu, bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng (triệu chứng), sau khi được tiêm vắc xin, gia súc (trâu, bò) có thể phát bệnh, chết, cần được xử lý theo quy định[[iv]]. Do vậy, để khống chế bệnh VDNC thì phải áp dụng đồng các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bê có triệu chứng viêm mũi, nổi cục ở da (Ảnh: Ngô Minh Phượng)

         Về hỗ trợ người chăn nuôi, có gia súc bị bệnh, bị chết, buộc phải tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (Nghị định số 02/2017/NĐ-CP được tỉnh chi tiết hóa bằng Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh); hỗ trợ công tác tiêu hủy theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh Ban hành quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025,…

         Trước diễn biến của bệnh VDNC tại huyện Trà Cú, dự báo nguy cơ bệnh VDNC phát sinh và lây lan sang các địa phương khác trong thời gian tới rất cao, nhất là thời tiết hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (như: ruồi, muỗi, ve, mòng…) phát triển và một số yếu tố khác làm phát tán mầm bệnh. Vì vậy, ngoài việc khẩn trương dập dịch tại những xã đang có bệnh VDNC, các địa phương còn lại không chủ quan, lơ là mà cần phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh để người dân hiểu và có biện pháp chủ động phòng, chống và báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn khi phát hiện bò nghi hoặc mắc bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc; thực hiện tốt khử trùng, tiêu độc, phun thuốc diệt côn trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện bệnh và xử lý kịp thời. 

Văn Đoái


[[i]] https://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/, truy cập ngày 20/8/2021

[[ii]] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (18/8/2021), Trà Vinh: tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiến hành sàng lọc cộng đồng. https://tuyengiao.travinh.gov.vn/1458/39703/69283/641474/tin-noi-bat/tra-vinh-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-tien-hanh-sang-loc-cong-dong, truy cập ngày 20/8/2021

[[iii]] Điểm c khoản 1 của Công văn số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trước đó, tại khoản 1 của Công điện khẩn số 7575/CĐ-BNN-TY ngày 31/10/2020 của Bô trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông về việc tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, hướng dẫn “Tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục, hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục

[[iv]] Điểm c khoản 3 của Công văn số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

1 người đã bình chọn
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới