Tín hiệu vui cho cây đậu phộng trên đất giồng cát ở Trà Vinh

         Tỉnh Trà Vinh có diện tích đất giồng cát lớn nhất Khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 14 nghìn ha, cây đậu phộng đã thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu ở vùng đất này và có năng suất cao.

         Tính đến năm 2020, cây đậu phộng ở Trà Vinh đã chiếm gần 60% diện tích và 70% sản lượng của khu vực; hiện tỉnh đã hình thành được một số vùng chuyên canh tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và Trà Cú với diện tích gần 5.000 ha, năng suất đậu tươi bình quân khoảng 8,0 tấn/ha, nếu chỉ tính giá bán từ 14.000-15.000 đồng/kg thì nông dân thu được lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, phẩm chất đậu phộng trồng tại Trà Vinh được đánh giá cao trên thị trường trong nước do: Hạt to, màu vỏ sáng, sạch, ít tạp chất, phù hợp chế biến và xuất khẩu, có khả năng đáp ứng được các điều kiện của tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình trồng đậu phộng tại huyện Cầu Ngang

          Trà Vinh đang tiếp tục thực hiện nâng cấp chuỗi giá trị cây đậu phộng, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến quy trình canh tác có kế hoạch mở rộng diện tích trồng đậu phộng lên gần chục nghìn ha. Tuy nhiên, nguồn giống sản xuất tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 15-25% nhu cầu, số lượng giống còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Đông Nam bộ nên rất khó kiểm soát chất lượng giống, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây đậu phộng cũng như đáp ứng được nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện mô hình “Chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất tại tỉnh Trà Vinh” nhằm tìm ra giống đậu vừa có năng suất cao, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần thúc đẩy và hình thành các mối liên kết theo chuỗi giá trị.

        Ths. Huỳnh Vân An cán bộ của Trung tâm thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ cho biết: “Năm 2021, Trung tâm đã triển khai đề tài Chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát năng suất cao tại Trà Vinh, tại 3 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú; các giống được chọn thử nghiệm là LDH 12, LDH 09, MD 7 và Hatri 01 với tổng diện tích 12.000m2; Qua 2 vụ triển khai cho thấy: Giống  LDH 09 và LDH 12 đạt  năng suất cao hơn giống đối chứng MD7 từ 10-15%. Cụ thể: Giống LDH 12 đạt năng suất 8,6 tấn/ha; giống LDH 09 đạt năng suất 8,3 tấn/ha; cây phát triển tốt, tỉ lệ hạt chắc cao, có khả năng kháng bệnh và chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Kế hoạch năm 2022 Trung tâm sẽ chọn huyện Trà Cú làm điểm để thực hiện dự án nhân rộng các giống đậu triển vọng trên với diện tích khoảng 2,0 hecta để tạo nguồn giống tốt cho tỉnh”.

Ông Kim Bên ở ấp Vạn Hạ, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: “Tôi có 4 công đậu phộng, trồng 6 năm rồi, mùa này trồng cũng có giá, bán được 15.000 đồng/kg. Tôi trồng giống mới của Sở Khoa học và Công nghê đưa cho, thấy cũng dễ chăm sóc. Mùa này thấy tốt hơn mùa rồi, mùa tới tôi cũng tiếp tục trồng giống đậu phộng này.”

         Thực tế cho thấy, kết quả mô hình “Chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất tại tỉnh Trà Vinh” bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân tham gia. Trong thời gian tới cần nhân rộng các giống triển vọng trên, góp phần cung ứng nguồn giống tốt và phong phú cho tỉnh.

Thu hoạch đậu phộng của ông Kim Bên ở Trà Cú.

         Là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây đậu phộng lớn cả nước, Trà Vinh đẩy mạnh phát triển cây đậu phộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tích cực nghiên cứu và đưa các mô hình trồng đậu phộng tiến bộ để người dân mạnh dạn áp dụng. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi, kênh mương, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất đậu phộng cũng được quan tâm, nhờ đó mà cây đậu phộng đã khẳng định được tiềm năng kinh tế, đời sống người nông dân không ngừng được nâng lên. Song song đó, để chất lượng đậu phộng thương phẩm được đảm bảo và tiêu thụ thuận lợi, ổn định trên thị trường. Trà Vinh đã khuyến khích các địa phương thúc đẩy sự hình thành doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã để gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất-chế biến-tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, bao tiêu đậu phộng thương phẩm bằng hình thức như cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trước các vụ sản xuất, đồng thời tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết 4 nhà "Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học và  Nhà doanh nghiệp".

         Ngoài việc thu hoạch sản phẩm chính là củ, nông dân còn tận dụng thân,, cây đậu phộng để làm thức ăn cho bò hay dê rất tốt. Ngoài ra, rễ cây sau thu hoạch để lại cho đất một lượng phân đạm khá lớn, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí bón phân đạm cho vụ sau. Ngoài giá bán ổn định, đậu phộng rất dễ trồng, dễ chăm sóc,  tiết kiệm chi phí bơm tát, bón phân đầy đủ, cân đối thì sẽ đạt hiệu quả. Chính vì vậy, cây đậu phộng được xem là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây khác ở địa phương, đóng góp tích cực cho việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

         Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: “Vụ Đông Xuân năm 2021, diện tích đậu phộng của xã khoảng 425 hecta, với giá đậu từ 14.000-15.000 đồng/kg, so với cây lúa thì lợi nhuận từ cây đậu phộng làm cho người dân phấn khởi hơn. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của SKhoa học và Công nghệ đầu tư sản xuất giống với diện tích 0,4 hecta, cung ứng khoảng 3,0 tấn giống tốt cho địa phương. Trong thời gian tới, địa phương sẽ bổ sung và đầu tư các tuyến kênh nội đồng để đáp ứng được nhu cầu dự trữ nguồn nước, đáp ứng tốt cho người dân sản xuất, nhân rộng mô hình”.

          Kết quả mô hìnhChọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất tại tỉnh Trà Vinh” là tín hiệu vui cho nông dân cũng như Ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, qua đó góp phần khẳng định việc chọn và trồng cây đậu phộng trên đất giồng cát là hướng đi đúng đắn; tạo cơ sở quan trọng để tìm ra con đường phát triển phù hợp cho từng địa phương, đó là lợi thế về đất giồng cát phì nhiêu, khí hậu ôn hòa để phát triển kinh tế, góp phần hình thành nên nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

                                                                                                Thanh Hùng

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới