Tăng cường hoạt động kiểm dịch để phòng, chống dịch bệnh động vật

         Hoạt động kiểm dịch động vật giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan, phát tán của mầm bệnh, ngăn chặn sự xâm nhiễm của dịch bệnh từ bên ngoài vào tỉnh ta và ngược lại. Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu làm cho các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm,… luôn tiểm ẩn trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, và gần đây, dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã bùng phát ở 6/9 huyện, thị xã.

         Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 04 trạm kiểm dịch động vật xuất - nhập tỉnh, gồm: Trạm Cổ Chiên kiểm dịch vận chuyển động vật tuyến Quốc lộ 60 giữa tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bến Tre qua cầu Cổ Chiên, trạm Càng Long kiểm dịch vận chuyển động vật tuyến Quốc lộ 53 giữa tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long qua cầu Mây Tức, trạm Trà Mẹt kiểm dịch vận chuyển động vật tuyến Quốc lộ 54 giữa tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long qua cầu Trà Mẹt và trạm Cầu Quan kiểm dịch vận chuyển động vật tuyến Quốc lộ 60 giữa tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng qua phà Đại Ngãi. Năm 2021 (tính đến tháng 8) các trạm kiểm dịch xuất - nhập tỉnh được 148.099 con heo, 13.536 con trâu, bò, 1.248.122 con gia cầm và 542.360 kg sản phẩm động vật.

Khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển khi qua trạm kiểm dịch
 (Ảnh: Trần Quốc Thịnh)

         Trong hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển thường dễ mang theo các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, làm “rơi vãi” trên suốt tuyến đường vận chuyển. Từ đó, mầm bệnh có điều kiện phát tán từ địa phương này sang địa phương khác và lây lan ra diện rộng. Mầm bệnh có thể khu trú ở phương tiện vận chuyển, ở động vật, sản phẩm động vật, trên người hoặc trang thiết bị,… Vì vậy, cán bộ kiểm dịch vừa phải tuyên truyền, giải thích cho chủ phương tiện vận chuyển về các biện pháp an toàn vệ sinh thú y trong quá trình vận chuyển và  phòng, chống dịch bệnh vừa phải thực hiện quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật theo quy định, kiểm tra phát hiện động vật nghi ngờ hoặc mắc bệnh để tiến hành các biện pháp xử lý.

         Trước diễn biến của dịch bệnh Viêm da nổi cục, công tác kiểm dịch động vật càng được tăng cường. Cụ thể, các khâu trong quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được siết chặt; lực lượng cho các trạm kiểm dịch được bổ sung đảm bảo quân số trực; thực hiện tốt khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển tiêu diệt, góp phần hạn chế mầm bệnh; kiểm tra lâm sàng để phát hiện, tách riêng động vật yếu, động vật có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh. Trong kiểm dịch động vật thì kiểm tra lâm sàng là một khâu khó, nguy hiểm đối với cán bộ thực hiện kiểm dịch động vật, vì đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ, rất dễ xảy ra tai nạn và dễ bị lây nhiễm những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Kiểm tra lâm sàng động vật để phát hiện động vật nghi hoặc mắc bệnh
 (Ảnh: Trần Quốc Thịnh)

         Đồng thời, cán bộ kiểm dịch cấp phát tài liệu và hướng dẫn cho các chủ phương tiện vận chuyển về bệnh Viêm da nổi cục. Yêu cầu các chủ phương tiện vận chuyển khi vận chuyển động vật, sản phẩm động thì phương tiện vận chuyển phải đảm vệ sinh thú y. Động vật, sản phẩm động vận chuyển phải có xuất xứ rõ ràng, an toàn dịch bệnh, được kiểm dịch theo quy định. Không mua bán, vận chuyển trâu,nghi hoặc mắc bệnh cũng như sản phẩm có nguồn gốc từ trâu bò nghi hoặc mắc bệnh. Phải thực hiện đầy đủ quy trình khai báo kiểm dịch, đặc biệt là những trường hợp phương tiện vận chuyển xuất phát từ vùng dịch hoặc đi ngang qua vùng đang có dịch. Phải hoàn tất đầy đủ hồ sơ và thực hiện nghiêm kiểm dịch động vật theo đúng quy định khi qua các trạm kiểm dịch. Nếu phát hiện trâu, nghi hoặc mắc bệnh phải báo ngay cho cơ quan chức năng và phối hợp tốt trong công tác phòng, chống dịch,...

         Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật là một trong những biện pháp chủ động để phòng, chống dịch bệnh động vật, từ đó góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm. Với những biện pháp tăng cường hoạt động kiểm dịch, đến nay hoạt động kiểm dịch tại các trạm luôn được duy trì ổn định, các chủ phương tiện thực hiện và hợp tác tốt trong quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, chưa phát hiện trường hợp làm lây lan, phát tán mầm bệnh trên địa bàn tỉnh qua vận chuyển động vật.

 

                                                   Lưu Văn Phong - Trần Quốc Thịnh

                                                  Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới