Kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Thực hiện Công văn số 1437/UBND-NN ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Công văn số 2154/BNN-QLCL ngày 14/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh, Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay.

         Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan biên soạn, in ấn và chuyển 700 bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền đến Ban trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh để cấp phát và truyên truyền đến các chùa, cơ sở tôn giáo, các phật tử,… trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm chay; chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố thực hiện 09 lớp tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, có 188 người tham dự.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm chay

         Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 02 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đối với 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay (01 cơ sở sản xuất tàu hủ, chả chay; 09 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chay, 02 cơ sở kinh doanh thực phẩm chay và 08 cơ sở sản xuất tàu hủ). Kết quả, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn tỉnh tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cũng còn một số cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm kinh doanh,… Các cơ sở vi phạm phần lớn là cơ sở mới, quy mô rất nhỏ nên chưa nắm được các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn, cho thời gian cơ sở khắc phục và giao địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát việc khắc phục của cơ sở. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đoàn đã kết hợp với tuyên truyền quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính an toàn thực phẩm và các lĩnh vực quản lý Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm chay

         Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩmnói chung thực phẩm chaynói riêng, các cơ quan chuyên môn cấp huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn cần thường xuyên rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa phương; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên tuyền về an toàn thực phẩmcho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở được phân công, phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý an toàn thực phẩm cho cán bộ tuyến huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương.

Trần Thị Phương Hồng Huế

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới