Phát triển chuỗi giá trị và kỹ thuật số trong chăn nuôi

         Hội nghị trực tuyến Giới thiệu Danh mục Sáng kiến One CGIAR tại Việt Nam (tổ chức ngày 15/6/2022), cho biết, biến đổi khí hậu làm thiệt hại khoảng 220 tỷ USD mỗi năm đối với các loại cây lương thực chính trên toàn cầu và làm gia tăng sự lây lan của dịch hại. Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống quản lý (năng lực chẩn đoán, quản lý dữ liệu giám sát và đánh giá rủi ro), lạm dụng thuốc trừ sâu và tỷ lệ áp dụng các phương pháp thay thế thấp dẫn đến nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, dễ tổn thương, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp và làm suy giảm sức khỏe đất. Đối với chăn nuôi, những năm qua một số bệnh mới hoặc bệnh cũ tái phát trở lại, cùng với việc lạm dụng kháng sinh ngày càng phức tạp. Nhiều loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái (như: Bệnh Viêm da nổi cục, bệnh Dịch tả heo Châu Phi, bệnh Lở mồm long móng). Kèm theo đó là những thách thức của ngành chăn nuôi, bao gồm: Năng suất thấp, thức ăn thiếu hụt, giá thức ăn và thuốc thú y tăng mạnh, công tác tiếp cận thị trường còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng yếu kém,… tất cả đã làm tăng chi phí giá thành sản xuất và mức độ an toàn thực phẩm. Do vậy, chăn nuôi cần hướng tới tăng năng suất và cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi giá trị chăn nuôi, thông qua kết hợp tiến bộ kỹ thuật sẵn có và kết hợp kỹ thuật mới về giống, sức khỏe vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường. Trong đó, có các giải pháp kỹ thuật số thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu và chuỗi giá trị. Về chuỗi giá trị, theo thế mạnh chăn nuôi của Việt Nam, các chuỗi giá trị được đề xuất là heo, bò thịt và gà. 

Bò là vật nuôi thế mạnh của tỉnh Trà Vinh

         Tại Trà Vinh, đã có một số nghiên cứu về chuỗi giá trị ở bò (bò thịt, bò sinh sản) và dừng ở mức độ công bố hoặc được công nhận, nhưng không triển khai các bước tiếp theo. So với các tỉnh Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng đàn bò của tỉnh Trà Vinh thuộc top đầu, nhưng chủ yếu thuộc chăn nuôi nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi/hộ); chất lượng con giống không ổn định do lai tạp nhiều giống; chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu, OCOP; người nuôi bò ít quan tâm đến khẩu phần ăn và dinh dưỡng cho bò; sự liên kết trong sản xuất hình thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác không nhiều, đến cuối năm 2021, trong số 126 hợp tác xã hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp thì chỉ có 06 hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 4,76%,… Điều này gây khó áp dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện chất lượng giống và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực tế thời gian qua, các dự án, chương trình hỗ trợ đầu tư chăn nuôi bò tạo thêm việc làm và tăng thu nhập nông hộ, tuy vậy, thu nhập từ chăn nuôi bò chưa đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của hộ và tính bền vững của dự án, chương trình sau khi chuyển giao về địa phương không cao.

         Theo kết quả nghiên cứu của dự án AMD Trà Vinh (2017) về chuỗi giá trị bò sinh sản, thì 73% người chăn nuôi bán bê cho thương lái, 23% người chăn nuôi bê bán trực tiếp cho người nuôi thịt. Vai trò hỗ trợ đầu vào, đầu ra của các cơ sở cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, quản lý nhà nước cho chuỗi rất mờ nhạt. Về chuỗi giá trị bò thịt thông thường như sau:

         Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Đệ (2013) chuỗi giá trị bò Đồng bằng sông Cửu Long có phân tích chi tiết hơn về thương mại, tiêu dùng và tỷ lệ bò bán qua thương lái (thu gom), bán trực tiếp cho cơ sở giết mổ,… (xem hình).

Sơ đồ chuỗi giá trị bò Đồng bằng sông Cửu long
 (Nguồn: Nguyễn Ngọc Đệ, 2013)

 

         Về giải pháp kỹ thuật số thông minh trong chăn nuôi, nếu như ở lĩnh vực trồng trọt và thủy sản của tỉnh đã có nhiều đột phá từ áp dụng công nghệ tự động hóa, truy xuất nguồn gốc, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm OCOP, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử,… thì ở lĩnh vực chăn nuôi chưa có nhiều chuyển biến. Chưa có sản cơ sở chăn nuôi thực hiện truy xuất nguồn gốc hay giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ngoại trừ cơ sở bán thịt heo tại Cầu Ngang. Sản phẩm OCOP (lạp xưởng, chả lụa) chiếm khoảng dưới 10% số sản phẩm OCOP được công nhận của tỉnh,... Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2022 và thời gian tới, ngành nông nghiệp phải “triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi, phục vụ người dân” (Thông báo số 159/TB-VPCP ngày 27/5/2022 của Văn phòng Chính phủ). Đây là nhiệm vụ đầy thách thức cho ngành chăn nuôi, bao gồm chăn nuôi của tỉnh Trà Vinh.

         Theo chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 25/3/2021), đã đề ra nhiều giải pháp liên quan đến chuỗi và công nghệ số, như: Thúc đẩy nhanh việc phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gắn với các chuỗi liên kết, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu, gắn với các chuỗi liên kết. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, đấu giá giống vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Nâng cao năng lực hoạt động của các hộ chăn nuôi, các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng liên kết khép kín chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi chủ lực gắn với con vật nuôi thế mạnh của từng địa phương,…

         Để phát triển chăn nuôi về lâu dài, theo đề xuất của diễn giả tại Hội nghị, cần: Hỗ trợ các hoạt động chuỗi giá trị cải thiện an toàn thực phẩm qua đào tạo, chứng nhận và thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng. Giám sát hoạt động các cơ sở giết mổ và xếp hạng an toàn thực phẩm dựa trên kết quả hoạt động cho những người bán hàng tại các chợ truyền thống. Thu thập, quản lý dữ liệu dịch bệnh động vật thông qua điện thoại thông minh, từ đó có biện pháp chủ động phòng, chống; đẩy mạnh tuyên truyền về mối nguy hại sử dụng kháng sinh và triển khai các giải pháp thay thế giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi,… 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới