Chương trình mỗi xã một sản phẩm là nguồn lực để góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025

         Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Vì vậy, Chương trình OCOP đã và đang được cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và chủ thể trên địa bàn tỉnh Trà Vinh quan tâm triển khai thực hiện.

         Sau hơn 03 năm triển khai, tỉnh đã có 104 sản phẩm OCOP, gồm: 06 sản phẩm tiềm năng 05 sao, 15 sản phẩm 04 sao và 83 sản phẩm 03 sao. Có 67 chủ thể có sản phẩm OCOP, trong đó: 17 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, tổ hợp tác và 38 hộ kinh doanh. Chương trình ngày càng lan tỏa, trở thành một trong những giải pháp được các địa phương ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Nếu như năm 2019-2021, chỉ có 80 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng và được công nhận thì đến năm 2022 tăng “đột biến”. Năm 2022, có trên 138 sản phẩm đăng ký, kết quả đánh giá phân hạng lần 1 công nhận 28 sản phẩm đạt 03 sao trở lên, lần 2 (đang được đánh giá phân hạng) đăng ký 110 sản phẩm, hơn 90 sản phẩm đăng ký mới. Điều này cho thấy chủ thể nhận thức được lợi ích của Chương trình OCOP nên tích cực, chủ động tham gia và đồng thời cho thấy sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp. Chương trình OCOP cũng khai thác nguồn tài nguyên có lợi thế, từ đó hình thành được sản phẩm đặc trưng gắn với từng chủ thể, từng địa phương và của tỉnh.

Bánh bao chỉ, sản phẩm OCOP 03 sao của hộ kinh doanh Tiệm bánh Ngọc Thu
 (khóm 1, phường 2, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)

         Để mở rộng thị trường, ngoài tiêu thụ sản phẩm từ kênh truyền thống, chủ thể còn mở rộng bán hàng qua các sàn giao dịch điện tử, từ đó gia tăng số lượng sản phẩm tiêu thụ so với thời điểm chưa được công nhận OCOP. Đã có 73 sản phẩm của 28 chủ thể thực hiện tem truy xuất nguồn gốc, giao dịch qua các sàn thương mai điện tử. Các cấp, các ngành, địa phương luôn thường xuyên, tích cực hỗ trợ chủ thể đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá kết nối sản phẩm OCOP qua các hội chợ, triển lãm, trưng bày tại các hội nghị, hội thảo,... Tỉnh giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động. Đối với các điểm tham quan thì xây dựng và bố trí, sắp xếp gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP để giới thiệu, quảng bá đến du khách.

         Tuy vậy, OCOP là chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặt biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, giai đoạn đầu triển khai còn nhiều lúng túng trong cách làm. Hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực. Sự tham gia của chủ thể còn bị động nên bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...

Gạo Rạch Lọp, sản phẩm OCOP 03 sao của hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh)
trưng bày tại Hội chợ xúc tiến thương mại và công nghiệp nông thôn
 gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh, năm 2022

         Từ kết quả đạt được, tỉnh xác định tiếp tục đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân góp phần xây dựng thành công xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 03 sao trở lên. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 50% chủ thể OCOP là doanh nghiệp, công ty và hộ kinh doanh. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 10% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề địa phương. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); phấn đấu xây dựng 1 nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh; Có ít nhất 01 dự án về Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được hình thành và triển khai thực hiện. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu ít nhất 5 sản phẩm và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu ít nhất 10 sản phẩm.

         Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đề ra 08 nội dung và 07 giải pháp thực hiện (theo Quyết định số 2207/QĐ-UBND, ngày 14/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Về nội dung, gồm: Thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP; Triển khai thực hiện Chu trình OCOP; Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình; Tăng cường chuyển đổi số. Về giải pháp, đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ; Tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực; Triển khai Chu trình OCOP thường niên; Giải pháp về khoa học công nghệ; Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP; Xây dựng và triển khai các dự án thành phẩn.

         Có thể thấy rằng, với kết quả sau hơn 03 năm triển khai thì mục tiêu Chương trình OCOP đến năm 2025 của tỉnh hoàn toàn có cơ sở đạt được và sẽ góp phần xây dựng thành công xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Nhất là, các chính sách hỗ trợ OCOP theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 10/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính.

Nguyễn Thị Mỹ Hương

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới