Những biện pháp xử lý phân gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

         Trà Vinh có gần 550.000 con gia súc và trên 5.000.000 con gà, ước tính ở điều kiện nuôi nhốt, lượng phân thải ra khoảng 2,7-3 triệu tấn/năm, chưa tính lượng phân của hơn 2.000.000 con vịt, ngan ngỗng,… Trong đó, phân bò chiếm 74%, phân heo 19%, phân dê <1% và phân gà <7%. Hiện nay, phân gia súc và các chất thải, như: nước tiểu, thức ăn dư thừa, nước rửa chuồng,… được xem như là nguồn tài nguyên nếu biết tận dụng, xử lý tốt. Những năm qua, nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã thu gom, xử lý và tận dụng tốt nguồn phân gia súc, gia cầm (trừ phân vịt, ngan ngỗng,… ít được thu gom, sử dụng do phương pháp, cách thức chăn nuôi), góp phần tăng thu nhập về kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và tạo thêm việc làm mới.

Phân bò: Tỷ lệ nước và chất hữu cơ cao. Sử dụng phân bò hợp lý đất trở nên màu mỡ, tơi xốp và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển. Các biện pháp xử lý phân bò được cơ sở chăn nuôi áp dụng, như:

         - Phơi khô bán. Biện pháp này thường áp dụng vào mùa khô và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi bò. Phân bò khô được sử dụng để bón cho cây trồng.

         - Biogas. Thời gian qua, nhờ vào các chính sách hỗ trợ, phong trào xây dựng công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh được đánh giá thành công so với các tỉnh. Ngoài việc sử dụng khí gas để đun nấu. Phân sau khi phân hủy và nước thải vào bể/hầm Biogas được sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

         - Ủ compost hoặc ủ nấm Trichoderma. Có tác dụng tiêu diệt hạt cỏ và vi sinh vật gây hại trong phân bò. Phân sau khi ủ là nguồn phân hữu cơ bón lúa, rau, dưa các loại.

Ủ phân compost (ủ nóng) tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long

         - Nuôi trùn quế. Đã có thời điểm phong trào nuôi trùn quế rất phát triển trên địa bàn tỉnh. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc nuôi trùn quế không còn được duy trì. Trùn quế làm thức ăn bổ sung đạm trong chăn nuôi. Phân trùn quế sử dụng làm phân bón cho nhiều loại cây trồng như lúa, rau,...

         - Nuôi ruồi lính đen. Gần đây, một số cơ sở trên địa bàn tỉnh sử dụng phân bò nuôi thử nghiệm ruồi lính đen. Ấu trùng của ruồi lính đen sử dụng làm thức ăn bổ sung đạm cho gia súc, gia cầm. Phần còn lại được sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

Ruồi lính đen nuôi tại Trà Vinh (Nguồn: Võ Quang Cường)

         - Chất đống tự phân hủy hoặc thải xuống mương, vũng dễ gây ô nhiễm môi trường.

         - Biện pháp nuôi bò trên đệm lót sinh học hoặc làm chất đốt đã có ở một số nơi, nhưng chưa được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

         Phân heo: Hàm lượng nước cao giống như phân bò. Đặc biệt, phân heo dễ gây ô nhiễm môi trường về mùi hôi. Sử dụng phân heo làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng hiệu quả sử dụng phân hóa học. Các biện pháp xử lý phân heo được cơ sở chăn nuôi áp dụng, gồm:

         - Biogas. Tương tự như xử lý phân bò. Ngoài việc sử dụng khí gas để đun nấu. Phân sau khi phân hủy và nước thải vào bể/hầm Biogas được sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

         - Sử dụng nuôi cá. Việc sử dụng phân heo nuôi cá làm giảm chi phí, nhưng dễ gây ô nhiễm môi trường nước và làm phát sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn bất lợi khác, nhất là sử dụng phân chưa qua xử lý xả thẳng xuống ao, hồ. Sử dụng phân heo làm thức ăn cho cá phổ biến với mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng) hoặc VACB (Vườn - Ao - Chuồng - Biogas) nhưng phải thực hiện đúng kỹ thuật.

         - Đệm lót sinh học. Tương tự như phong trào sử dụng phân bò nuôi trùn quế, có thời điểm nuôi heo trên đệm lót sinh học được xem là mô hình hay và phát động các cơ sở chăn nuôi heo thực hiện. Tuy nhiên, do những hạn chế bộc lộ của mô hình nhiều hơn mặt tích cực, nên phong trào nuôi heo trên đệm lót sinh học nhanh chóng biến mất và gần như không còn duy trì.

         - Sử dụng phân chưa qua xử (phân tươi) làm phân bón cho cây trồng (cỏ), biện pháp này không được khuyến cáo, vì hàm lượng amoniac và axit cao trong phân heo có thể làm hư hại đất và cây trồng. Vì vậy, nếu sử đụng bón cho cây trồng, nên để phân heo ngoài trời khoảng sau 6 tháng, lúc này phân hoai mục.

         - Chất đống tự phân hủy hoặc xả thẳng xuống mương, kênh, rạch,… là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. 

Nuôi heo trên đệm lót sinh học

         - Biện pháp sử dụng phân heo nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế hoặc ép phân khô chưa được áp dụng.

         Phân dê: Trên địa bàn tỉnh, dê được nuôi nhiều tại Cầu Ngang và Duyên Hải. Phân dê tốt cho cây trồng, bổ sung chất hữu cơ, tạo độ mùn, vì vậy góp phần cải tạo đất. Phân dê dễ hoai mục, thời gian ủ nhanh. Phân dê thường được ủ hoặc sử dụng phân chưa qua xử lý làm phân bón cho cây trồng.

         Phân gà: Có hàm lượng ni tơ cao hơn và tỷ lệ nước thấp hơn phân heo, phân bò. Các biện pháp xử lý phân gà được cơ sở chăn nuôi áp dụng, đó là:

         - Đệm lót sinh học. Được áp dụng ở hầu hết các hộ nuôi gà tập trung số lượng nhiều. Đệm lót sau mỗi đợt nuôi được thu gom sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

         - Làm thức ăn trực tiếp nuôi cá. Áp dụng đối với những cơ sở nuôi gà làm chuồng sàn trên mặt nước, tuy nhiên do tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi khi sử dụng phân gà và các chế phẩm khác của gia cầm không rõ nguồn gốc để làm thức ăn cho cá đã bị cấm.

         - Để phân thành đống tự phân hủy.

        - Biện pháp sấy khô phân gà và nghiền thành bột hoặc đóng viên hoặc ủ compost hoặc ủ nấm Trichoderma hoặc nuôi giun đất (không phải trùn quế) hoặc nuôi ruồi lính đen chưa được áp dụng.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học tại xã Bình Phú, huyện Càng Long

          

         Như vậy, có thể thấy rằng, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng rất nhiều biện pháp xử lý phân tùy theo đối tượng nuôi. Nhiều biện pháp được xem là sản xuất tuần hoàn, như: nuôi trùn quế, nuôi ruồi lính đen, ủ phân bón cho cây trồng,… Tuy nhiên, không nhiều giải pháp mang tính căn cơ, thường “theo phong trào”. Điều này gây lãng phí nguồn tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn, cũng như thu nhập của cơ sở chăn chưa được tận dụng hết.

 

Văn Đoái

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới