Tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023

         Năm 2022, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Trà Vinh có thêm 104 sản phẩm được công nhận, nâng tổng số toàn tỉnh là 184 sản phẩm. Trong đó, tiềm năng 05 sao 09 sản phẩm, đạt 04 sao 38 sản phẩm và đạt 03 sao 137 sản phẩm. Phần lớn sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ các ngành nghề truyền thống. Đến nay, đã có 118 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, gồm: 72 hộ kinh doanh, 20 công ty, 05 doanh nghiệp, 19 hợp tác xã và 02 Tổ hợp tác. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm “độc”, “lạ” hoặc mang đậm tính chất đặc trưng của vùng miền được công nhận OCOP, như: Mứt Chuối Tá Quạ (Hợp tác xã Tân Qui), Chuối Tá Quạ (Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Ngãi), Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành),…  

         Năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 133 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Và, tiếp tục hỗ trợ nâng cao, nâng chất, quản trị, quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, xây dựng ít nhất 10 nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ. Để hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, cuối tháng 12/0222, tỉnh khai trương đi vào hoạt động Cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP (6A, Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, thành phố Trà Vinh) với gần 100 sản phẩm của gần 40 chủ thể tham gia. 

Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đạt 3 sao
 (Ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành)

          

         Để thực hiện mục tiêu của năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo sở, ban, ngành tỉnh, địa phương, bằng nhiều hình thức, cần tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về Chương trình OCOP. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh đến năm 2025. Tập trung tiêu chuẩn hóa, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, có sức cạnh tranh gắn với thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất và hình thành các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng, đặc sản có giá trị, chất lượng cao.

Sản phẩm Lạp Xưởng Vạn Thành đạt sản phẩm OCOP 3 sao

 

         Đối với các chủ thể, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, cải tiến dây chuyền sản xuất, đào tạo tập huấn nhân lực, hỗ trợ nâng sao để các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, là các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, như: hỗ trợ chi phí thuê hoặc xây dựng các cửa hàng OCOP, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại kết nối cung cầu sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, in tem, bao bì,…

Những năm qua, Chương trình OCOP của tỉnh luôn được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cấp, các ngành, địa phương. Chương trình OCOP đã giúp các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và góp phần bảo tồn, phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm của ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

 

Nguyễn Thị Mỹ Hương

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới