Đối xử nhân đạo với vật nuôi

 Đây là vấn đề ít được người chăn nuôi, giết mổ động vật ở Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, Luật Chăn nuôi (2018) đã dành hẳn Mục 2 của Chương V với 04 Điều (từ Điều 69-72) để quy định việc đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể, Trong chăn nuôi tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải: (1) Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; (2) Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; (3) Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; (4) Không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Trong vận chuyển phải: (1) Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; (2) Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; (3) Không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Trong giết mổ phải: (1) Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; (2) Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; (3) Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác, vật nuôi phải: (1) Được đối xử nhân đạo theo quy định; (2) Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.

Heo được nuôi trong chuồng sạch sẽ, thoáng mát


            Bên cạnh đó, một trong 5 nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ đó là “Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng”.
           Vì sao đối xử nhân đạo với vật nuôi được đưa vào luật?
           Việc đối xử nhân đạo với vật nuôi đã được nhiều nước áp dụng như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc… Trên thế giới có những tổ chức, đạo luật bảo vệ động vật, vật nuôi như: Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) - Chống lại sự tàn ác đối với động vật trên toàn cầu, Động vật phòng thí nghiệm ở Mỹ được bảo vệ theo Đạo luật quyền của động vật, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia)… mục đích nhằm đảm bảo con vật được đối xử tốt nhất hay đảm bảo “phúc lợi của động vật”. Phúc lợi động vật hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có cho dù là vật nuôi để làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Theo đó, có 5 tiêu chuẩn bảo đảm phúc lợi động vật, gồm: Không bị đói khát, không khó chịu cả về thể chất và tinh thần, không bị đau đớn-thương tật-bệnh tật, tự do thể hiện các hành vi theo bản năng, không sợ hãi và lo lắng. Nếu phát hiện quốc gia nào còn tồn tại những hành vi đối xử không nhân đạo với vật nuôi như đập bò, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, cho con vật chứng kiến đồng loại của nó bị giết mổ… thì quốc gia đó sẽ bị từ chối cung cấp thịt.
            Tại Việt Nam, năm 2015, Úc đã quyết định tạm ngưng xuất gia súc với một Công ty trong thời gian điều tra những cáo buộc được tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia cung cấp nhiều lò mổ có hợp đồng giết mổ bò Úc đã ngược đãi động vật, vi phạm tiêu chuẩn ESCAS (Export supply chain as Assurance system - Hệ thống Đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng của nước xuất khẩu).
           Mặt khác, khoa học chứng minh rằng khi vật nuôi bị ức chế, hoảng loạn, đau đớn kéo dài thì sẽ tiết ra độc tố. Con người sử dụng thịt, sản phẩm vật nuôi có độc tố sẽ là mầm mống của nhiều căn bệnh. Bên cạnh đó, hành vi đối xử thô bạo, giết thịt vật nuôi một cách tàn nhẫn là đi ngược lại với truyền thống nhân văn của người Việt Nam và không phù hợp với xã hội văn minh.

 

Gà nuôi bán chăn thả


           Chính vì vậy, đối xử nhân đạo với vật nuôi được đưa vào luật để khắc phục tình trạng, hành vi đối xử thô bạo, ngược đãi vật nuôi; chế tài, xử phạt tổ chức, cá nhân đối xử không nhân đạo với vật nuôi.

 

Nguồn tài liệu tham khảo trích dẫn:
[1] Đậu Ngọc Hào st và dịch, Đối xử nhân đạo với động vật, http://www.vjol.info/index.php/kk-ty/article/viewFile/10994/9976, truy cập ngày 20/12/2018.
[2] Đối xử nhân đạo với động vật và lệnh cấm xuất khẩu bò sang Việt Nam (2016), http://vietnamtradeoffice.net/doi-xu-nhan-dao-voi-dong-vat-va-lenh-cam-xuat-khau-bo-sang-viet-nam/, truy vập ngày 20/12/2018.
[3] Hạnh Duyên (2014), Động vật phải được đối xử nhân đạo, https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dong-vat-phai-duoc-doi-xu-nhan-dao-20140915221003747.htm, truy cập ngày 20/12/2018.
 [4] Mai Hiền (2018), Vì sao có quy định cấm đánh đập trâu, bò, heo?, https://tintaynguyen.com/vi-sao-co-quy-dinh-cam-danh-dap-trau-bo-heo/753214/, truy cập ngày 20/12/2018.
[5] Việt Linh (2018), Vật nuôi lấy thịt cũng cần được đối xử nhân đạo, http://plo.vn/ban-doc/vat-nuoi-lay-thit-cung-can-duoc-doi-xu-nhan-dao-807955.html, truy cập ngày 20/12/2018.

 

Văn Đoái

Tin mới