Một số lưu ý về hàng rào thương mại của thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam

          Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Cục CBTTNS)- Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu. Đối với mặt hàng rau quả, giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thị trường Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2018 vẫn đứng đầu với 74% thị phần, giá trị đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng năm 2018 đang có dấu hiệu chững lại, nếu so với tốc độ tăng trưởng 47,8% cùng kỳ năm 2017; xuất khẩu thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2018 cũng có dấu hiệu không ổn định và theo chiều hướng giảm khoảng 0,9% về giá trị kim ngạch.

 

            Báo cáo tại cuộc Hội thảo “tập huấn rào cản thương mại quốc tế gắn với phát triển thị trường nông sản” tại thành phố Hồ Chí Minh do Cục CBTTNS -Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vào ngày 17/9/2018 cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước những thách thức, khó khăn như hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong năm 2018, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,… đã điều chỉnh chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ đối với nông sản nội địa thông qua tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu, áp dụng hàng rào kỹ thuật như kiểm dịch, an toàn thưc phẩm, phòng vệ thương mại,… tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về  giá và chất lượng giữa các thị trường. Ngoài ra, diễn biến xu hướng tiêu dùng của khu vực và toàn cầu có nhiều biến động.
             Mặt khác, theo nhận định và dự báo của Cục CBTTNS cũng như các chuyên gia ngành nông nghiệp (Bản tin thị trường nông nghiệp, tuần 9 năm 2018 (26/2 - 2/3/2018),  các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu. Trước những áp lực về việc Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nông sản của Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường thay thế. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, rau quả Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam. Ở chiều ngược lại, khi Trung Quốc đánh thuế bổ sung 25% đối với các nông sản xuất khẩu của Hoa Kỳ như trái cây và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm,… Để tránh bất lợi này, các sản phẩm nông sản của Hoa Kỳ có thể sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, ảnh hưởng chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Qua đó, Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa khiến nhu cầu nhập khẩu giảm xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
            Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nhập khẩu. Song song đó, phải khắc phục các tồn tại trong vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm, quy cách bao gói, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản,… đối với sản phẩm nông sản để hạn chế tối đa ảnh hưởng bất lợi và biến thách thức thành cơ hội trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất khẩu.

 

Sơn Sâm Phone

Tin mới