Trà Vinh tìm giải pháp nâng cao giá trị ngành chăn nuôi bò

Trà Vinh có thế mạnh về chăn nuôi bò, tổng đàn bò của tỉnh đứng thứ hai so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu thống kê từ năm 2013 đến năm 2017, bình quân có khoảng 46.400 con bò xuất chuồng/năm với sản lượng gần 10.000 tấn thịt/năm (Nguồn:Website http://channuoivietnam.com/, ngày 13/8/2018). Nhiều năm qua, Trà Vinh là “địa chỉ” cung cấp bò nuôi sinh sản cho các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành chăn nuôi bò của tỉnh có rất nhiều bất lợi như: Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu-xâm nhập mặn, số liệu của Cục Thống kê Trà Vinh cho thấy, sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh 2017/2016 giảm 2.647 tấn (3,32%), nếu tính bình quân 5 năm từ 2013-2017, sản lượng thịt hơi giảm 0,37%/năm. Chăn nuôi bò của tỉnh vẫn mang tính cá thể, nhỏ lẻ. Tỉnh chưa chủ động về giống, đầu ra phụ thuộc vào thương lái, dịch bệnh đe dọa, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Thách thức lớn nhất đối với ngành hàng bò thịt là khả năng cạnh tranh trên thị trường.
         Trước những khó khăn, thách thức trên, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cầu Ngang, địa phương có đàn bò nhiều nhất trong tỉnh, tổ chức Hội thảo (ngày 07/9/2018, tại huyện Cầu Ngang-NV) với chủ đề: “Giải pháp nâng cao chất lượng đàn bò” nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò bền vững và góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 tổng đàn bò thịt của tỉnh là 244.500 con, năm 2030 là 350.000 con.

 

 

    Hình ảnh tại Hội thảo


           Tại Hội thảo các ý kiến phát biểu, tham luận cho rằng, để nâng cao chất lượng đàn bò phải có chất lượng tinh bò tốt, đạt chuẩn cung ứng trên thị trường. Vì hiện nay khoảng 80% bò cái được phối giống bằng phương pháp gieo tinh, rất cần có cơ chế quản lý, giám sát các cửa hàng bán tinh bò đông lạnh và các dẫn tinh viên nhằm đảm bảo chất lượng đàn bê sinh ra (hiện tỉnh có 5 cửa hàng bán tinh đông lạnh bò và trên 100 dẫn tinh viên- NV). Khi số lượng bò gia tăng thì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt thức ăn, ngay từ bây giờ cần hướng dẫn, khuyến khích người chăn nuôi chế biến, sử dụng thức ăn phối trộn để tận dụng tất cả nguồn thức ăn, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, rẻ tiền tại địa phương, làm hạ giá thành và cải thiện chất lượng thịt. Cơ quan chuyên môn cần đánh giá lại chất lượng (thịt) của các giống bò lai để có định hướng, khuyến cáo sản xuất cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, sản suất theo chuỗi, sản suất tập trung và xây dựng thương hiệu bò thịt của tỉnh.
          Ngoài ra, theo PGS.TS. Võ Văn Sơn, nguyên Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại Học Cần Thơ-tham dự và chủ trì Hội thảo, cần đa dạng các sản phẩm từ chăn nuôi bò, không chỉ tập trung vào những sản phẩm truyền thống là bò giống và bò thịt. Có thể khai thác nâng cao giá trị các sản phẩm hoặc xây dựng mô hình chăn nuôi “độc đáo” để khai thác du lịch. Về chuỗi bò thịt đã tồn tại theo thời gian nên khó thay đổi (người chăn nuôi bán bò chủ yếu qua trung gian là thương lái-NV). Tuy nhiên, cải thiện theo hướng giảm trung gian và nâng cao giá trị của từng công đoạn là điều có thể làm. Thí dụ, xây dựng các hợp tác xã/vùng liên kết chăn nuôi hay vỗ béo bò thịt với qui mô lớn hơn tạo nguồn hàng ổn định hơn, chất lượng tốt hơn để làm đầu mối cung cấp cho thị trường. Kêu gọi đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ có năng lực cung cấp một số lượng sản phẩm lớn, vệ sinh cho các nơi tiêu thụ. Từng bước thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt bò tạo điều kiện cho cơ sở giết mổ ký kết hợp đồng với người chăn nuôi làm tốt qui trình kiểm soát dịch bệnh.
           Một thông tin đáng chú ý, PGS.TS. Võ Văn Sơn cho rằng, qua khảo sát thể trạng đàn bò cái (do lai tạo) của tỉnh những năm gần đây đã dần được cải thiện. Hiện nay hoàn toàn có thể phối tinh giống chuyên thịt như: Charolais, Angus, Droughtmaster… để tạo ra bê lai có ưu thế năng suất thịt vượt trội. Người chăn nuôi không quá lo ngại những sự cố về sinh sản khi phối giống (tinh) bò chuyên thịt với bò cái địa phương (tầm vóc nhỏ) như trước.



Bê lai “BBB-Pháp kem” tại Trà Vinh


          Việc áp dụng công nghệ chăn nuôi 4.0 giới thiệu trong Hội thảo cũng rất được đại biểu tham dự quan tâm. Vấn đề đặt ra là khả năng của người chăn nuôi ứng dụng công nghệ-cả về mức độ và quy mô, từng bước như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
           Con bò được xác định là một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh trong quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Với những giải pháp đã nêu, hy vọng sẽ (góp phần) tháo gỡ những khó khăn, thách thức đã và đang đặt ra và nâng cao giá trị  cho ngành chăn nuôi bò. Phát huy tốt những lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý, đất đai, nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên (tỉnh Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão, lũ) có nhiều thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò.
 

Văn Đoái

Tin mới