Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018

Ngày 16/3/2018 tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018.

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT cho thấy trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diện tích thả nuôi cá tra năm 2017 khoảng 5.200 ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp hơn 21% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Trong năm 2018, dự kiến giá tri xuất khẩu cá tra đạt từ 2 đến 2,2 tỷ USD (chiếm 31,5% kim ngạch toàn ngành thủy sản).  Để đạt chỉ tiêu này, ngành cá tra đang gặp không ít khó khăn, thách thức liên quan đến thời tiết bất thường, khó dự báo và rào cản thương mại ở một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU… Ngoài ra, chất lượng cá giống ngày càng suy giảm làm cho tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi thương phẩm, hiệu quả sản xuất thấp, có thể làm giảm giá trịkim ngạch xuất khẩu.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám -Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đối vơi cá tra đạt 1,78 tỷ USD, vượt kế hoạch. Năm 2018, tín hiệu vui cho ngành cá tra Việt Nam là giá tốt. Tuy nhiên, đối với thị trường Mỹ, ngành hàng cá tra phải chịu thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát cá da trơn, khiến xuất khẩu qua thị trường này giảm sút khá lớn. Bên cạnh đó, mục tiêu năm 2018 xuất khẩu cá tra phải đạt 2 đến 2,2 tỷ USD là một kỳ vọng lớn, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của ngành nông nghiệp và các ngành liên quan, đặc biệt đối với người nuôi cá và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu,...

Để hoàn thành được mục tiêu năm 2018, đa số các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều cho rằng cần triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 55/2017/ NĐ-CP ngày 9/5/2017của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; thực hiện quy chuẩn và chất lượng sản phẩm như độ ẩm và tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm,…Song song đó, cần tập trung giải quyết vấn đề về số lượng và chất lượng con giống, quản lý hoạt động nuôi thương phẩm và thị trường để tránh tình trạng cung vượt cầu; tăng cường kiểm tra và giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đặc biệt đối với chất lượng đàn cá bố mẹ. Ngoài ra, các địa phương sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển cá tra, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại và đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ,…

                                                                                                                                 Sơn Sâm Phone

Tin mới