Hội thảo phát triển mô hình tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

             Sáng ngày 19/10/2017, Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh kết hợp Trường đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển mô hình tài chính vi mô trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Đến dự Hội thảo có PGS. TS. Trầm Thị Xuân Hương - Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, ThS. Thạch Thị Dân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh, cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh và huyện, thành phố, thị xã.

              Theo PGS. TS. Trầm Thị Xuân Hương, phát triển mô hình tài chính vi mô hỗ trợ người nghèo là chiến lược quan trọng nhằm thoát nghèo bền vững được triển khai ở hầu hết các nước. Riêng ở Việt Nam, phát triển tài chính vi mô là một trong định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, thông qua ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức cơ quan đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn. Mô hình này được nhân rộng đến tận các khóm, ấp, xã các huyện trở thành mạng lưới quan trọng trong hệ thống phân phối vốn đến tận tay người nghèo.

            Tỉnh Trà Vinh có 30.359 hộ nghèo, chiếm 11,6% hộ nghèo; hộ cận nghèo là 22.784 hộ, chiếm 8,35%. Thực tế cho thấy trong thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã rất quan tâm và thực hiện các chương trình giảm nghèo nhưng vẫn còn không ít những khó khăn. Vấn đề đặt ra cần khai thác nguồn lực tiềm năng vốn có, phát triển các mô hình tài chính vi mô một cách hiệu quả góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao giá trị đời sống tinh thần của người dân.

ThS. Thạch Thị Dân - Phó hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh, phát biểu khai mạc Hội thảo

         Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của bà Bùi Thị Sáu - Giám đốc Ngân hành Nhà nước chi nhánh Trà Vinh, về nội dung giải pháp cho tài chính vi mô; ông Dương Huy Phong - Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh, về vai trò của tài chính vi mô đối với giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; ông Từ Minh Điền - Sở Thương binh lao động và Xã hội, về kết quả khảo sát thực trạng nguyên nhân, nhu cầu của hộ nghèo và giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu về giải pháp tài chính vi mô cho người nghèo. Đáng chú ý là ý kiến cần đánh giá hiệu xã hội hay hiệu quả kinh tế của mô hình tài chính vi mô và ý kiến cần phát huy tài chính từ các tổ, nhóm tiết kiệm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời cần giới thiệu những mô hình tài chính vi mô trong nước, ngoài nước hiệu quả có thể áp dụng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh./.

Văn Đoái

Tin mới