Tăng cường công tác kiểm soát việc sử dụng BKC trong nuôi trồng thủy sản
Trong tháng 4 năm 2013, Nhật Bản đã phát hiện và trả về 5 lô hàng tôm đông lạnh của Indonesia vì dư lượng Benzalkonium Chloride (BKC) vượt quá giới hạn 0,01 ppm. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam , chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu tôm cả nước. Để hạn chế rủi ro cho sản phẩm tôm Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, ngày 24 tháng 6 năm 2013, Tổng cục Thuỷ sản đã có công văn số 1607/TCTS-NTTS gửi các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về việc kiểm soát sử dụng chất BKC.

Hiện nay, BKC và các sản phẩm chứa hoạt chất BKC thuộc Danh mục sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Sản phẩm chứa hoạt chất BKC được sử dụng với mục đích: Vệ sinh trại, dụng cụ; thiết bị trong trại giống; sát trùng nền đáy trong cải tạo ao; xử lý ao lắng, nguồn nước cấp; giảm mật độ tảo trong quá trình nuôi.


Người nuôi tôm thường sử dụng BCK khi tảo phát triển nhiều trong ao

Để kiểm soát việc sử dụng hoạt chất BKC trong nuôi trồng thủy sản nhằm giúp sản phẩm tôm Việt Nam nói chung và tôm Trà Vinh nói riêng có thể được xuất khẩu tốt sang thị trường Nhật Ban trong thời gian tới cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân có liên quan, cụ thể như sau:

1. Các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người nuôi tôm và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc kiểm soát dư lượng BKC trong sản phẩm tôm nuôi (tối đa là 0,01 ppm) đối với sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, việc tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm và nhãn hàng hoá sản phẩm có chứa hoạt chất BKC. Ngăn chặn các sản phẩm nằm ngoài Danh mục được phép lưu hành.

 2. Người nuôi tôm: sử dụng các sản phẩm chứa BKC đúng mục đích, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật. Hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa BKC, chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

Hạnh Chuyên

Tin mới