Hợp tác xã nông nghiệp chưa phát triển như mong đợi

            Năm 2019, tỉnh Trà Vinh có 165 hợp tác xã (HTX) thu hút 27.427 thành viên tham gia, bình quân 166,22 thành viên/HTX; 1.631 lao động, bình quân 9,88 lao động/HTX; tổng vốn điều lệ của các HTX 162.150,84 triệu đồng, bình quân 982,73 triệu đồng/HTX. Về số lượng HTX, đứng đầu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi (sau đây gọi chung là HTX nông nghiệp) với 117 HTX, chiếm 70,91% tổng số HTX của tỉnh. Về thành viên tham gia HTX, cao nhất thuộc về lĩnh vực tín dụng với 17.458 thành viên, chiếm 63,65% tổng số thành viên HTX (xem Bảng 1).

         Bảng 1. Thống kê HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tính đến 31/12/2019

TT

Lĩnh vực

Số lương HTX

Vốn đều lệ (triệu đồng)

Số thành viên

Số lao động

1

Điện

2

721,84

42

17

2

Tiểu thủ công nghiệp

2

590,00

16

382

3

May mặc

2

400,00

21

6

4

Nông nghiệp

101

52.917,97

6.978

601

5

Thủy sản

9

22.941,53

1.057

80

6

Chăn nuôi

7

5.675,00

237

38

7

Quỹ tín dụng

16

36.416,50

17.458

193

8

Thương mại, dịch vụ

9

7.519,00

782

51

9

Vận tải

10

11.069,00

775

93

10

Xây dựng

7

23.900,00

61

170

 

Tổng

165

162.150,84

27.427

1.631

 

Bình quân/HTX

 

982,73

166,22

9,88

Nguồn: Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh

         Trong 165 HTX, có 43 HTX thành lập mới, chiếm 26,06%. Đánh giá xếp loại kết quả hoạt động năm 2019 của 122 HTX (không đánh giá xếp loại 43 HTX thành lập mới) như sau: Xếp loại Tốt và Khá (hoạt động hiệu quả) đạt 48/122 HTX, chiếm 39,34%, còn lại là xếp loại Trung Bình và Yếu[i].

Về 76 HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại: Xếp loại Tốt và Khá là 21 HTX, chiếm 27,63%. Mặc dù tăng so với năm 2017 (năm 2017 chỉ có 11 HTX xếp loại Tốt và Khá, chiếm 14,47%), nhưng đây vẫn là thách thức rất lớn khi Trà Vinh phải hoàn thành chỉ tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, năm 2020 có 137 HTX nông nghiệp đánh giá hoạt động hiệu quả[ii]. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh mới chỉ có 117 HTX nông nghiệp (76 HTX cũ và 41 HTX thành lập mới), để hoàn thành chỉ tiêu về số lượng thì cần phải thành lập thêm ít nhất 20 HTX mới.

         Như vậy, nhiều khả năng tỉnh sẽ khó đạt chỉ tiêu được giao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là xét về chất lượng hoạt động của HTX.

Đánh giá nguyên nhân hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh chưa phát triển như mong đợi, tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế tập thể, HTX năm 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020, báo cáo của Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Về chủ quan, một số HTX trên địa bàn tỉnh có chất lượng hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, năng lực nội tại vẫn trong tình trạng yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, xây dựng phương án, dự án sản xuất - kinh doanh. Vẫn còn tình trạng HTX trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng hoạt động yếu kém. Sản phẩm của HTX chưa có sức hấp dẫn và lôi cuốn, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Về khách quan, các chính sách hỗ trợ chưa đến được HTX (như chính sách về tín dụng, thuê đất); lãnh đạo các địa phương thiếu quan tâm tạo điều kiện cho HTX phát triển,…

         Cũng cần nói thêm về chính sách hỗ trợ HTX, tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai khoảng 20 chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông thôn, có khoảng 16 chính sách trực tiếp hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX, Tổ hợp tác và HTX liên kết[iii]. Năm 2018-2019, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức khoảng 50 cuộc tập huấn và cấp phát tài liệu về chính sách. Các chính sách hỗ trợ HTX rất đa dạng như: Hỗ trợ thành lập, phát triển hạ tầng, thiên tai dịch bệnh, chế biến sản phẩm, lãi vay, giống, nhãn mác sản phẩm,…

         Lĩnh vực nông nghiệp, có những đặc thù riêng nên việc thành lập và duy trì HTX cũng có khó khăn riêng. Nhưng xét cho cùng, mục tiêu cơ bản của HTX vẫn là lợi nhuận, đây chính là yếu tố thu hút thành viên tham gia, duy trì hoạt động bền vững của HTX. Theo báo cáo hoạt động của một số HTX năm 2019, lợi nhuận chia cho các thành viên thấp, thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Như, HTX Rạch Lọp - một trong những HTX hiệu quả, điển hình của tỉnh, có gần 500 thành viên; hoạt động cung cấp vật tư nông nghiệp, dịch vụ thủy lợi nội đồng, khai thác quản lý chợ, vệ sinh môi trường,... tổng lợi nhuận còn lại chia cho các thành viên chỉ trên 37,7 triệu đồng.

Đại hội đại biểu HTX Rạch Lợp (ngày 21/02/2020)

         Chính vì thế, theo lãnh đạo của HTX Rạch Lọp, thì: “Các thành viên HTX chưa tin tưởng tuyệt đối vào HTX nên chưa mạnh dạn tham gia và góp vốn vào HTX, nếu có góp vốn chỉ mang tính chất tượng trưng. Các thành viên HTX nhìn nhận về kinh tế tập thể chưa đầy đủ, chưa gắn trách nhiệm với HTX, vẫn tổ chức sản xuất manh mún nhỏ lẻ, gây khó cho chuyển giao/áp dụng khoa học kỹ thuật dẫn đến năng suất và giá trị chưa cao. Từ đó, (còn nhiều hộ dân) chưa mạnh dạn tham gia vào HTX,…”. Minh chứng thêm cho vấn đề này, năm 2019, toàn tỉnh có 22 HTX ngưng hoạt động thì lĩnh vực nông nghiệp “góp” 13 HTX, chiếm 59,09%.

         Thành lập HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012 là mô hình kinh tế phù hợp, giúp người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và duy trì sinh kế bền vững. Tuy nhiên, có thể thấy rằng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phát triển như mong đợi, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đã, đang được nhìn nhận và đưa ra giải pháp khắc phục qua nhiều chủ thể đánh giá, ở nhiều cấp độ khác nhau. Nhưng điều quan trọng là phải phát huy được nội lực của HTX, nội lực của từng thành viên; thành viên tham gia HTX phải có sự tin tưởng, đoàn kết, gắn bó, thống nhất thì HTX mới tồn tại và phát triển.   

 

Văn Đoái



[i] Nguồn: Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, 2019

 [ii] Theo Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”

[iii] Xem “Tài liệu tóm lược chính sách hiện hành về nông nghiệp, nông thôn” do Sở Nông nghiệp và PTNT soạn thảo năm 2019

Tin mới