Nguy cơ dịch bệnh ong nuôi từ trồng dưa lưới

         Tỉnh Trà Vinh có diện tích 40.385 ha cây lâu năm, trên 9.000 ha rừng, 224.348 ha gieo trồng lúa[i], đây là tiềm năng và điều kiện để tỉnh phát triển nuôi ong mật. Mặc dù chưa có số liệu khảo sát thực tế về ong mật và nghề nuôi ong trên địa bàn tỉnh, nhưng theo website Chăn nuôi Việt Nam (2018) tỉnh Trà Vinh có 1.181 tổ ong mật, chiếm 3,33% số lượng tổ ong mật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng mật ong đạt 1,2 tấn/năm, chiếm 0,67%[ii]. Ong mật có ích lợi trong việc giúp cho cây trồng thụ phấn tốt, góp phần làm tăng năng suất cây trồng[iii] trong điều kiện có đầy đủ nguồn mật, phấn hoa nên bố trí đặt đàn ong với mật độ 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các đàn tối thiểu 02 km đối với những đàn có quy mô tối đa 100 thùng (tổ)[iv].

         Những năm gần đây, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao (trồng trong nhà kín) được thực hiện tại các huyện Châu Thành và huyện Tiểu Cần mang lại nguồn thu nhập cao và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân. Tại huyện Tiểu Cần, mô hình dưa lưới cho thu hoạch khoảng 2,5-3 tấn/1.000m2/vụ, với giá bán trung bình 36.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí lợi nhuận từ 30-50 triệu đồng/vụ[v]. Tại huyện Châu Thành, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín của người dân xã Lương Hòa A cho thu nhập lên đến 40 triệu đồng/1.000m2/vụ và nếu bố trí hợp lý có thể sản xuất 4 vụ/năm.

Trồng dưa lưới trong nhà kín, màng phủ

 

         Mặc dù đi sau các tỉnh trong khu vực, nhưng hiện tại với thu nhập cao và ổn định, (có thể) mô hình trồng lưới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nhân rộng. Từ đó, nhu cầu về lao động để thụ phấn cho dưa vào thời kỳ trổ hoa sẽ tăng, do dưa lưới trồng trong nhà kín nên khó thụ phấn bằng côn trùng ngoài tự nhiên. Thực trạng này cũng tương tự như thiếu hụt lao động để “vuốt tai” ở những vùng trồng Thanh Long. Cũng tại xã Lương Hòa A, giá ngày công lao động để thụ phấn hoa cho dưa lưới khoảng 160.000 đồng/ngày công, nhưng không phải lúc nào cũng có. Một giải pháp tháo gỡ là dùng ong nuôi để thụ phấn cho dưa.

         Theo cơ sở cung cấp thiết bị xây dựng nhà trồng dưa lưới, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, người trồng dưa lưới thường mua ong nuôi từ các tỉnh khác. Ong vận chuyển rất dễ dàng và không qua các khâu kiểm dịch.

         Đây là điểm rất đáng lưu ý, vì ong và sản phẩm từ ong (nọc ong, mật ong, sữa ong chúa, sáp ong) nằm trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch[vi], tuy nhiên, những đối tượng này đã bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm.

         Điều này tạo ra mối lo ngại dịch bệnh có thể lây nhiễm trên đàn ong. Cũng theo cơ sở cung cấp thiết bị xây dựng nhà trồng dưa lưới thì nhiệt độ trong nhà kín luôn cao hơn bên ngoài nên ong thụ phấn trong nhà kín dễ bị suy yếu và dễ chết, thường phải thay đàn (!?). Vấn đề ong suy yếu do nhiệt độ nhà kín cao hay ong nhập tỉnh kém chất lượng thì chưa được khảo sát, đánh giá.

Mặc dù, hiện nay mô hình trồng dưa lưới nhà kín chưa phát triển mạnh, giá tổ ong nhập tỉnh khá cao (giao động từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/tổ) nên số lượng mô hình dưa lưới nhà kín sử dụng ong chưa nhiều, đồng thời nuôi ong chưa phải là nghề phổ biến ở tỉnh Trà Vinh. Nhưng, không vì thế mà chủ quan trong công tác kiểm dịch - kiểm soát dịch bệnh trên đàn ong, vì nguy cơ xảy ra dịch và lây nhiễm dịch bệnh trên đàn ong rất có thể sẽ xảy ra. Thực tiễn những năm qua, nhiều loại dịch bệnh trên động vật hoặc giống cây trồng kém chất lượng gây không ít thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.



[i] Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT (2019)

[ii] Thống kê chăn nuôi Việt Nam 01/10/2018, https://channuoivietnam.com/thong-ke-chan-nuoi/tk-chan-nuoi/, truy cập ngày 08/02/2020

[iii] Hội thảo khoa học về lợi ích ong mật thụ phấn tang năng suất cây trồng tại Tiền Giang, http://www.dongnaihoney.com.vn/, truy cập ngày 08/02/2020

[iv] Kỹ thuật nuôi ong mật (ong nội- Apis cerana) (2018), https://sotaynongnghiep.com/ky-thuat-nuoi-ong-mat-ong-noi-apis-cerana, truy cập ngày 25/3/2020

[v] Tiểu Cần: Phát huy hiệu quả mô hình dưa lưới trong nhà kín (2019) https://tieucan.travinh.gov.vn/, truy cập ngày 14/3/2020

[vi] Phụ lục 1 - Danh mục động vật, sản phẩm động vật phải kiểm dịch của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Văn Đoái

 

 
Tin mới