Trà Vinh đã chuẩn bị gì cho Hiệp định AVFTA

         Tại buổi làm việc giữa PGS.TS Kha Chấn Tuyền, Phó trưởng Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 23/7/2020) với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh để phục vụ cho đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển cơ giới hóa sản xuất và công nghệ chế biến cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, một câu hỏi được PGS.TS Kha Chấn Tuyền đặt ra bên lề buổi làm việc là tỉnh Trà Vinh đã chuẩn bị gì cho Hiệp định AVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

         Hiệp định EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement) hay còn được gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, là thỏa thuận được ký kết giữa 28 nước thành viên liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam[i]. Cụ thể hơn, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (07 năm)[ii]. Đây là cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có tỉnh Trà Vinh, xâm nhập thị trường EU, một thị trường “khó tính”, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng.

         Trở lại câu hỏi tỉnh Trà Vinh đã chuẩn bị gì cho hiệp định AVFTA. Về lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp phát triển một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả như: mô hình cấy mô, phân bón nanô, hệ thống quan trắc-ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động, đã có 16.868 ha ứng dụng công nghệ cao, chiếm 4,5% diện tích sản xuất nông nghiệp[iii],…

         Mặc dù là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, nhưng sản phẩm nông nghiệp Trà Vinh vẫn có thể xâm nhập thị trường EU. Thực tế, tỉnh đã có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khắc khe của EU (và của Mỹ-USDA, Nhật-JAS), như: lúa hữu cơ tại xã Long Hoà và xã Hoà Minh (huyện Châu Thành), dừa hữu cơ tại xã Tân Hòa (huyện Tiểu Cần) và xã Đại Phước (huyện Càng Long). Ngoài ra, gần 30 cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ (Bưởi da xanh tại xã Lương Hòa-huyện Châu Thành); tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (2019) đạt 3 sao hoặc 4 sao[iv],…

 

Hỗ trợ trồng mới và cải tạo, nâng cấp vườn cây dừa thành vùng tập trung 

 là một trong những chính sách tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh

 

         Hạn chế của sản xuất nông nghiệp của tỉnh đó là, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn ít, tổ chức lại sản xuất chưa tốt, liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn bất cập; nhiều sản phẩm chưa có nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; chăn nuôi phát triển thiếu bền vững. Kinh tế biển chưa đạt yêu cầu. Sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, kinh tế nông thôn chưa nhiều[iii].

         Một vấn đề khác cần quan tâm, theo PGS.TS Kha Chấn Tuyền, sản phẩm xâm nhập thị trường EU đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng chưa đủ, mà còn phải đáp ứng yêu cầu về hàng rào phi kỹ thuật, như: “Cấm và hành động tức thời để loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” theo Công ước 182 của Tổ chức Lao động quốc tế. Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi (bao gồm: Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, nghiên cứu khoa học và phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận). Sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững,... Lấy thí dụ về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ được quy định trong Luật Chăn nuôi, cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu: (1) Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ (2) Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi (3) Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Mặc dù tỉnh Trà Vinh có hệ thống giết mổ gia súc (heo) được đánh giá tốt so với các tỉnh khác trong Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhưng nếu sản phẩm giết mổ xâm nhập thị trường EU thì vẫn chưa thật sự đáp ứng được hoàn toàn các yêu cầu trên.

         Như vậy, về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh có “bước cơ sở” cho hiệp định AVFTA. Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, cần phải thực hiện 5 nhóm nội dung lớn theo Kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ. Trong đó, đẩy mạnh hơn nữa về công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân hiểu đúng, hiểu đủ về Hiệp định AVFTA và các FTA nói chung; xây dựng, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (và người lao động) có kiến thức sâu, rộng hơn[v] đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.



[i] K.H (2019) Hiệp định EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement) là gì?, https://vietnambiz.vn/hiep-dinh-evfta-european-vietnam-free-trade-agreement-la-gi-20191125150251125.htm, truy cập ngày 04/8/2020

[ii] Bộ Công Thương, Hỏi-đáp về Hiệp định Thưng mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)

[iii] Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

[iv] Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc công nhận kết quả, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2019

[v] Nguyễn Mạnh (2020), https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-chung-ta-vui-mung-evfta-co-hieu-luc-nhung-day-moi-la-buoc-dau-20200806092107344.htm, truy cập ngày 06/8/2020. 5 nhóm nội dung lớn, gồm: Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU. Thứ hai, công tác xây dựng pháp luật, thể chế. Thứ ba, các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. Thứ tư, chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Thứ năm, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

 

Văn Đoái

 

 
Tin mới