Hội Nông dân Ngọc Biên vận động đưa cây màu xuống chân ruộng

         Đưa cây màu xuống luân canh chân ruộng là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng thu nhập, tạo nguồn hàng hóa có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

         Ngọc Biên được xác định là xã trồng màu trọng điểm của huyện Trà Cú. Năm 2020, toàn xã xuống giống trên 1.010 ha, đạt trên 100% kế hoạch, gồm: bắp 155 ha, đậu phộng 195 ha, khoai lang 128 ha, khoai mì 49 ha, môn 6,8 ha, bí đỏ 7,5 ha, dưa hấu 12,6 ha, đậu xanh 20,3 ha, ớt trên 70 ha, rau màu khác 366 ha. Cây màu được trồng nhiều ở các ấp: Tắc Hố, Tha La, Rạch Bót, Giồng Cao và Sà Vần A. 

 

Nông dân ấp Giồng Cao xã Ngọc Biên đang chăm sóc cây đậu phộng

         Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Hội đã vận động hội viên, nông dân chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Trung bình mỗi ha chuyển đổi, nông dân thu lợi nhuận từ 100-120 triệu đồng/ha/năm. Điển hình như hộ ông Thạch Thươne, Hội viên nông dân ấp Giồng Cao, sau khi tìm hiểu về cây màu trồng dưới chân ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương trong và huyện, đã mạnh dạn chuyển 1,3 ha đất chuyên trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp giống. Do bắp giống có giá ổn định từ 5.000-6.000 đồng/kg nên thu lợi nhuận trung bình 120 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với độc canh cây lúa vì ở đây đất giòng cát vào mùa khô thường thiếu nước, sản suất lúa không hiệu quả. Khi chuyển đổi sang trồng màu, ông Thạch Thươne và nông dân được Hội Nông dân xã phối hợp ngành chuyên môn, Công ty thuốc bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật nên nông dân rất an tâm sản xuất.

         Với tính toán của ông Kim Cua, ngụ cùng ấp Giồng Cao, nếu sản xuất 03 vụ lúa/năm, lợi nhuận cũng chỉ đạt khoảng 36 triệu đồng/ha/năm, nhưng chuyển sang trồng màu thì lợi nhuận cao hơn hẳn. Hộ chăm sóc tốt, đạt năng suất và bán được giá có thể thu về trên 200 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, những diện tích đã chuyển sang trồng màu, đất thường tăng độ màu mỡ và khi quay trở lại trồng lại lúa ít bị sâu bệnh. Hộ ông Kim Cua chỉ có 0,2 ha đất lúa, từ chuyển sang chuyên trồng màu, mỗi năm thu được 30 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn.

         Ngoài lợi ích về tăng thu nhập, chuyển đổi cây màu trên đất lúa kém hiệu quả còn cắt giảm nguồn bệnh tồn lưu trong ruộng lúa và cải tạo độ phì nhiêu của đất. Trồng cây màu, thời gian thu hoạch ngắn, năng suất ổn định, đồng vốn quay nhanh, chủ động được mùa vụ, nguồn nước, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết,…

         Theo ông Nguyễn Văn Hùng, năm 2021, Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên nông dân duy trì mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng hoặc chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Thành lập tổ hợp tác để giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất và liên kết đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng cũng khuyến cáo, nông dân nên chú ý sản xuất phải đảm bảo theo kế hoạch của địa phương, không chạy theo phong trào, vì dễ có thể dẫn đến rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ.

 

Kim Sơn - Văn Dũng

Tin mới