Kêu gọi hành động xóa bỏ ngư cụ ma

         Hiện nay gần 90% trữ lượng các loài thủy sản trên thế giới đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt, trong khi hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào nguồn thực phẩm thủy sản là nguồn cung cấp protein chính. Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng, dẫn đến việc sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản cũng tăng theo. Lưới rê, lồng và bẫy, chà rạo, và các loại ngư cụ khác đang khiến vấn đề rác thải nhựa đại dương ngày càng gia tăng khi các ngư cụ này bị bỏ hoang, thất lạc hoặc vứt bỏ. Ngư cụ ma (các loại ngư cụ bị bỏ lại trên đại dương) vẫn tiếp tục khiến các loài có giá trị kinh tế và các loài khác bị đánh bắt một cách không chủ ý, không chọn lọc trong nhiều năm, dẫn đến sự suy giảm các nguồn thực phẩm quan trọng, cũng như làm gia tăng mức độ nghiêm trọng về nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài quý hiếm như chim biển, rùa và thú biển. Đây chính là dạng rác thải nhựa đại dương nguy hại nhất, gây tổn hại đến các hệ sinh thái, sinh cảnh sống quan trọng ở biển, và gây nguy hiểm cho ngành hàng hải cũng như sinh kế của người dân.

         Cho tới nay, những hậu quả từ việc sử dụng các sản phẩm nhựa không kiểm soát đã bắt đầu nhận được sự quan tâm đáng có, thì tác động của ngư cụ ma lại ít được nhận biết và hiểu rõ. Báo cáo này trình bày quy mô của vấn đề cũng như những lỗ hổng trong các khuôn khổ pháp lý hiện hành, nêu bật sự cần thiết áp dụng các chính sách và thông lệ phòng ngừa cấp quốc gia và quốc tế. Các chính phủ, các tổ chức/cá nhân thiết kế và sản xuất ngư cụ, ngư dân và công chúng nói chung, cần có hành động quyết liệt và kịp thời ngăn chặn ngư cụ ma, dạng rác thải nhựa gây hại đối với nguồn lợi thủy sản và đại dương của chúng ta.

(Nguồn Vietnam.panda.org)

         Ước tính ngư cụ ma chiếm ít nhất 10% lượng rác thải nhựa đại dương. Tức là khoảng 500.000 đến 1 triệu tấn ngư cụ bị bỏ lại đại dương mỗi năm. Các loại ngư cụ như lưới, dây và lưỡi câu, dây thừng từ hoạt động đánh bắt và tàu thuyền chiếm tới 46% trong tổng số 45.000-129.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi tại đảo rác Thái Bình Dương.

         Ngư cụ ma là dạng rác thải nhựa đại dương nguy hại nhất. Loại rác thải nhựa đại dương này gây hại đến 66% động vật biển có vú, 50% chim biển và tất cả các loài rùa biển – đối với tất cả các nhóm loài; Ngư cụ ma là nguyên nhân cao nhất gây ra cái chết cho các sinh vật biển. Một ví dụ là ở Vịnh Mexico, lưới rê bị loại bỏ đã đẩy loài cá heo California (vaquita) đến bờ vực tuyệt chủng – hiện chỉ còn lại khoảng 10 cá thể.

         Nhiều sinh vật biển bị mắc hoặc vướng vào dây, lưỡi câu, lưới, bẫy và các ngư cụ bị loại bỏ khác chết cái chết từ từ và đau đớn do ngạt thở hoặc kiệt sức. Ngoài ra, ngư cụ ma cũng hủy hoại các sinh cảnh biển có giá trị.

         Vì được thiết kế có chủ đích nhằm bẫy và đánh bắt thủy sản, nên không có gì ngạc nhiên khi ngư cụ ma vẫn tiếp tục đánh bắt cá và các sinh vật biển khác ngay cả khi bị thất lạc hoặc loại bỏ. Và vì một phần của ngư cụ được làm bằng nhựa nên phải mất nhiều thập kỷ để phân hủy, các tác hại gây ra vẫn tiếp tục trong nhiều năm. Tác động gây hại này làm suy yếu tính bền vững và lợi nhuận kinh tế từ nghề cá do một phần sản lượng thủy sản bị tổn thất - một số nghiên cứu ước tính rằng hơn 90% các loài thụ động vướng vào ngư cụ ma là các loài có giá trị kinh tế.

         Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng. Ngư cụ ma gây cản trở đối với tàu thuyền, đe dọa sự an toàn hàng hải. Và giống như các mảnh rác thải nhựa đại dương khác, ngư cụ ma gây ảnh hưởng đến ngành du lịch do chúng tàn phá vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên.

Xem thông tin ấn phẩm Xóa bỏ ngư cụ ma - Dạng rác thải nhựa đại dương nguy hại nhất

tại địa chỉ https://vietnam.panda.org/our_news_vn/publications_vn/?uNewsID=370115

         Ngày 05/02/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030.

         Mục tiêu chung nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

         Mục tiêu giai đoạn 2021 đến 2025 giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần: Từ 10% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; Giảm 30% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; Từ 30% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng loại vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần. Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản: Từ 50% trở lên tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (sinh hoạt, sản xuất) mang về bờ, tập trung tại các điểm thu gom, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; Từ 70% trở lên cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; Từ 50% trở lên cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; 100% các cơ sở chế biến xuất khẩu và 50% trở lên cơ sở chế biến quy mô nhỏ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại nguồn trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; Từ 70% trở lên các cảng cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.

         Mục tiêu giai đoạn 2026 đến 2030 giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần: Từ 20% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; Giảm 50% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; Từ 80% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng nhựa dùng một lần bằng loại thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần. Nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản: 100% tàu khai thác thủy sản thu gom rác thải nhựa (sinh hoạt, sản xuất) mang về bờ, tập trung tại các điểm thu gom, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; 100% các cơ sở nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thu gom, phân loại rác thải nhựa chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; Từ 70% trở lên các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại cơ sở trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; 80% trở lên cơ sở chế biến quy mô nhỏ thu gom, phân loại rác thải nhựa tại nguồn trước khi chuyển các đơn vị có chức năng xử lý; 100% cảng cá tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa, chuyển các đơn vị có chức năng xử lý.

                                                                                Bảo Toàn

 

Tin mới