Hồi phục, phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long gắn với nông thôn

         Đặc trưng của du lịch Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là du lịch nông thôn miệt vườn sông nước. Ba tỉnh thuộc top đầu khu vực về ngành công nghiệp không khói, gồm: Cần Thơ với lợi thế vị trí trung tâm khu vực và được xem là đô thị miền sông nước; An Giang với các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, có đường biên giới giáp với Campuchia và tỉnh Kiên Giang được xem như một “Việt Nam thu nhỏ” vì có địa hình đa dạng vừa có biển, có núi, có đồng bằng.

         Tại Hội thảo phục hồi và phát triển du lịch nông thôn Khu vực ĐBSCL, Việt Nam do Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp tổ chức (bằng hình thức trực tuyến, ngày 17/11/2021), cho thấy, dù là vựa lúa, vựa cây ăn trái, thủy sản của cả nước, nhưng sản phẩm nông nghiệp trong du lịch của Khu vực ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế. Đồng thời, ảnh hưởng của Covid-19 thời gian qua, du khách đến các tỉnh ĐBSCL giảm đến 90%, nhiều công ty du lịch phải ngưng hoạt động, kéo theo lao động không có việc làm, các nhà vườn, khách sạn, nhà nghỉ phải tạm đóng cửa.

Đặc trưng sông nước của Khu vực ĐBSCL

         Theo ý kiến tại Hội thảo, du lịch nông thôn ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế là do cơ sở hạ tầng nông thôn những năm gần đây dù được đầu tư, cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Tuy có lợi thế về đường thủy nhưng hạ tầng bến, bãi chưa phát triển; các chính sách về phát triển du lịch nông thôn còn thiếu. Một vấn đề khác là các trung tâm du lịch thường đặt vị trí ở ven sông, trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu; biến đổi khí hậu cũng sẽ làm cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn, chưa kể du lịch ĐBSCL vẫn đang và sẽ tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt với các khu vực khác.   

         Giữa các địa phương Khu vực ĐBSCL chưa có sự liên kết nhằm tạo sản phẩm tổng thể du lịch, bao gồm, dịch vụ ăn uống, mua sắm, tham gia cộng đồng và chưa phát huy giá trị đặc sắc, tạo những điểm nhấn, an toàn, sự khác biệt của từng địa phương để hình thành giá trị du lịch nông thôn. Việc tập trung khai thác khách quốc tế và dường như “bỏ quên” phát triển khách nội địa, chưa gắn kết với tổng thể phát triển của du lịch quốc gia nên du lịch ĐBSCL dễ bị tổn thương khi có tác động bất lợi (như dịch bệnh Covd-19). Khâu đào tạo nhân lực, quảng bá du lịch chưa được chú trọng,…  

         Để hồi phục, phát triển du lịch ĐBSCL gắn với nông thôn thì cần dựa vào nền tảng nông nghiệp, xác định tiêu chí, như: Điểm đến an toàn - sức khỏe - công bằng - bền vững cho du khách. Do đó, cần xác định vai trò quyết định của người dân vùng nông thôn, phải đảm bảo rằng cộng đồng người dân vùng nông thôn đã tự tin và sẵn sàng đón du khách.

         Muốn vậy, đầu tiên cần phải tăng cường nhận thức, khả năng thích ứng, khả năng tham gia của người dân. Người dân cùng xây dựng, cùng tư duy, cùng chịu trách nhiệm, cùng đồng hành, cùng sở hữu sản phẩm du lịch của địa phương, và như thế, mỗi khi có vấn đề xảy ra người dân sẽ tìm cách tháo gỡ và thúc đẩy du lịch nông thôn. Người dân có trách nhiệm đầu tư thời gian, công sức, tài chính tạo ra sản phẩm để thu hút khách du lịch, mỗi sản phẩm có sự lồng ghép truyền bá giá trị văn hóa bản địa, có “kể câu chuyện của chính mình” để thu hút khách. Như, tại tỉnh Trà Vinh du khách có cơ hội được trải nghiệm làm cốm dẹp gắn với văn hóa, câu chuyện của đồng bào Khmer hoặc trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Cồn Hô hoặc tham gia thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp,…

Với lợi thế từ cây lác, Trà Vinh có thể khai thác du lịch nông thôn
 qua các trải nghiệm cho du khách từ thu hoạch, phơi, dệt chiếu,…

         Tiếp theo, cần xây dựng hệ thống quản lý du lịch nông thôn (bao gồm: Điều hành, vận hành, quy chế du lịch cộng đồng nông thôn), trong đó, người dân được cùng trao đổi thảo luận xây dựng hệ thống, hạn chế sự phụ thuộc (vào ý chí) cá nhân lãnh đạo, nhưng phải có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực tiếp nối để tiếp tục duy trì thành tựu, có sự kế thừa và phát triển. Đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững dài hạn, duy trì chất lượng ổn định, lâu dài. Chia sẻ hài hòa lợi ích trong hệ thống du lịch chung và xây dựng nguồn ngân sách cho cộng đồng, đưa vào phí cộng đồng để sử dụng trong những lúc khó khăn.

         Đồng thời phải tạo ra điểm tham quan, các hoạt động trải nghiệm cho du khách, tức là tăng khả năng thích ứng của du lịch nông nghiệp. Du khách được trải nghiệm các hoạt động ngoài trời với không gian thoáng đãng, mát mẻ, hạn chế nguy cơ dịch bệnh, tức là du khách cũng không phải lưu trú quá lâu ở khách sạn, nhà nghỉ dễ gây ra nhàm chán.

Du lịch nông thôn vẫn có rủi ro, nhưng du lịch nông thôn là công cụ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương (kinh tế, việc làm, khỏe cho cộng đồng). Với bệnh Covid-19, bên cạnh những bất lợi, thiệt hại thì dịch cũng là cơ hội để đánh giá lại tiềm năng, khả năng thích ứng của từng địa phương, cộng đồng, tháo gỡ rủi ro, giải quyết các điểm yếu để du lịch nông thôn phát triển bền vững hơn.

Văn Đoái

 

Tin mới