Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

         Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, thực hiện cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Điều 20 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần làm gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động; tạo nguồn hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

         Tại Hội thảo trực tuyến Xây dựng chính sách phát triển trên lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho các cụm liên kết chế biến tập trung, doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phối hợp tổ chức (ngày 02/3/2022), SMEDF cho biết, các doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được vay vốn. Có hai hình thức là cho vay trực tiếp được thực hiện theo thỏa thuận giữa SMEDF và doanh nghiệp và cho vay gián tiếp, SMEDF sẽ lựa chọn ngân hàng thương mại để cho vay gián tiếp. Ngoài ra, SMEDF còn tài trợ doanh nghiệp một phần chi phí đối với hạng mục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị; hỗ trợ tăng cường năng lực cho doanh nghiệp thông qua hội thảo, truyền thông, tập huấn, xúc tiến đầu tư, thương mại,… 

Một hạn chế đặc trưng chủ yếu đối với cơ sở chế biến nông lâm thủy sản 
 quy mô vừa và nhỏ là nguồn lực vật chất, rất cần được hỗ trợ từ các nguồn lực 
 (Ảnh chụp qua màn hình Hội thảo)

         Đối tượng SMEDF hỗ trợ đó là, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị. Để vay vốn, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị vay vốn tại điểm giao dịch ngân hàng hoặc qua bưu điện. Hồ sơ cơ bản, gồm: Giấy đề nghị vay vốn của doanh nghiệp; Hồ sơ dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế đối với doanh nghiệp hoạt động từ 02 năm trở lên; Các văn bản, giấy tờ chứng minh doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ của SMEDF; Giấy đăng ký doanh nghiệp,…

Một số ngân hàng ký thỏa thuận (với SMEDF) cho vay gián tiếp
 (Ảnh chụp qua màn hình Hội thảo)

         Lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Hiện tại lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4,0%/năm. Mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa không quá 07 năm.

         Về phương thức nhận vốn, (khi) SMEDF chấp thuận (cho doanh nghiệp vay) và chuyển vốn, ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp. Ngày ngân hàng giải ngân lần đầu cho doanh nghiệp không quá một tháng kể từ ngày SMEDF và ngân hàng ký hợp đồng.

Thông tin chi tiết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể liên hệ qua địa chỉ Email: smedf@mpi.gov.vn, Website: http://phattriendnnvv.mpi.gov.vn,...

 

Văn Đoái

Tin mới