Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu

         Ngày 28/11/2022, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) Diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu xanh” (Green Export Promotion) trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE 2022) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong Chuỗi hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước năm 2022 để thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

         Nội dung Diễn đàn xoay quanh chủ đề như thế nào và làm thế nào phát triển kinh tế xanh (KTX), kinh tế tuần hoàn (KTTH) để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xanh. Theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 thì KTX là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm; KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu xanh” (Ảnh chụp qua màn hình)

         Hiểu đơn giản, để tăng trưởng xanh thì phải phát triển KTX. Phát triển (nền) KTX từ quy trình sản xuất xanh, tạo ra sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh. KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp, phát triển KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Ở lĩnh vực nông nghiệp, KTTH đã và đang áp dụng hiệu quả nhiều năm, đó là mô hình VAT (Vườn - Ao - Chuồng) hay mô hình VATB (Vườn - Ao - Chuồng - Biogas).

         Nền KTX, không chỉ áp dụng riêng cho ngành nông nghiệp, mà các ngành khác cũng phải áp dụng. Như, đối với ngành công nghiệp, quy trình sản xuất xanh bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm khí thải, xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường, sản xuất không ảnh hưởng đến chặt phá rừng, đảm bảo nguồn nhân lực, trách nhiệm với xã hội,... Ngành du lịch xanh, bền vững thì nói không với rác thải nhựa, gắn du lịch với văn hóa tự nhiên hoặc gắn du lịch với nông nghiệp sinh thái,...

         Trong nông nghiệp, sản phẩm tạo ra từ các làng nghề truyền thống hay quy trình sản xuất hữu cơ cũng chưa thể xem là sản phẩm xanh từ quy trình sản xuất xanh, nếu không xem xét đến các yếu tố từ quá trình sản xuất, đó là rác thải, ô nhiễm môi trường, năng lượng cần sử dụng để làm ra sản phẩm, lượng phát thải,… Tại Trà Vinh, mô hình tôm - lúa và mô hình tôm sinh thái được Diễn đàn nêu ví dụ về mô hình sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cao về KTX và phát triển.

Mô hình sản xuất tôm - lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp
 (Ảnh: Trầm Minh Thuần)

         Theo Diễn đàn, KTX, KTTH, đang là một xu hướng mạnh mẽ, tất yếu. Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền KTX, trung hòa phát thải và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. KTTH một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, hướng tới nền KTX, tăng hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ che phủ rừng, tăng cường tỷ lệ tái chế rác thải.

Mụn dừa thải ra từ sản xuất xơ tơ dừa được sử dụng lại làm giá thể trồng ớt

         Xuất khẩu xanh, đây là yêu cầu bắt buộc hiện tại và trong tương lai. Dự báo, nếu 5 năm tới Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn xanh thì sẽ gặp khó khi xuất khẩu hàng hóa. Để đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn xanh thì sản phẩm xanh và quy trình sản xuất xanh phải đáp ứng theo các quy định và phải được cấp chứng nhận. Do vậy, doanh nghiệp khi xuất khẩu không có sự lựa chọn tham gia hay không tham gia mà là bắt buộc, đây không phải là áp lực thị trường mà là nhận thức của doanh nghiệp. Sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, xây dựng được hình ảnh tăng trưởng xanh, bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện tại, các tổ chức trong nước, ngoài nước đã và đang hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối thị trường, xúc tiến xuất khẩu xanh. 

Nuôi tôm gắn với phát triển bảo vệ rừng

         Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản phát triển KTX, KTTH, cụ thể: Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030,  Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam,… Trong đó, ngành nông nghiệp cần thực hiện tái cơ cấu gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực; phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, KTTH, Chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH (OCOC). Thúc đẩy thị trường theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp xanh tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt áp dụng trong sản xuất nông nghiệp,...

          Diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu xanh” là một trong 3 hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tổ chức vào cuối mỗi tháng của quý 4 năm 2022. Hội nghị lần 1 đã được tổ chức vào ngày 31/10/2022 và dự kiến hội nghị lần 3 sẽ tổ chức vào ngày 30/12/2022.

 

Văn Đoái

Tin mới