Báo cáo năm 2012

            UBND TỈNH TRÀ VINH                            CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

         SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT                                   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

           Số:  74  /BC-SNN                                      Trà Vinh, ngày 05  tháng 02  năm 2013

 

BÁO CÁO

Tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2012

Phương hướng nhiệm vụ năm 2013

 

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2012

 

          Năm 2012, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức: Thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước không ổn định, dịch bệnh thủy sản (tôm sú, cá tra) phát sinh, các loại bệnh trên cây trồng (chổi rồng nhãn, bọ cánh cứng dừa, vàng lá thối rễ cây có múi) chưa được khống chế, dịch bệnh chăn nuôi luôn tiềm ẩn, giá cả vật tư đầu vào tăng, ngược lại giá cả sản phẩm sản đầu ra (dừa khô, heo hơi, tôm sú, cá tra, ...) xuống thấp. Mặc dù, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo; các ngành, các cấp hỗ trợ nhiệt tình; toàn ngành có nhiều nổ lực; bà con nông, ngư dân trong tỉnh có nhiều phấn đấu, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng như các năm trước, nhưng do nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng, đàn bò sụt giảm nên kéo theo tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức khiêm tốn và thấp hơn so với năm trước, cụ thể:

I. VỀ GIA TĂNG GIÁ TRỊ SẢN XUẤT

          Tổng giá trị sản xuất toàn ngành 7.708,27 tỷ đồng, đạt 86,45% kế hoạch, giảm 9,39% so cùng kỳTrong đó:

          - Nông nghiệp: 5.361,33 tỷ đồng, vượt 1,36%, tăng 3,48%.

          + Trồng trọt: 3.893,26 tỷ đồng, vượt 5,07%, tăng 5,54%.

          + Chăn nuôi: 761,98 tỷ đồng, đạt 93,68%, giảm 1,37%.

          + Dịch vụ nông nghiệp: 706 tỷ đồng, đạt 91,58%, giảm 1,89%.

          - Lâm nghiệp: 93,74 tỷ đồng, đạt 86%, giảm 8,85%.

          - Thủy-hải sản: 2.253,2 tỷ đồng, đạt 64,05%, giảm 30%.

          + Khai thác hải sản: 407,37 tỷ đồng, đạt 99,36%, tăng 2,3%. 

          + Khai thác nội đồng: 211 tỷ đồng, vượt 27,91%, tăng 29,32%.  

          + Nuôi trồng thủy sản: 1.409,92 tỷ đồng, đạt 54,02%, giảm 42,2%.

          + Dịch vụ thủy sản: 224,86 tỷ đồng, đạt 67,53%, tăng 0,97%.

* Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 31 triệu đồng/ha, nuôi trồng thủy sản 67 triệu đồng/ha (theo giá cố định năm 1994). Theo giá hiện hành giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng/ha, nuôi thủy sản đạt 167 triệu đồng/ha.

II. VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

1. Nông nghiệp:

          a) Trồng trọt:

          - Cây hàng năm: Gieo trồng 282.260 ha, vượt 1,17% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 5.378 ha, cụ thể:

          + Cây lúa: Gieo trồng 227.427 ha, vượt 1,76% kế hoạch, giảm 5.871 ha, năng suất trung bình 5,53 tấn/ha, sản lượng 1.258.071 tấn, vượt 5,4% kế hoạch, tăng 102.810 tấn so cùng kỳ. Trong đó, lúa chất lượng cao 28.500 ha, năng suất trung bình 6,22 tấn/ha, sản lượng 177.132 tấn; hình thành thêm 09 mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích 1.359 ha, nâng tổng số cánh đồng mẫu lớn đến nay 14 mô hình, diện tích 6.952 ha, sản lượng  47.867 tấn.

Nhìn chung, sản xuất lúa năm 2012 khá thuận lợi về điều kiện tự nhiên, sâu bệnh gây hại không đáng kể, nông dân tập trung sản xuất theo quy hoạch, hầu hết diện tích xuống giống theo lịch thời vụ; cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh công tác điều phối, cung ứng giống nên năng suất, sản lượng đều tăng, đạt cao nhất từ trước đến nay, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân.

+ Cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác: Gieo trồng 54.833 ha, đạt 98,8%, tăng 493 ha so cùng kỳ, ước sản lượng 1,43 triệu tấn, đạt 87,77%, tăng 7.583 tấn, cụ thể: màu lương thực 9.016 ha, đạt 87,5%; màu thực phẩm 30.140 ha, đạt 98,5%; cây công nghiệp ngắn ngày 13.535, vượt 4,9%; cây hàng năm khác 2.142 ha, vượt 26%.

          - Cây lâu năm: Cải tạo, trồng mới 1.150 ha, nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái đến nay 17.236 ha, đạt 86,18% kế hoạch, sản lượng 219.656 tấn, đạt 99,8%. Cây dừa 15.899 ha, vượt 8,9%, sản lượng 190.571 tấn, vượt 13,5%.

Tình hình sản xuất các loại ăn trái tiếp tục có bước phát triển. Tuy nhiên, bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn chưa được khống chế; giá cả một số loại cây ăn trái không ổn định và ở mức thấp nên hiệu quả sản xuất không cao.

* Chuyển đổi cơ cấu sản xuất: Thực hiện luân canh màu trên đất lúa 9.700 ha, lúa kết hợp thủy sản 2.592 ha, diện tích lúa chuyển sang trồng cây ăn trái 81 ha, vườn kết hợp nuôi thủy sản 350 ha, cải tạo 105 ha, ca cao trồng xen dừa 350 ha góp phần tăng thu nhập từ 1,2 – 1,5 lần so với trước khi chuyển đổi.

b) Chăn nuôi:

Đàn heo 438.278 con, vượt 3,17%.

- Đàn bò còn 122.992 con, đạt 75,92% .

- Đàn gia cầm 5,56 triệu con, vượt 1,11%

- Đàn đàn trâu 1.599 con, đạt 81,17%.

Đàn bò giảm là do tình hình giết thịt và tiêu thụ con giống ra ngoài tỉnh gia tăng cùng với bệnh lạ xuất hiện rãi rác ở một số nơi gây ảnh hưởng.

            2. Lâm nghiệp: Trồng 214 ha rừng, vượt 7% kế hoạch (trong đó dân tự trồng 91,4 ha), khoanh nuôi tái sinh 65 ha, trồng 127 ngàn cây cây phân tán, bảo vệ 4.257 ha, vệ sinh phòng cháy 222,67 ha, đạt 100% kế hoạch; chăm sóc 386 ha rừng, đạt 100%; cấp 19 giấy phép nuôi động vật hoang dã; thực hiện 542 lượt tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện 37 trường hợp vi phạm, làm thiệt hại 3.854 m2 rừng đã xử lý theo quy định; tổ chức 18 cuộc tuyên truyền luật quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và Thông tư số 01/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho 540 lượt nông dân và cơ sở chế biến lâm sản.

          Thống kê đến nay diện tích rừng bị thiệt hại 179,26 ha (Hiệp Thạnh 177,83 ha, Trường Long Hòa 1,44 ha). Nguyên nhân do dân tự ý phá rừng để nuôi tôm, sâu bệnh, sương muối, triều cường, xâm thực gây hại.

          3. Diêm nghiệp: Có 261 hộ sản xuất 222,8 ha, sản lượng thu hoạch 9.632 tấn. So với năm 2011, số hộ sản xuất giảm 52 hộ, diện tích giảm 30,2 ha, sản lượng giảm 6.208 tấn. Nguyên nhân do giá muối thấp, tiêu thụ khó khăn nên diêm dân không mạnh dạn đầu tư.

          4. Thủy sản: Tổng sản lượng 150.678 tấn, đạt 83,5% kế hoạch, giảm 15.167 tấn so cùng kỳ, cụ thể:

a) Nuôi trồng: Tổng diện tích thả nuôi 54.977 ha, đạt 97,7% kế hoạch, tăng 8.116 ha; sản lượng 69.673 tấn (20.263 tấn cá tra, 12.000 tấn cá lóc, 9.870 tấn tôm sú, 6.390 tấn cua biển, 821 tấn tôm thẻ chân trắng), đạt 62,21%, giảm 20.036 tấn so cùng kỳ, riêng tôm sú giảm 13.975 tấn, cụ thể:

- Vùng nước mặn, lợ: Có 25.848 lượt hộ thả nuôi 2,83 tỷ con tôm sú giống,  diện tích 29.787 ha; 1.013 hộ thả nuôi 194 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, diện tích 700 ha; 13.213 lượt hộ thả nuôi 88,9 triệu con cua biển giống, diện tích 17.550 ha; 06 HTX, tổ hợp tác thả nuôi 374 tấn nghêu giống, diện tích 1.133 ha. Tổng sản lượng thu hoạch 17.932 tấn, đạt 52%, giảm 43,27% (tương đương 13.679 tấn).

Trong nuôi tôm sú có 13.483 hộ bị thiệt hại trên 1,45 tỷ con giống (chiếm 51,46%), diện tích 12.200 ha (chiếm 49,34%). Nguyên nhân do bệnh đốm trắng, bị sốc do môi trường nước không ổn định gây ra.

- Vùng nước ngọt: Có 25.000 lượt hộ thả nuôi 230 triệu con giống các loại, diện tích 5.807 ha, sản lượng 51.741 tấn, đạt 66,76%, giảm 6.357 tấn. Riêng nuôi cá tra, xuất hiện bệnh gan thận mủ diện tích 7,58 ha (18 hộ) trên địa bàn huyện Tiểu Cần, Cầu Kè và Châu Thành. Ngành đã triển khai thực hiện bảo hiểm 58 hợp đồng, diện tích 19,6 ha, phí bảo hiểm 9,59 tỷ đồng. Công ty bảo hiểm đã lập thủ tục bồi thường với số tiền trên 29 tỷ đồng cho 18 hộ bị thiệt hại.

          b) Khai thác: Sản lượng 81.005 tấn (13.596 tấn tôm), vượt 18,25% kế hoạch, tăng 4.869 tấn so cùng kỳ, trong đó:

          - Khai thác nội đồng: 17.742 tấn (6.449 tấn tôm), vượt 108% kế hoạch, tăng 1.508 tấn.

          - Khai thác hải sản: 63.263 tấn (7.147 tấn tôm), vượt 5,44% kế hoạch, tăng 3.361 tấn.

          Sản lượng khai thác tăng là do nuôi nhữ phát triển, trúng mùa.

III. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC CHUYÊN NGÀNH

          1. Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi:

- Tổ chức 106 lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho trên 6.000 lượt nông dân; thực hiện 270 điểm điều tra dịch hại, theo dõi 13 bẫy đèn dự báo tình hình sâu, rầy gây hại; thu 10 mẫu rầy di trú phân tích bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Triển khai thực hiện kế hoạch phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn đã tổ chức 103 lớp tập huấn hướng dẫn qui trình cắt tỉa, vệ sinh vườn nhãn, đến nay cắt tỉa 1.911 ha, phun xịt 3 đợt 5.716 ha. Thực hiện 15 lớp tập huấn về biện pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh trên cây có múi cho 450 lượt nông dân. Phóng thích 1,3 triệu con ong kí sinh để khống chế bọ cánh cứng gây hại dừa.

- Tiêm vaccine phòng cúm 4,7 triệu con gia cầm (trên 01 triệu con gà); tiêm LMLM và các loại vaccine thường xuyên khác gần 923.611 con gia súc (LMLM 104.931 con gia súc); vệ sinh tiêu độc khử trùng 20,22 triệu m2 chuồng trại của 297.254 lượt hộ chăn nuôi; cấp phát 279.682 tài liệu bướm, 1.335 quyển tài liệu phòng chống dịch bệnh chăn nuôi; thực hiện 182 lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi cho 6.229 lượt hộ; cấp 4.656 sổ chăn nuôi (2.352 sổ chăn nuôi gia súc).

- Tham mưu UBND tỉnh công bố và xác nhận dịch bệnh đối với tôm sú trên địa bàn 02 huyện Cầu Ngang, Duyên Hải; hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ cho nông dân có nuôi tôm bị thiệt hại theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức 98 lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh cho 3.831 nông dân; cấp phát 100 tấn clorine xử lý môi trường vùng dịch; kiểm dịch 1,74 tỷ con post tôm sú (chiếm 76,5% số lượng con giống thả nuôi), 5,94 triệu con tôm thẻ chân trắng, 600 ngàn con tôm càng xanh, 200 con tôm sú bố mẹ và 15,8 triệu con cá giống các loại.

2. Công tác Khuyến nông  Khuyến ngư:

Tổ chức 396 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản cho 13.912 lượt nông dân; 56 cuộc hội thảo, tổng kết, đánh giá mô hình; tư vấn trực tiếp kỹ thuật sản xuất cho 10.774 lượt nông dân; kết hợp Đài Phát - Truyền hình thực hiện 14 chuyên mục, 0phóng sự, 18 tin thời sự, 04 cuộc tọa đàm và 04chuyên đề khuyến nông, khuyến ngư với tổng thời lượng 440 phút; phát hành 570 đĩa CD về “Kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao” bằng tiếng Việt và tiếng Khmer, in và cấp phát 1.500 tờ tin khuyến nông khuyến ngư.

Triển khai mô hình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng, diện tích 305 ha/612 hộ, mô hình trồng cây ca cao thâm canh trên đất giồng cát và vườn tạp với diện tích 10 ha; gieo tinh nhân tạo 7.094 bò náimô hình chăn nuôi vịt đẻtheo hướng an toàn sinh học quy mô 6.850 con/18 hộ, chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học quy mô 2.000 con/20 hộ,nuôi tôm càng xanh bán thâm canh diện tích mặt nước 02 ha; nuôi cá chẽm 01 ha; xây dựng 400 công trình khí sinh học. Tiếp tục theo dõi mô hình trồng ca cao xen dừa (năm thứ 2) diện tích 22 ha.

Nhìn chung, đến cuối năm 2012 sản xuất lúa có gần 85% diện tích ứng dụng biện pháp “3 giảm 3 tăng”, trên 70% diện tích sử dụng giống xác nhận, gần 100% diện tích sử dụng các giống mới; sản xuất cây màu hầu hết diện tích sử dụng giống mới và có khoảng 50% diện tích sử dụng màng phủ nông nghiệp; chăn nuôi heo 100% sử dụng giống lai kinh tế, đàn bò trên 80% sử dụng giống lai nhóm Zêbu và trên 70% đàn nái thực hiện phương pháp gieo tinh nhân tạo; diện tích nuôi nuôi tôm sú theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp đạt trên 35%, diện tích thả giống đúng lịch thời vụ chiếm khoảng 80%.

3. Công tác giống:

- Giống nông nghiệp:

+ Giống cây trồng: Khảo nghiệm bộ giống A0, A1, MTL, đặc sản và bộ TV với diện tích 1,4 ha, kết quả chọn được 43 giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với điều kiện của địa phương; trình diễn 35,4 ha lúa giống, năng suất trung bình 6,5 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 0,8-01 tấn/ha; kết hợp Công ty mía đường Trà Vinh trình diễn 0,8 ha mía giống VĐ-0236; tổ chức trình diễn 01 ha dừa dứa và dừa Mã Lai. Kết hợp tổ chức sản xuất 1.143 ha giống lúa (103 ha giống cấp nguyên chủng), sản lượng 7.310 tấn lúa giống (474 tấn giống cấp nguyên chủng). Thu mua 1.345 tấn lúa giống, cung ứng 1.342 tấn và 3.946 cây giống ăn trái các loại;cấp phát 6.160 tài liệu bướm về đặc tính các giống lúa triển vọng và chủ lực năm 2012-2013.

+ Giống vật nuôi: Tổ chức 30 lớp tập huấn, tuyên truyền về  giống bò cho 900 lượt hộ, chuyển giao 30 mô hình trồng cỏ; gieo tinh nhân tạo 400 con bò cái giống; thực hiện 04 mô hình chăn nuôi gà sinh sản, đến nay đang trong giai đoạn sinh sản, tỷ lệ đẻ bình quân 40,6%.

- Giống thủy sản: Tổ chức 05 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cho 108 lượt người; 12 cuộc hội thảo về kỹ thuật ương nuôi cua biển, tôm sú, cá tra và một số đối tượng cá nước ngọt khác cho 502 lượt người; xây dựng Phương án nâng cao hiệu quả sản xuất, cung ứng giống của các trại giống của tỉnh; sản xuất, cung ứng 28,6 triệu con giống tôm sú, 70 triệu con cá tra, 01 triệu con cua biển giống, 280 ngàn con cá lóc giống.

          4. Công tác thủy lợi và phòng chống lụt bão:

          - Triển khai thực hiện 40 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng chống lụt bão gồm: 07 công trình phòng chống lụt bão, 08 công trình phục vụ nuôi thủy sản, 25 công trình phục vụ sản xuất lúa, ước giải ngân 302,9tỷ đồng, đạt 96,76% kế hoạch. Các địa phương tổ chức thi công, đào đắp, nạo vét 696 công trình thủy lợi nội đồng, chiều dài 462.300 m, khối lượng 1,28 triệu m3, vượt 5% kế hoạch.

- Tình hình khắc phục sạt lỡ đê: Đợt triều cường tháng 10 làm sạt lỡ 792 m đoạn đê biển tại vị trí kênh đào Trà Vinh, (ấp Mù U, xã Dân Thành) đã gia cố xong. Triều cường kèm theo sóng to, gió lớn gây tràn làm vỡ các động cát ven bờ biển, chiều dài khoảng 15m tại ấp Chợ, Xã Hiệp Thạnh, địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục.

- Hoàn tất việc tổ chức thẩm định 02 Dự án Rà soát bổ sung quy hoạch thuỷ lợi và Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo thực hiện gia cố các khu vực bị sạt lỡ, ứng phó triều cường tại các khu vực xung yếu trên địa bàn huyện Duyên Hải.

- Cấp phát 4.800 tờ rơi, 15 áp phích tuyên truyền về PCLB, động đất và sóng thần cho thường trực ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố; tổ chức 22 lớp tập huấn công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho 1.240 lượt người trên địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng.

5. Công tác phát triển nông thôn:

          a) Công tác xây dựng nông thôn mới:

- Công tác tuyên truyền: Kết hợp BCĐ các huyện, thành phố tổ chức 1.182 cuộc tuyên truyền cho 87.843lượt người, cấp phát 98.000 tờ rơi và tài liệu hỏi đáp; lắp đặt 28 pano; tổ chức 04 cuộc thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới.

- Công tác lập quy hoạch, đề án:

+ Lập quy hoạch: Các xã cơ bản hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất; 29/85 xã hoàn thành Quy hoạch chung (trong đó 18/18 xã điểm); 24/85 xã hoàn thành Quy hoạch chi tiết; 32/85 xã hoàn thành Quy hoạch sản xuất.

+ Lập đề án: 51 xã đã hoàn thành công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới (trong đó có 18 xã điểm).

- Các công trình đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ phát triển sản xuất: Tổng nguồn vốn: 48,48 tỷ đồng, giải ngân 40,9 tỷ đồng, đạt 91,13% kế hoạch gồm 42 công trình xây dựng cơ bản và 12 dự án phát triển sản xuất.

- Rà soát tiến độ thực hiện theo bộ tiêu chí quốc gia về  xây dựng nông thôn mới: 4/85 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 12/85 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 41/85 xã đạt từ 5-8 tiêu chí; 28/85 xã đạt dưới 05 tiêu chí.

b) Sắp xếp, bố trí dân cư: Hoàn thành dứt điểm 02 dự án: Dự án di dân khẩn cấp ở vùng Hiệp Thạnh và dự án cụm tuyến dân cư tập trung xã Đại Phước (giai đoạn 1), di dời 93 hộ dân vào khu tái định cư (xã Hiệp Thạnh 50 hộ). Hoàn thành Quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020; chuẩn bị lập 05 dự án di dân khẩn cấp vùng ven biển và vùng thường xuyên bị sạt lở.

c) Phát triển kinh tế tập thể:

- Hợp tác xã: Thành lập mới 07 hợp tác xã, giải thể 4 hợp tác xã, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 40 hợp tác xã, với 1.918 xã viên; tổng doanh thu của các hợp tác xã 39,4 tỷ đồng; lợi nhuận 3,14 tỷ đồng.

- Tổ hợp tác: Thành lập mới 40 tổ hợp tác, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 1.162 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, thủy sản, với 24.154 tổ viên; tổng doanh thu 150,3 tỷ đồng, lợi nhuận 94 tỷ đồng.

- Tổ chức 98 lớp tập huấn thành lập mới, củng cố hợp tác xã và tổ hợp tác cho 2.940 lượt người thuộc vùng lúa chất lượng cao (07 lớp thành lập mới, 03 lớp củng cố hợp tác xã).

- Kinh tế trang trại: Thống kê sơ bộ đến nay trên địa bàn tỉnh có 63 trang trại, tăng 44 trang trại so với năm 2011, gồm: 46 trang trại nuôi thủy sản, 10 trang trại chăn nuôi, 6 trang trại trồng trọt và 01 trang trại tổng hợp.

d) Phát triển Ngành nghề nông thôn: Hỗ trợ 02 xã Hàm Giang và Hàm Tân, huyện Trà Cú hoàn chỉnh hồ sơ công nhận làng nghề; điều tra tình hình hoạt động các làng nghề để chọn ra mô hình có hiệu quả; chuẩn bị xây dựng đề án phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2015; kết hợp Sở Lao động Thương binh và xã hội, các Trung tâm dạy nghề tổ chức 83 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 2.117 lao động gồm các nghề như: chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng trọt (lúa, bắp, cây màu các loại...).

đ) Cung cấp nước sinh hoạt và VSMTNT: Triển khai thực hiện 13 dự án (hoàn thành 06 dự án chuyển tiếp); tổng giá trị khối lượng và giải ngân 25,86 tỷ đồng, vượt 66,87% kế hoạch; vốn sự nghiệp giao cho banngành tỉnh và địa phương 2,250 tỷ đồng, giải ngân 100% kế hoạch. Thực hiện lắp đặt ống dẫn nước 5.786 hộ, nâng tổng số từ đầu chương trình đến nay đã lắp đặt cung cấp nước sinh hoạt cho  52.336 hộ. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định bộ tiêu chí mới đạt 69%, sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 43%; hoàn thành Quy hoạch Cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2020.

6. Công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành:

a) Quản lý chất lượng nông-lâm-thuỷ sản:

Tổ chức 71 cuộc tuyên truyền pháp luật và các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nôngthủy sản cho 2.923 lượt ngườilắp đặt 19 cụm pano tuyên truyền trên địa bàn các huyện, thành phố; kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVSTP 65 lượt cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu thủy sản, 20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 196 lượt tàu; cấp 288 giấy chứng nhận VSATTP; tổ chức thu 629 mẫu nông, thủy sản (463 mẫu thủy sản) phân tích, kiểm nghiệm chất lượng. Kiểm tra đánh giá, phân loại 546 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp theo Thông tư số 14 của Bộ nông nghiệp và PTNT (kết quả 184 cơ sở loại A, 198 cơ sở loại B, 117 cơ sở loại C, 61 cơ sở ngưng hoạt động, hướng dẫn 02 cơ sở và 02 cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh).

- Thực hiện Dự án Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản: Tổng kinh phí 1,038 tỷ đồng, giải ngân đạt 100%.

b) Quản lý tàu cá:

- Kết hợp tổ chức 100 cuộc tuyên truyền cho 3.905 lượt người, kết hợp Đài Phát thanh – Truyền hình phát sóng 20 kỳ tin, phóng sự, lắp đặt 03 cụm pano truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đăng ký, đăng kiểm 836 tàu (24 tàu ngoài tỉnh), xóa bộ 21 tàu, đóng mới, cải hoán 126 tàu, cấp 267 sổ danh bạ (1.031 thuyền viên), cấp 659 giấy phép khai thác thủy sản, 14 giấy chứng nhận thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.277 tàu, tổng công suất 77.754 CV (trong đó có 171 tàu xa bờ, tổng công suất 45.548 CV); thực hiện Quyết định số 118/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai gây ra trên biển 02 trường hợp với số tiền 46 triệu đồng.

- Kết hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh và địa phương giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự khu vực 02 cảng; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân đưa tàu vào nơi neo đậu an toàn khi xảy ra mưa bão.Tổ chức thu phí 16.596 lượt tàu, xe, bốc dỡ 22.292 tấn hàng hoá và cho thuê mặt bằng 703 triệu đồng, vượt 8% kế hoạch.

c) Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổ chức 267 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, các quy định về sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm dùng trong chăn nuôi và nuôi thủy sản cho 7.989 lượt nông dân, cơ sở.

          - Tổ chức thanh, kiểm tra 832 lượt phương tiện khai thác thủy sản về việc chấp hành Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 938 lượt cơ sở về việc chấp hành các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi và nuôi thủy sản; vật tư nông nghiệp; điều kiện sản xuất, ương, thuần dưỡng giống thủy sản. Thu 219 mẫu thức ăn chăn nuôi, phân bón, chế phẩm xử lý ao nuôi thủy sản, giống cây trồng kiểm tra chất lượng; phát hiện xử lý 177 trường hợp vi phạm.

- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất nước uống đóng chai và lò mổ gia súc tập trung; kiểm tra 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

7. Tình hình thực hiện các dự án đầu tư phát triển:

- Dự án hỗ trợ đầu tư máy gặt, máy sấy lúa phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh: Kết thúc giai đoạn 1, đầu tư 132 máy gặt đập liên hợp, 33 máy sấy, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất gần 7.000 triệu đồng; đang tiến hành lập dự án giai đoạn 2.

- Dự án Heifer: Đầu tư 375 con bò cái giống cho 375 hộ và lập quỹ hỗ trợ vay vốn sản xuất nhỏ cho hộ nghèo 750 triệu đồng tại 02 xã Phương Thạnh, Bình Phú, huyện Càng Long, với tổng kinh phí đầu tư 8,680 tỷ đồng (Heifer 50%, ngân sách tỉnh 50%). Giải ngân 4,813 tỷ đồng.

          - Dự án Jica: Triển khai nhân rộng mô hình năm thứ hai, diện tích 9,7 ha/20 hộ, hiện tại cây được 08 tháng tuổi. Kiểm tra phát hiện 1,25 ha bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, tỷ lệ từ 5-10%. Tiếp nhận máy móc, thiết bị và triển khai hoạt động bệnh xá cây trồng của tỉnh. Tiếp tục kiến thiết cơ bản 5,38 ha tại xã Tam Ngãi, Phong phú và Thông Hòa.

          8. Các công tác khác:

          - Tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa chất lương cao trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa trên địa bàn tỉnh.

- Chuẩn bị rà soát quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, thủy sản; quy hoạch ngành nghề nông thôn và lập mới 02 quy hoạch thủy sản.

- Tham mưu ban hành định mức tạm thời chi phí trực tiếp cho sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi chính trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp và làm việc với đoàn kiểm toán ngân sách và tài sản Nhà nước năm 2011; tiếp và làm việc với đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Phát triển nuôi cá tra theo hướng VietGAP”.

- Phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại ở 02 huyện Cầu Ngang, Duyên Hải; kinh phí hỗ trợ phân bón cho người trồng dừa (đợt 1) và phân bổ kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất lúa cho các huyện, thành phố.

- Ký thỏa thuận dự án “Hợp tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam (2012-2014).

IV. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Kết quả đạt được:

- Nông dân cơ bản xuống giống tập trung theo lịch thời vụ, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 70% và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.

- Triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao và mô hình cánh đồng mẫu lớn được thực hiện sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng năng suất và sản lượng lúa của tỉnh.

- Chủ động trong công tác dự tính, dự báo và phòng chống nên các loại dịch bệnh gây hại  không gây ảnh hưởng đến năng suất lúa.

- Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, góp phần nâng năng lực cấp nước chủ động cho trên 90% diện tích vùng sản xuất lúa chất lượng cao.

- Công tác xây dựng nông thôn mới được quán triệt sâu rộng, các ngành, các cấp và nhân dân dân tích cực hưởng ứng, tham gia nên có sự chuyển biến mạnh mẽ.

- Công tác quản lý nhà nước được tăng cường nên các hoạt động sản xuất – kinh doanh vật tư đầu vào sản xuất từng bước đi vào nề nếp, chất lượng sản phẩm đầu ra được kiểm soát an toàn; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp ngày càng chặt chẽ tạo nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2012.

2. Những tồn tại, hạn chế:

- Tiến độ triển khai lập mới và rà soát điều chỉnh, bổ sung một số quy hoạch chi tiết lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm chủ yếu (đối với những quy hoạch có trước quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH của tỉnh và quy hoạch tổng thể ngành) còn chậm nên việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển sản xuất cụ thể gặp khó khăn, lúng túng.

- Một số quy hoạch được phê duyệt, đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các chương trình hoặc đề án cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.

- Việc tổ chức sản xuất từng lúc, từng nơi còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch, thiếu bền vững, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên hiệu quả mang lại không cao, thậm chí có nơi bị thiệt hại ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của người dân.

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh chưa nhiều nên chưa có tác động tích cực, kích thích được người dân, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn để thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo mục tiêu đề ra.

- Một số nơi hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chưa được đảm bảo nhưng chậm được đầu tư xây dựng, nhất là ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hình thức công nghiệp, vùng đất giồng cát có thế mạnh phát triển diện tích cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

- Công tác xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chủ yếu chưa nhiều và thiếu kịp thời nên chưa có sự kích thích đáng kể đối với nông dân.

- Công tác điều tra, hoàn chỉnh các thủ tục và chi trả hỗ trợ cho nông dân có tôm nuôi bị thiệt hại theo Quyết định 142 của Chính phủ, hỗ trợ chính sách phân bón cho người trồng dừa, triển khai thực hiện chiến dịch phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn còn chậm.

- Công tác sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh múng, công tác quản lý giống cây, con chưa thật sự chặt chẽ.

 

 

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2013

 

I. MỘT SỐ DỰ BÁO CHỦ YẾU

1. Tình hình thế giới và cả nước:

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tăng trưởng chậm trong năm 2013. Theo đó, thương mại và giá cả hàng nông sản trên thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp và có thể vẫn tiếp tục xu hướng giảm của năm 2012; diễn biến xung đột chính trị cục bộ, thiên tai dịch bệnh... là những yếu tố tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói riêng.

Việc thực hiện các chính sách về tiền tệ và tài khóa cùng những giải pháp đồng bộ khác trong những tháng cuối năm theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ có khả năng khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy vậy, việc thực hiện các chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo những khó khăn nhất định đối với nông nghiệp, nông thôn. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Sự biến đổi khí hậu, biến động của thị trường, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tác động mạnh đến sản xuất nông, lâm, thủy sản.

2. Tình hình trong tỉnh:

Các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện; hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ mới trong sản xuất ngày càng rộng rãi; trình độ, năng lực, tay nghề của nông dân từng bước được nâng cao, cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT; sự hỗ trợ tích cực của các các ngành, các cấp; sự phấn đấu, nổ lực cao của toàn ngành và bà con nông dân trong tỉnh là những thuận lợi cơ bản.

          Tuy nhiên, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng gia tăng; giá cả thị trường luôn biến động; hạ tầng kỹ thuật một số nơi chưa thật sự đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hạn chế...sẽ là những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, thôn thôn của tỉnh năm 2013.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đảm bảo phát triển bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và môi trường.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất: Phấn đấu tổng giá trị sản xuất toàn ngành (giá năm 1994) đạt 8.001 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2012; trong đó:

+ Nông nghiệp: 5.370 tỷ đồng, tăng 0,16%

+ Lâm nghiệp: 95 tỷ đồng, tăng 1,34%

+ Thủy sản: 2.536 tỷ đồng, tăng 12,55%

- Tỷ lệ che phủ rừng: 43%

- Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 72,1%

- Sản lượng cây trồng chủ lực: Lúa 1.263.630 tấn; màu lương thực 83.905 tấn; màu thực phẩm 619.320 tấn; mía 699.600 tấn; đậu phộng 23.166 tấn; dừa 186.000 tấn; cây ăn trái 207.355 tấn.

- Sản phẩm vật nuôi chính: Đàn bò 135.000 con; đàn heo 440.000 con và đàn gia cầm 6 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi 100 ngàn tấn.

- Sản lượng thủy sản: 148.300 tấn (28.500 tấn tôm), trong đó: Nuôi trồng 85.550 tấn (13.500 tấn tôm sú, 25.095 tấn cá tra); khai thác 62.750 tấn (9.000 tấn tôm).

 

 

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phát triển sản xuất:

a) Nông nghiệp:

- Trồng trọt: Tập trung thực hiện các giải pháp chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh ổn định, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất, thu nhập trên đơn vị diện tích; duy trì và mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên cơ sở quy hoạch, tích cực nhân rộng các mô hình hiệu quả nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong sản xuất lúa lên 75%, giảm diện tích giống có phẩm chất thấp nhất là giống IR 50404, OM 576; nâng tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất, đặc biệt là những khâu còn yếu; triển khai xây dựng vùng sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP; tiếp tục thực hiện dự án cải thiện hệ thống khuyến nông trên cây có múi (JICA); xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án: cải tạo nâng cao hiệu quả vườn dừa, trồng ca cao xen dừa, xã hội hóa sản xuất lúa giống, sản xuất rau an toàn và triển khai chương trình phát triển cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày ở vùng đất giồng cát.

Chăn nuôi: Ổn định tổng đàn, áp dụng công nghệ nuôi và con giống tốt nhằm tăng vòng quay số đầu gia súc xuất chuồng và tỷ lệ thịt hơi, trứng các loại. Phát triển mạnh các loại vật nuôi: bò thịt lai nhóm Zêbu, heo siêu nạc, các loại gia cầm truyền thống; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, có chính sách ưu đãi để phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình, kiểm soát tốt dịch bệnh. Tăng cường công tác thú y, kết hợp với các tỉnh trong khu vực từng bước thanh toán các dịch bệnh nguy hiểm. Thực hiện tốt công tác kiểm soát tốt giết mổ. Kêu gọi đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, giết mổ tập trung theo quy hoạch. Quan tâm phát triển đàn giống bố mẹ nhằm nâng cao chất lượng đàn vật nuôi bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo; đầu tư phát triển mạng lưới sản xuất giống.

- Thuỷ sản:

+ Hoàn thành việc quy hoạch và tổ chức xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, ổn định, chuyển đổi con nuôi phù hợp theo vùng sinh thái; ngoài vùng mặn, lợ cần có sự quan tâm các đối tượng nuôi thủy sản vùng nước ngọt, nhất là các đối tượng có tiềm năng, thực hiện đa dạng hóa con nuôi thủy sản để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh; tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, lịch thời vụ, chủ động kiểm tra môi trường, tăng cường dự tính, dự báo, giám sát chặt chẽ dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời không để xảy ra lúng túng khi dịch bệnh phát sinh.

+ Tổ chức sắp xếp lại đội tàu với các nghề khai thác hợp lý, phân vùng quản lý khai thác để khai thác đảm bảo tính bền vững. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá Định An. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tàu cá gặp thiên tai trên biển; phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho nghề khai thác hải sản; tiếp tục hoàn chỉnh Đề án hỗ trợ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện

- Lâm nghiệp: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng; mở rộng diện tích rừng phòng hộ và trồng cây lâm nghiệp phân tán. Tiếp tục triển khai công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ; thực hiện tốt công tác PCCC rừng, phòng trừ sâu bệnh hại. Thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

- Diêm nghiệp: Ổn định diện tích, triển khai các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành, tăng thu nhập; tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nguyên liệu công nghiệp chế biến muối.

2. Công tác quy hoạch: Tích cực, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thường xuyên tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, ngành, lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm chủ yếu cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục rà soát có kế hoạch xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch quan trọng, cần thiết thuộc lĩnh vực nông nghiêp, nông thôn còn thiếu, đặc biệt là quy hoạch các vùng sản xuất cây, con giống.

3. Đẩy mạnh công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi: Xây dựng các dự án sản xuất giống cây trồng, con nuôi để tranh thủ vốn hỗ trợ có mục tiêu của TW, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống thủy sản, chăn nuôi…; có kế hoạch sản xuất, cung ứng cụ thể từng loại cây, con; phối hợp với các Viện, Trường tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất giống và thực hiện tốt công tác thử nghiệm, khảo nghiệm chọn tạo các bộ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của tỉnh; nhân rộng mô hình sản xuất cung ứng giống theo phương thức xã hội hóa; tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình điều phối, cung ứng giống lúa.

4. Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo:

- Tăng cường công tác khảo nghiệm, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; xây dựng các mô hình trình diễn; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học.

- Mở rộng việc áp dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nhất là hàng hóa nhập khẩu. Đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình sản xuất tốt, cấp chứng chỉ chất lượng.

- Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học đã được công nhận phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Triển khai thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên đào tạo cán bộ quản lý, trước hết là cán bộ THT, HTX, chủ trang trại, mở rộng các hình thức và nguồn tài trợ để đào tạo nghề cho nông dân, nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo.

5. Công tác thuỷ lợi:

- Tiếp tục đầu tư các công trình dở dang đảm bảo nhu cầu sản xuất và dân sinh; từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Triển khai thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng và quản lý công trình thuỷ lợi.

- Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng các phương án chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó kịp thời và có hiệu quả trước mọi tình huống.

6. Phát triển nông thôn:

a) Chương trình xây dựng nông thôn mới: Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh tham mưu, đề xuất ưu tiên bố trí vốn, lồng ghép các chương trình, dự án thực hiện các tiêu chí về đào tạo nghề, y tế, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, phấn đấu đến cuối năm 2013:

- 100% xã có đề án xây dựng nông thôn mới và quy hoạch chung được phê duyệt, 70% số xã có quy hoạch chi tiết được duyệt.

- 80% số cán bộ cấp xã được tham gia bồi dưỡng, tập huấn về công tác xây dựng nông thôn mới.

- 100% số xã triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

- 17 xã điểm đạt thêm từ 3 tiêu chí trở lên. Các xã còn lại đạt thêm từ 1-2 tiêu chí trở lên; hỗ trợ xã điểm Mỹ Long Nam thực hiện hoàn thiện đầy đủ và giữ vững tiêu chí nông thôn mới; hỗ rợ 02 xã Phú Cần và Long Đức hoàn thành 19 tiêu chí theo Quyết định của UBND tỉnh.

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”.

b) Đổi mới tổ chức quản lý sản xuất nông, lâm, thủy sản:

- Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thành lập mới 03 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2003 và Nghị định 151 của Chính phủ; triển khai đào tạo cho cán bộ quản lý hợp tác xã; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại.

- Khảo sát đánh giá hiện trạng, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác sản xuất, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhân rộng mô hình liên kết hộ, liên kết “4 nhà” theo Quyết định số 80 của Chính phủ.

c) Ngành nghề nông thôn: Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện chính sách hỗ trợ, nhất là cơ sở hạ tầng, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm để khôi phục và phát triển các làng nghề; khuyến khích hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tại chổ và tham gia xuất khẩu. Hỗ trợ thủ tục thành lập các làng nghề truyền thống tại địa phương. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn theo quy hoạch.

d) Sắp xếp, bố trí dân cư: Hoàn thành các dự án Di dân khẩn cấp vùng ven biển xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải; di dân vùng sạt lỡ xã Hòa Minh, di dân sạt lỡ ấp Cồn Phụng xã Long Hòa, huyện Châu Thành và dự án di dân sạt lỡ bờ sông xã Đại Phước, huyện Càng Long, kè sạt lỡ bờ sông Cần Chông, thị trấn Tiểu Cần. Thực hiện di dời 131 hộ dân vào vùng dự án.

đ) Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Triển khai thực hiện 10 dự án gồm: 06 dự án chuyển tiếp, 04 dự án khởi công mới; quản lý, vận hành tốt các trạm cấp nước hiện có, lắp đặt mô hình xử lý nước hộ gia đình, tăng thêm 4.700 hộ sử dụng nước máy tập trung. Phấn đấu đến cuối năm 2013 đạt chỉ tiêu 72,1% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy định bộ tiêu chí mới (trong đó có 46,56% hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia); 33% số dân nông thôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

7. Quản lý chất lượng VSATTP và vật tư nông nghiệp:

- Triển khai áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến theo GMP, VietGAP, GlobalGAP...

- Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông, thủy sản; kiểm tra, đánh giá phân loại, chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT trên tất cả các nhóm thực phẩm; tổ chức thanh, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, chất bảo quản, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và nuôi thủy sản nhằm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

- Tiếp tục thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp và nông dân các quy định, yêu cầu về chất lượng, rào cản kỹ thuật đối với hàng nông, lâm, thuỷ sản của các thị trường nhập khẩu; hướng dẫn người sản xuất cải thiện điều kiện đảm bảo ATTP, người tiêu dùng biết cánh lựa chọn sản phẩm an toàn.

8. Công tác thị trường và xúc tiến thương mại:

- Kết hợp triển khai chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.

- Tăng cường thông tin và dự báo thị trường để kịp thời đáp ứng yêu cầu định hướng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân; phối hợp thông tin thị trường giữa các tổ chức khuyến nông, câu lạc bộ, hội, hiệp hội và doanh nghiệp để phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

9. Triển khai thực hiện đạt yêu cầu và có hiệu quả các chương trình, dự án: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; an toàn vệ sinh thực phẩm nông, thủy sản; xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các dự án hợp tác quốc tế: Dự án Heifer, Dự án Jica, Dự án Oxfam.

10. Cải cách hành chính, tăng cường quản lý nhà nước, chống quan liêu trì trệ, tham nhũng, lãng phí:

- Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và PTNT.

- Tăng cường hệ thống quản lý chuyên ngành; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các Pháp lệnh trong lĩnh vực được phân công.

- Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính rõ ràng, cụ thể.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Chính phủ điện tử gắn với đổi mới phương thức điều hành toàn ngành, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước ngành nông nghiệp.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch của ngành năm 2012, các đơn vị, phòng, ban thuộc Sở và phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị, địa phương mình, kết hợp với các tổ chức đoàn thể phát động thành các phong trào thi đua, tổ chức quán triệt trong nội bộ và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện để đạt kết quả cao nhất./.

 

 

Nơi nhận:                                                                                              GIÁM ĐỐC        

- Sở KH-ĐT                                                                                       

- TU, HĐND, UBND tỉnh;                                                       

- Bộ NN và PTNT;

- UBND các huyện, TP;                                                                                                                        Đã ký

- Phòng NN và PTNT các huyện, TP;                                                                           

- Các đơn vị trực thuộc Sở;

- GĐ các PGĐ Sở;

- Lưu: VT, KH.                                                                                               Trần Trung Hiền



Tải bảng phụ lục: Tại đây

Tin khác
1 2 
Tin mới