Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài "Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và đề xuất qui trình phòng trị bệnh trên cá lóc (Channa striata) nuôi công nghiệp tại tỉnh Trà Vinh"
 Ngày  24  tháng 11 năm 2018 tại Ban Điều phối Dự án Thích ứng Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (Dự án AMD Trà Vinh), Tổ Công tác chuyên đề (TAG) đã nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và đề xuất qui trình phòng trị bệnh trên cá lóc (Channa striata) nuôi công nghiệp tại tỉnh Trà Vinh” do PGS. Ts Từ Thanh Dung làm chủ nhiệm và Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, được thực hiện từ 09/2016 đến tháng 10/2018 nhằm xác định các tác nhân gây bệnh trên cá lóc ở 1 số huyện thuộc tình Trà Vinh. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phòng và trị bệnh trên đối tượng này.  Nội dung chính của nghiên cứu bao gồm: (1) Khảo sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên cá lóc nuôi ở Trà Vinh. (2) Nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phổ biến trên cá lóc nuôi công nghiệp. (3) Nghiên cứu một số thuốc, hóa dược và sản phẩm chiết xuất từ thảo dược/rong biển phòng trị bệnh trên cá lóc nuôi công nghiệp. (4) Đề xuất qui trình phòng trị bệnh trên cá lóc (Channa striata) nuôi công nghiệp tỉnh Trà Vinh.
           Qua kết quả điều tra đã tìm thấy bệnh trên cá lóc nuôi công nghiệp ở Trà Vinh xuất hiện cao điểm vào tháng 3-5, tháng 9-11 và lúc giao mùa. Đề tài này đã thu được 192 mẫu cá lóc bệnh khối lượng từ 50-600g, tại 78 ao nuôi cá lóc thâm canh tỉnh Trà Vinh. Trong mô hình nuôi cá lóc thâm canh, bệnh xảy ra ngày càng phức tạp và khó điều trị, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn (bệnh đốm trắng nội tạng, xuất huyết, ghẻ lở, xuất huyết, ghẻ lở…). Trong đó, bệnh đốm trắng nội tạng do vi khuẩn A.schubertii  tần số xuất hiện và gây thiệt hại cao nhất so với các tác nhân khác như A. hydrophila, V. alginolyticus và S. agalactiae. Ngoài ra, 2 loài nấm, 5 giống ký sinh trùng  ngoại ký sinh và 3 giống nội ký sinh đã được tìm thấy trên cá lóc. Trong đó, bệnh đốm trắng nội tạng do vi khuẩn A. schubertii là nguy hiểm và gây thiệt hại rất lớn cho người dân nuôi cá lóc thương phẩm tỉnh Trà Vinh.
 

 Dấu hiệu bệnh lý cá lóc bệnh đốm trắng nội tạng
(A) Dấu hiệu bệnh lý bên ngoài: xuất huyết điểm trên thân và dưới bụng;
(B) Dấu hiệu bệnh lý bên trong: đốm trắng ở gan, thận và tỳ tạng cá lóc bệnh (mũi tên)

          Đề tài đã tiến hành thí nghiệm điều trị bệnh phổ biến trên cá lóc để tìm các giải pháp điều trị thích hợp. Ký sinh trùng đơn bào như Trichodina spp. là bệnh phổ biến nhất ở giai đoạn giống có thể sử dụng tím điều trị với liều 4-5 ppm hoặc formol điều trị với liều 25 ppm tắm cho cá. Trên các bệnh do vi khuẩn đa số các vi khuẩn phân lập từ cá bệnh thu được trong ao nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn khá nhạy với các loại kháng sinh nằm trong danh mục được phép sử dụng và hạn chế của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Có thể sử dụng loại kháng sinh để điều trị bệnh do vi khuẩn khi cần thiết.
         Mặt khác, có thể sử dụng thuốc tím với nồng độ 2-3 ppm hoặc iodine 1-2 ppm để diệt mầm bệnh trong môi trường nước. Riêng để diệt nấm (bào tử) trong cá lóc nuôi thâm canh (Ao không có cá) có thể dùng formol với nồng độ 200 ppm và sulfat đồng nồng độ 20-40 ppm. Đặc biệt đối với một số loại thảo dược và rong biển, nghiên cứu đã xác định lá ổi với nồng độ 4g/kg TA hoặc rong mơ 8g/kg TA hoặc hỗn hợp 4 g/kg TA hoặc cỏ mực ở nồng độ 4 g/kg thức ăn giúp kích thích sự tăng trưởng, giảm tỷ lệ chết, gia tăng khả năng đề kháng của cá lóc chống lại bệnh do vi khuẩn A. schubertii.

 

Mô hình ương cá lóc giống trong giai lưới

          Kết quả nghiên cứu đã xác định các tác nhân gây bệnh làm gia tăng tỷ lệ hao hụt, ảnh hưởng đến năng suất nuôi cá lóc. Bên cạnh đó, xác định một số thảo dược có khả năng hỗ trợ trong điều trị bệnh cá. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất vụ nuôi, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, tăng thu nhập cho người nuôi mà còn góp phần ổn định kinh tế xã hội vùng nông thôn ảnh hưởng biến đổi khí hậu, từ đó cung cấp người tiêu dùng sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.


Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới