Nghiệm thu kết quả đề tài "Đánh giá khả năng thích nghi của giống lúa OM tại vùng bị xâm nhập mặn của tỉnh Trà Vinh"
 Năm 2016 Dự án AMD Trà Vinh đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài “Đánh giá khả năng thích nghi của giống lúa OM tại vùng bị xâm nhập mặn của tỉnh Trà Vinh” do TS Bùi Thanh Liêm làm chủ nhiệm và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị chủ trì. Đề tài được thực hiện với mục tiêu chung: Xác định giống lúa thích hợp và các biện pháp canh tác nhằm duy trì và ổn định sản xuất vùng canh tác lúa do nhiễm mặn để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể: Xác định được 3-4 giống lúa có năng suất 4-6 tấn/ha điều kiện mặn, có phẩm chất tốt và thích nghi với thời vụ xuống giống cho vụ lúa trên các vùng xâm nhập mặn và hoàn thiện quy trình canh tác lúa trên vùng đất nhiễm mặn.

Ruộng thí nghiệm 

          Đề tài đã thực hiện các nội dung từ thanh lọc mặn trong điều kiện phòng thí nghiệm, nghiên cứu các đặc tính giống và phẩm chất gạo,.... cho đến thực nghiệm trên đồng ruộng tại 2 huyện Châu Thành và Trà Cú.
         Qua thời gian 18 tháng thực hiện, kết quả đề tài đã tìm ra được các giống lúa thích hợp ở vùng có khả năng bị xâm nhập mặn và nhiễm mặn gồm: OM9921, OM376, OM9582 và OM429. Trong đó giống OM9921 là giống lúa thơm, chất lượng cao được công nhận vào năm 2016, các giống còn lại cũng thuộc giống chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
        Quan trọng nhất, đề tài đã đề xuất được quy trình canh tác lúa trong điều kiện xâm nhập mặn của tỉnh, với một số lưu ý cụ thể như sau:

        * Vụ Đông – Xuân:
        - Vùng bị nhiễm mặn nặng (trên 0,3%): Tận dụng tối đa nguồn nước ngọt để tích vào các kênh mương và rửa mặn cho lúa.
        - Vùng bị nhiễm nhẹ (dưới 0,3%): Ngoài biện pháp tích nước ngọt rửa mặn còn áp dụng biện pháp như sau:
        + Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 0,3%).
        + Có thể phun một số sản phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn.
        * Vụ Hè - Thu
        - Vùng bị hạn, xâm nhập mặn nặng (trên 0,3%) tuyệt đối không được xuống giống.
        - Vùng bị xâm nhập mặn nhẹ (dưới 0,3%) có thể xuống giống và phải áp dụng một số kỹ thuật sau:
        + Sử dụng các giống chịu mặn như trên.
        + Không cày sâu lật đất, chỉ xới đất để cắt đứt các mao mạch dẫn muối từ dưới lên.
        + Tăng cường bón vôi trước khi sạ, lượng 300-500kg vôi bột/ha hoặc các hoạt chất cải tạo đất.
        + Sử dụng các dạng phân UreaGOLD để chống thất thoát đạm.
        + Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới vào các giai đoạn mẫn cảm (7-10 ngày; 18-20 ngày; 38-42 ngày sau sạ).
         Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ dưới 0,3% đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh; dưới 0,2% với các giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ.
         Trường hợp giai đoạn mạ bị hạn nặng, có thể tưới phun cho mạ hoặc kết hợp tưới phun khi sử dụng các loại thuốc BVTV với lượng nước phun cao hơn 500-600 lit/ ha).
         Trường hợp bị xâm nhập mặn sau khi xuống giống: áp dụng các kỹ thuật bón phân và tưới nước như trên
         * Chuẩn bị đất canh tác
         Rửa mặn triệt để bằng cách tận dụng nguồn nước mưa hoặc nước sông (không có mặn) để giảm độ mặn trong đất. Bón bổ sung vôi với lượng từ 300-500kg/ha và ngâm từ 3-4 ngày rồi xả nước ra, ngoài việc rửa mặn còn có thể hạ phèn hoặc sử dụng chế phẩm cải tạo đất mặn.
         * Biện pháp quản lý nước
         Phải kiểm tra độ mặn trong nước trước khi cho vào ruộng, nếu độ mặn trong nước < 0,3% thì có thể cho vào, nhưng độ mặn trong nước > 0,3% thì ta chỉ cho lượng nước vừa ẩm mặt ruộng tránh tình trạng muối tích tụ vào đất, chờ khi độ mặn hạ thì ta mới cho nước vào thêm. Nếu đã cho nước mặn > 0,3% vào ruộng mà có nước ngọt thì nên cho nước vào 1 ngày sau đó tháo nước ra, rồi tiếp tục cho nước ngọt vào. Tránh cho nước có độ mặn > 0,3% vào ruộng vào các giai đoạn mẵn cảm của lúa như giai đoạn mạ và giai đoạn trổ.

 
Hội thảo báo cáo kết quả đề tài 

          Kết quả của đề tài đã góp phần cho người dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh canh tác tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

 

       Phòng Chính sách và Thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới