Nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài: "Xây dựng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men (Fermented Total Mixed Ration - FTMR) và ảnh hưởng của FTMR đến khả năng sinh trưởng và năng suất của bò từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Trà Vinh trong điều kiện thich ứng với biến đổi khí hậu"
 Ngày  17  tháng 11 năm 2018 tại Ban Điều phối Dự án Thích ứng Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (Dự án AMD Trà Vinh), Tổ Công tác chuyên đề (TAG) đã nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Xây dựng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men (Fermented Total Mixed Ration - FTMR) và ảnh hưởng của FTMR đến khả năng sinh trưởng và năng suất của bò từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Trà Vinh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu” do Ts. Hồ Thanh Thâm làm chủ nhiệm và Trường Đại học Cần Thơ chủ trì, được thực hiện từ 09/2016 đến tháng 02/2018 với mục tiêu nhằm dự trữ được nguồn nguyên liệu mau hỏng sẵn có ở địa phương để phối trộn khẩu phần thức ăn cho bò đặc biệt vào thời điểm khan hiếm nguồn thức ăn chính (rơm, cỏ, bắp,…) trong mùa khô hạn, nước nhiễm mặn, tạo nguồn thức ăn có chất lượng phù hợp phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản một cách hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
           Đề tài đã thực hiện ủ chua thức ăn với 4 công thức ủ cho bò giai đoạn sinh  trưởng và 04 công thức ủ cho bò nuôi giai đoạn sinh sản với các thời gian ủ khác nhau. Kết quả đối với bò giai đoạn sinh trưởng công thức phối trộn gồm rơm khô (17%), thân bắp (18%), cỏ voi (14%), dây đậu phộng (16%), hạt bắp (16%), cám gạo (8%), bánh dầu dừa (1%), ure (1%), premix khoáng (1%) và mật đường (8%)  có các giá trị acid hữu cơ tối ưu nhất so với ba công thức còn lại. Đối với bò giai đoạn sinh sản công thức phối trộn gồm rơm khô (25%), thân bắp (11%), cỏ voi (17%), dây đậu phộng (9%), hạt bắp (13%), cám gạo (13%), bánh dầu dừa (3%), ure (1%), premix khoáng (1%) và mật đường (7%)  có các giá trị acid hữu cơ tối ưu nhất so với ba công thức còn lại. Các số liệu phân tích cho thấy 02 công thức phối trộn này có thể bảo quản ổn định lâu dài (có thể bảo quản lên đến 3 tháng) và ít thất thoát chất dinh dưỡng.
 

Phối trộn nguyên liệu và mẽ ủ

           Kết quả nghiên cứu đề tài cũng cho thấy: Sử dụng thức ăn hỗn hợp ủ chua với tỷ lệ 50% trong khẩu phần nuôi bò thịt lai Sind góp phần sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm sẵn có ở địa phương, gia tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và nâng cao hiệu quả kinh tế. Tương tự đối với bò giai đoạn sinh sản khi bổ sung thức ăn FTMR cũng cho khối lượng và tăng trọng bê con tốt hơn khi không bổ sung thức ăn FTMR (tốt nhất khi cho ăn 100% thức ăn FTMR). Tiếp  tục  nghiên  cứu  các  công  thức  ủ  chua  sử  dụng  các  nguồn  phụ  phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương (dây đậu phộng, thân bắp,...) kết hợp với các thực liệu khác nhằm dự trữ, chủ động và đa dạng nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc nhai lại.

Bò giai đoạn sinh sản
 

           Từ kết quả nghiên cứu cũng đã đưa ra quy trình sản xuất thức ăn FTMR từ nguồn nguyên liệu sẳn có ở địa phương, cụ thể như sau:
           - Thức ăn thô xanh (thân bắp, cỏ voi, …) được băm nhỏ bằng máy, để ráo nước.
           - Đối với dây khoai lang, thân đậu phộng không cần cắt ngắn, chỉ cần để ráo nước hoặc phơi héo từ 4 – 6 giờ.
           - Đối với nguyên liệu có khối lượng ít (bánh dầu dừa, cám gạo, premix khoáng, ure…) được trộn trước, sau đó mới trộn lẫn với các nguyên liệu khác để đảm bảo phân bố đều trong hỗn hợp thức ăn.
           - Túi ủ: sử dụng túi ủ biogas PE và lồng vào nhau để tạo túi ủ có 2 lớp sao cho dung tích túi ủ có thể chứa 50kg nguyên liệu. Có thể sử dụng hố ủ thay thế túi ủ để giảm chi phí và tang tính tiện lợi trong quá trình ủ.
           - Các nguyên liệu sau khi phối trộn đỗ từng lớp dày 10 – 20cm vào các túi ủ, nén thật chặt, buộc kín và bảo quản nơi khô thoáng.
           - Có thể sử dụng thức ăn FTMR sau khi ủ 1 tuần, thời gian bảo quan có thể kéo dài 3 tháng. Tuy nhiên đối với từng túi ủ sau khi mở túi nên cho ăn hết trong vòng 2-3 ngày tránh để thức ăn lâu sẽ bị thối.
Như vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật FTMR phù hợp với điều kiện nguồn thức ăn, quy mô chăn nuôi của tỉnh Trà Vinh là rất cần thiết để góp phần phát triển chăn nuôi bò thịt một cách hiệu quả và theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là quá trình vỗ béo bò thịt chất lượng cao và nuôi bò giai đoạn sinh sản; xây dựng sinh kế bền vững cho người chăn nuôi bò trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.


Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới