Đề xuất giải pháp cải tiến hệ thống canh tác lúa các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh
Đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu cho các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh là một trong các mục tiêu của Để tài “Tuyển chọn bộ giống lúa chịu mặn và xây dựng mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu” do Ts. Vũ Anh Pháp làm chủ nhiệm và Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chủ trì từ nguồn kinh phí do Dự án AMD hỗ trợ thực hiện. Qua quá trình khảo sát thực trạng, nghiên cứu, khảo nghiệm đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện hệ thống canh tác lúa các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh, cụ thể như sau:
            1. Chính sách quy hoạch
            - Cần thúc đẩy quá trình tích lũy ruộng đất, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa tập trung đất đai, tiến tới xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn phù hợp với sản xuất hàng hóa tạo điều kiện thâm canh cao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Đây là hướng đi duy nhất để nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất nông nghiệp trong điều kiện về mặt pháp lý cho nông dân thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê và cho thuê đất nông nghiệp.
Ruộng lúa thí nghiệm 

           - Đối với mô hình chuyên màu, hạn và nguồn nước đóng vai trò khá quan trọng trong khâu sản xuất. Vì vậy, để tiếp tục duy trì nguồn nước và phát triển mô hình lâu dài, cần có biện pháp phù hợp:
           + Quy hoạch cây màu chủ lực vừa đảm bảo nhu cầu thị trường, vừa sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước cho tưới tiêu. Điển hình như phát triển cây bắp giống là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước trầm trọng, vì cách tưới tràn cho cây bắp giống tốn rất nhiều nước. Vì vậy, việc mở rộng, hay điều chỉnh quy mô đối với cây màu, cũng cần quan tâm đến vấn đề nhu cầu nước của cây trồng, bên cạnh yếu tố về thị trường.
           + Phát triển các mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây hoa màu. Điển hình như mô hình tưới phun sương, tưới nhỏ giọt. Đây là cách cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tiết kiệm lượng nước sử dụng cho canh tác và giảm công lao động đầu tư vào canh tác. Ngoài ra, Sử dụng giống lúa có khả năng chịu mặn, hạn tốt, thời gian sinh trường ngắn và trung bình đưa vào canh tác để giảm thiệt hại do xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, cần đưa vào sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất từ đó tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa
           - Nâng cao nhận thức của nông hộ về kỹ thuật quản lý dịch hại trong canh tác lúa và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả để giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả mô hình canh tác. Thay đổi lịch thời vụ cho phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn tại địa phương. Từ đó, giúp giảm ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa của nông hộ vùng ven biển tỉnh Trà Vinh.
           - Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao.
           2. Chính sách về thị trường
           Giúp nông dân bỏ thói quen sản xuất cái mình có mà chuyển sang sản xuất cái thị trường cần. Có  hệ thống thông tin thị trường. Nông dân được chủ động sản xuất theo kế hoạch của riêng mình và tự định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.
           Phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo hình thức đầu tư vật tư, kỹ thuật và thu mua trực tiếp với người dân. Bởi vì, các nhà doanh nghiệp sẽ là những người nắm bắt nhu cầu thị trường tốt nhất, điều này rất có lợi cho nông dân.
           Đa dạng hóa sản xuất, sản xuất theo định hướng thị trường đòi hỏi thông tin thị trường hết sức quan trọng. Tuy nhiên các thông tin hiện nay cũng rất nhạy cảm và biến động liên tục. Điều đó cho thấy tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp mới đáp ứng thông tin thị trường mà vẫn đảm bảo về mặt quản lý và yêu cầu kỹ thuật.
           3. Chính sách tín dụng
           Mặc dù nhà nước có rất nhiều chính sách tài chính hỗ trợ vay ưu đãi cho nông dân, nhưng để tiếp cận với các nguồn vốn này nông dân gặp không ít những khó khăn và hạn chế, cụ thể như sau:
           Thứ nhất, các khoản vay này đòi hỏi chặt chẽ về thế chấp và nhiều thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian để được duyệt cho vay cũng kéo dài, mất nhiều thời gian đi lại.
           Thứ hai, các khoản vay này thường nhỏ so với mức vốn yêu cầu. Với các khoản vay vốn cho nông nghiệp thường là vay ngắn hạn, đây là một hạn chế cho nông dân khi mà các loại hình sản xuất có thời gian thu hồi vốn kéo dài trong nhiều năm. Với các khoản vay ngắn hạn việc sử dụng vốn vay của các hộ chủ yếu để giải quyết các vấn đề trước mắt có khi không nhằm vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hoặc sử dụng không có tính chất lâu dài và nhỏ lẻ.
           Do đó, cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay tài chính. Ngân hàng giúp nông dân lập dự án đầu tư vay vốn, ngân hàng phải được coi là người đồng sở hữu trong các dự án sản xuất nông nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là người cho vay tài chính, doanh nghiệp hợp đồng với nông dân, vay gián tiếp qua các kênh Doanh nghiệp, mở rộng cho vay hộ trang trại. Ngân hàng phát triển cho vay bảo lãnh, tín chấp với các khoản vay lớn và dài hạn
          4. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn
          Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm các cống ngăn mặn, thường xuyên tu bổ, gia cố các cống lâu năm để ứng phó kịp thời khi mặn xâm nhập, cung cấp đủ nước ngọt cho nhu cầu sản xuất nông hộ vào những tháng khô hạn có nguy cơ bị xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt, hạn chế tối đa những ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa.

Mô hình trồng đậu phộng tưới tiết kiệm nước

          Tiếp tục tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn, cải thiện và mở rộng hệ thống kênh mương tăng cường khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng, mở rộng vùng tưới lên các vùng đất chân cao. Kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, hạ tầng trong trồng màu.
          Phát triển giao thông nông thôn là điều kiện thúc đẩy giao lưu kinh tế, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
      

Hạnh Chuyên

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới