Cần nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả từ đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất thủy sản hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Trà Vinh"
 Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thủy sản hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tỉnh Trà Vinh”  do PGS. TS Dương Nhựt Long làm chủ nhiệm đề tài và Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chủ trì được thực hiện từ 09/2016 đến tháng 10/2018 từ nguồn kinh phí do Dự án Thích ứng Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại Trà Vinh (AMD Trà Vinh) hỗ trợ. Đề tài được thực hiện nhằm xây dựng thành công và đạt hiệu quả các mô hình nuôi thủy sản phát triển bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu kè, Cầu Ngang, Càng Long, Trà Cú và thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, góp phần nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người nông dân được thực hiện từ năm 2016 – 2018.
          Qua khảo sát cho thấy thực trạng các mô hình sản xuất thủy sản, thủy sản – nông nghiệp kết hợp thực hiện thời gian qua ở các địa phương trên địa bàn tỉnh là khá tích cực về việc tổ chức triển khai, chăm sóc và quản lý mô hình nuôi với nhiều điều kiện thuận lợi như: người dân có kinh nghiệm, được hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn nhiều hạn chế về sự cập nhật thông tin kỹ thuật mới, năng lực, tay nghề tác động và quản lý chuyên môn còn ít nhiều hạn chế trong xây dựng các mô hình nuôi thủy sản mới phát triển bền vững, hiệu quả mang lại chưa thật sự thuyết phục và hấp dẫn nhiều người tham gia sản xuất.
         Các yếu tố về chất lượng nước trong các loại hình thủy vực ở các địa phương của tỉnh Trà Vinh tuy có biến động về giá trị theo mùa, liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều nằm trong giới hạn không gây ảnh hưởng bất lợi cho tôm, cá nuôi sinh trưởng và phát triển.
Thực nghiệm cho thấy người dân ở các huyện hoàn toàn có đủ khả năng ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm chuẩn bị tốt nhất điều kiện môi trường và xây dựng khá thành công hầu hết các mô hình thực nghiệm. Kết quả được đúc kết cụ thể như sau: 
          1. Mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa: mật độ thả nuôi 6 con/m2, sau thời gian nuôi 6 - 7 tháng, kết quả khối lượng trung bình của tôm càng xanh trong các mương vườn dao động từ 31,3 – 42,2 g/con, năng suất đạt được từ 288 - 471 kg/ha, tỷ lệ sống từ 22,0 – 27,2%, lợi nhuận thu được từ 2,2 – 24,4 triệu đồng/ha, với tỷ suất lợi nhuận đạt 4,9 – 48,9%.
          2. Mô hình nuôi tôm sú ở mùa khô - lúa kết hợp tôm càng xanh ở mùa mưa: mật độ thả nuôi 6 con/m2, sau thời gian nuôi 6 - 7 tháng, kết quả khối lượng của tôm càng xanh trong các ruộng nuôi dao động từ 27,3 – 31,8 g/con, tôm sú từ 25,7 – 32,5 g/con. Năng suất tôm càng xanh thu được dao động từ 190 – 228 kg/ha, năng suất tôm sú dao động từ 461,7 – 792 kg/ha. Năng suất tổng hợp của mô hình đạt trung bình là 825,2 kg/ha. Tỷ lệ sống tôm càng xanh 19,3 – 19,7%, tỷ lệ sống tôm sú từ 18,5 – 29,9%. Lợi nhuận trung bình đạt được 71,3 triệu đồng/ha, với tỷ suất lợi nhuận là 86,2%.
          3. Mô hình nuôi tôm càng xanh bán công nghiệp trong ao: mật độ thả nuôi 15 con/m2, sau thời gian nuôi 6 - 7 tháng, kết quả khối lượng trung bình của tôm càng xanh ở các ao đạt từ 48,5 – 57,2 g/con, năng suất 916 - 1.530 kg/ha, tỉ lệ sống đạt từ 21,3 – 27,8%, lợi nhuận từ 30,1 – 186,0 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt từ 38,8 – 114,5%.
          4. Mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể lót bạt: mật độ thả nuôi 100 con/m2, sau thời gian nuôi 4 tháng, kết quả khối lượng trung bình của cá lóc ở các bể dao động từ 400,7 – 425,3 g/con, tỷ lệ sống dao động từ 67,7 – 72,2%, năng suất 27 – 31 kg/m2. Do giá bán cá thương phẩm thấp (28.000 – 32.000đ/kg) nên tỷ suất lợi nhuận từ mô hình nuôi thấp từ 0,8 – 15,9%.
          5. Mô hình nuôi cá sặc rằn kết hợp với cá thát lát cờm trong ao: mật độ cá thát lát thả nuôi 15 con/m2, cá sặc rằn 7 con/m2, sau thời gian nuôi 6 tháng, kết quả khối lượng trung bình của cá thát lát còm ở các ao từ 235,8 - 383,0 g/con, cá sặc rằn đạt từ 65,8 – 78,4 g/con. Tỷ lệ sống của cá thát lát đạt 67,6%, cá sặc rằn 64,9%. Năng suất cá thát lát đạt 25.120 kg/ha, cá sặc rằn đạt 3.352 kg/ha. Lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi kết hợp cá thát lát còm và sặc rằn đạt 969 triệu đồng/ha. Tỷ suất lợi nhuận đạt 63,1%.

Mô hình nuôi lươn đồng kết hợp ao nuôi cá thát lát cờm ở ao

           6. Mô hình nuôi lươn đồng trong bể lót bạt với giá thể chủ yếu là đất: mật độ thả nuôi 80 con/m2, sau thời gian nuôi 8 tháng, kết quả khối lượng trung bình của lươn đồng nuôi trong các bể lót bạt dao động 170,51 – 186,05 g/con, tỷ lệ sống đạt 79,3%, năng suất đạt 11,3 kg/m2, lợi nhuận đạt 600.000 đồng/m2, tỷ suất lợi nhuận đạt 57%.
          7. Mô hình nuôi nuôi lươn với các loại giá thể khác bao gồm khung vĩ tre, lá dừa khô và dây nylon: mật độ thả nuôi 80 con/m2, sau thời gian nuôi 8 tháng, kết quả khối lượng trung bình của lươn ở các bể nuôi với các loại giá thể đạt từ 174,01 – 187,50 g/con, tỷ lệ sống là 77,4%, năng suất 11,3 kg/m2, lợi nhuận bình quân 600.000 đồng/m2, tỷ suất lợi nhuận đạt 55,8%.

Tham quan thực tế các điểm nuôi tại huyện Châu Thành

           Trong những mô hình sản xuất đã thực nghiệm, gắn với điều kiện môi trường sinh  thái, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực và gián tiếp đến hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân trong vùng, một số mô hình trong thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả và phù hợp với năng lực cùng điều kiện sản xuất của người dân ở địa phương được khuyến cáo ứng dụng cho sản xuất gồm: (1) mô hình nuôi kết hợp cá Thát lát còm cùng cá sặc rằn trong ao đất; (2) mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao dưới dạng bán công nghiệp; (3) mô hình nuôi tôm sú ở mùa khô và lúa kết hợp tôm càng xanh thực hiện vào mùa mưa; (4) mô hình nuôi lươn đồng trong bể lót bạt với giá thể đất.  Đây là các mô hình có thể tuyên truyền khuyến cáo cho  người nuôi thủy sản phát triển và nhân rộng trong điều kiện sản xuất thực tế ở địa phương.


       Hạnh Chuyên
Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới