Biện pháp phòng trừ đuông hại cây dừa
  Đuông dừa có tên khoa học là Rhynchophorus ferrugines, cùng với bọ cánh cứng, bọ vòi voi, đuông dừa là một trong những đối tượng dịch hại đặc biệt nguy hiểm đối với cây dừa và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây dừa. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến chết cây.
         1. Đặc điểm hình thái:
         + Trứng: màu trắng sữa, bóng, dài 2,5 mm. khoảng 3 - 4 ngày trứng sẽ nở ra ấu trùng.
         + Ấu trùng: dài 40 - 50 mm, cơ thể màu trắng, đầu màu nâu đỏ, gồm 13 đốt, không có chân, miệng cứng rất phát triển, cuối đuôi dẹp và có nhiều lông trắng.
         + Nhộng: ban đầu có màu trắng sữa sau đó chuyển sang màu nâu, dài khoảng 35 mm.
         + Trưởng thành: là loài bọ cánh cứng có kích thước tương đối lớn, thân dài 25 - 30 mm, rộng 10 - 15 mm. Toàn thân màu nâu đỏ. Phía đầu có một vòi dài, cong. Đầu và vòi chiếm 1/3 chiều dài thân. Cánh cứng có 6 sọc lõm chạy dọc và 3 sọc mờ, cánh không che hết bụng.
         2. Cách gây hại của đuông dừa:
        Ấu trùng thường hoạt động và gây hại vào đầu mùa mưa. Chúng chủ yếu tấn công và gây hại nặng đối với những cây dừa mới trồng khoảng 2 - 5 năm tuổi. Chúng phá hoại đỉnh sinh trưởng làm những lá non héo và ngã xuống. Chúng tấn công dựa vào những vết thương cơ học hoặc do kiến vương gây ra. Đuông còn thích đẻ trứng ở các vết nứt của gốc dừa và rễ dừa trồi lên mặt đất.
 

Ấu trùng và triệu trứng gây hại của đuông dừa 

         3. Cách nhận biết đuông dừa:
         Sự phá hại của đuông dừa rất khó phát hiện ở giai đoạn đầu, khi các triệu trứng đã rõ thì cây đã bị thiệt hại nặng. Nếu quan sát kỹ cũng có thể phát hiện sớm một số vết như: lỗ đục trên thân dừa từ những lỗ đục này chảy ra chất nhựa màu nâu đỏ và những xơ do đuông đùn ra. Nếu cây bị nặng hơn các lá non héo dần, áp tai vào thân dừa sẽ nghe tiếng đuông đục phá bên trong và có mùi hôi thối.
        4. Biện pháp phòng trừ:
        - Vệ sinh thông thoáng vườn dừa, đối với những cây dừa bị đuông phá hại nên đem tiêu hủy để hạn chế sự lây lan.
        - Hạn chế tối đa việc gây ra các vết thương cơ học trên thân dừa và sự gây hại của kiến vương.
        - Quét vôi kín phần gốc giai đoạn cây 2 - 5 năm tuổi để chống đuông đẻ trứng vào các vết nứt.
        - Sử dụng thuốc trừ sâu dạng hạt rắc lên đọt và kẽ lá dừa để đề phòng đuông dừa.
        - Khi phát hiện dừa mới bị đuông tấn công có thể dùng 1 gói Regent 800WG loại 0,8 gram hòa với 70ml nước lắc cho tan đều rồi rót thuốc vào lỗ đục của đuông thuốc sẽ ngấm vào thân cây và tiêu diệt đuông. Sau 1, 2 ngày kiểm tra nếu không còn thấy xác bã cây và nhựa màu nâu rỉ ra từ lỗ đục là đuông đã chết.
Lưu ý khi sử dụng thuốc hóa học ở giai đoạn mang trái cần đảm bảo thời gian cách ly để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

Tài liệu tham khảo
1. Phạm Văn Biên – Bùi Cách Tuyến – Nguyễn Mạnh Chinh (2004). Cẩm nang sâu bệnh hại cây trồng. Nhà xuất bản nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Nguyễn Thành Đông

Chi cục Trồng trọt và BVTV

4 người đã bình chọn
Tin khác
1 2 3 
Tin mới