Tài liệu hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

 I. TÍNH CẤP THIẾT
         1. Thông tin tóm tắt về bệnh Dịch tả heo Châu Phi

         - Bệnh Dịch tả heo Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài heo (cả heo nhà và heo rừng). Bệnh không lây lan trên người nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết có thể lên đến 100%.
         - Vi rút bệnh Dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao ngoài môi trường. Heo khỏi bệnh có khả năng mang vi-rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu dịch bệnh đã xảy ra.
         - Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
         2. Tình hình xảy ra dịch bệnh
         - Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả heo Châu Phi. Dịch bệnh đã gây trên 1,08 triệu con heo bị bệnh và buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 26/02/2019 có tổng cộng có 110 ổ dịch tả heo Châu Phi xuất hiện tại 28 tỉnh, tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con heo các loại buộc phải tiêu hủy.
         - Theo thông tin Cục Thú y xác nhận đến nay (ngày 11/3/2019) bệnh dịch tả heo Châu Phi đã phát hiện tại 13 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch gồm Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Hơn 11.360 con heo đã buộc phải tiêu hủy.
         II. PHƯƠNG THỨC TRUYỀN LÂY DỊCH BỆNH
         1. Truyền trực tiếp

Do dịch tiết từ heo bệnh hoặc heo mang trùng; cho ăn thức ăn thừa hoặc những sản phẩm từ heo nhiễm bệnh; lây qua đường phối giống; vết cắn của ve,..
         2. Truyền gián tiếp
 Hoạt động của con người, thiết bị phương tiện ra vào trại; qua rác thải; dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút…
         III. TRIỆU CHỨNG, BỆNH TÍCH CỦA BỆNH
         1. Triệu chứng

         - Heo bị bệnh Dịch tả Châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Heo bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả heo cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả heo Châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả heo Châu Phi.
         - Thể quá cấp tính: Do vi-rút có độc lực cao, heo sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc heo sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
         - Thể cấp tính: Do vi-rút có độc lực cao gây ra, heo sốt cao (40,5- 42°C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Heo không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, heo thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước.
         Heo có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân; da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi heo chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở, có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Heo sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Heo mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100%. Heo khỏi bệnh hoặc nhiễm vi-rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi-rút Dịch tả heo Châu Phi trong suốt đời của nó.
         - Thể á cấp tính: Gây ra bởi vi-rút có độc tính trung bình. Chủ yếu được tìm thấy ở Châu Âu, heo biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Heo sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì heo có thể chết, heo mang thai sẽ sẩy thai, heo chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70%. Heo có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.
          - Thể mãn tính: Gây ra bởi vi-rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và Châu Âu. Heo có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, heo khỏi bệnh sau khi nhiễm vi-rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.
            2. Bệnh tích
            - Thể quá cấp tính: Không có bệnh tích đại thể rõ ràng.
            - Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sưng.
           - Thể á cấp tính: Tích dịch trong bao tim và xoang bụng, sưng thành túi mật, ống dẫn mật cũng như xung quanh thận; lách sưng to, nhồi huyết vùng trung tâm; hạch lâm ba sưng, xuất huyết; thận xuất huyết nặng thành điểm hoặc đám và thậm chí biểu hiện ở toàn bộ các miền của thận.
           - Thể mãn tính: Viêm màng phổi có tơ huyết; phổi viêm bã đậu; da bị hoại tử và ngoại tâm mạc viêm tơ huyết.
         IV. CHẨN ĐOÁN BỆNH
         Có thể chẩn đoán bệnh dựa vào các đặc điểm dịch tể học, triệu chứng, bệnh tích. Tuy nhiên, cần lấy mẫu để chẩn đoán trong phòng thí nghiệm do bệnh Dịch tả heo Châu Phi thường ghép với bệnh Dịch tả heo cổ điển, bệnh đóng dấu son, bệnh do Salmonnella và một số bệnh khác ở heo do vi-rút gây ra.
         V. PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI
         Do bệnh Dịch tả heo Châu Phi chưa có thuốc điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng bệnh phải được đặc biệt quan tâm các biện pháp sau:
          - Phải tiêm ngừa đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho heo khi heo đang khỏe mạnh.
          - Sát trùng chuồng trại định kỳ 2 lần/tuần trong tình trạng bình thường. Khi trong vùng chăn nuôi có dịch bệnh xảy ra thì 1-2 ngày sát trùng 01 lần.
          - Tăng cường sức đề kháng cho heo những lúc thời tiết thay đổi hoặc khi mới nhập heo vào trại, hỗ trợ bồi dưỡng bằng thuốc B.Complex A, D, E, C,…
          - Hạn chế người lạ vào trại; các dụng cụ chăn nuôi, xe chở thức ăn phải được sát trùng kỹ lưỡng trước khi ra, vào trại.
         - Không mua thịt heo bệnh từ nơi khác mang vào trại.
         - Phun xịt ruồi, muỗi thường xuyên xung quanh chuồng nuôi.
         - Cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn phải bảo quản kỹ và không bị ẩm mốc.
         - Cung cấp nước sạch cho heo uống, nếu nghi ngờ nước uống bị nhiễm bẩn thì phải sát trùng bằng thuốc Biodin trước khi cho uống.
         - Thực hiện 5 không (Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi heo./.
 

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 
Tin mới