Biện pháp quản lý Bọ cánh cứng hại dừa

Tính đến tháng 1 năm 2019 toàn tỉnh Trà vinh có diện tích trồng dừa là 21.700 ha. Trong đó có 205 ha diện tích được bà con nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa. Vì vậy diện tích trồng dừa ngày càng tăng cao, kéo theo đó là sự phát triển của sâu bệnh gây thiệt hại cho người sản xuất. Trong đó bọ cánh cứng hại dừa (bọ dừa) là một trong những đối tượng gây hại đặc biệt quan trọng, là thách thức lớn đối với nông dân trồng dừa.
         1. Đặc điểm hình thái:
         Bọ cánh cứng hại dừa có tên khoa học là Brontispa longissima là loài côn trùng biến đổi hoàn toàn với 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng, trưởng thành. Trứng hình bầu dục, hơi dẹp, màu nâu sậm, dài khoảng 1,5 mm, đẻ trong các kẽ lá của đọt non chưa bung ra. Ấu trùng có 4 tuổi mới nở màu trắng ngà sau chuyển sang màu vàng nâu, dài khoảng 8-9 mm, di chuyển chậm và sợ ánh sáng. Ấu trùng hóa nhộng trong các kẽ lá, thời gian nhộng là 6 ngày. Trưởng thành có kích thước 9-10 mm đầu đen nhỏ có 2 râu, cánh cứng, hoạt động mạnh vào ban đêm.

   Hình 1. Trưởng thành của bọ cánh cứng hại dừa


            2. Đặc điểm gây hại:
           Ấu trùng và trưởng thành của bọ cánh cứng hại dừa gây hại bằng cách cạp biểu bì của lá, tạo ra các vệt mau đen song song với gân lá, làm cho các lá bị khô héo, còi cọc. nếu mật số cao có thể làm chết cây. Bọ cánh cứng hại dừa thường gây hại nặng vào mùa nắng và trên các cây dừa nhỏ, dừa mới trồng.

 

 Hình 2. Bọ cánh cứng gây hại trên cây dừa nhỏ

 

           3. Phương thức phát tán: Bọ cánh cứng hại dừa có thể chủ động phát tán bằng cách bay hoặc bằng con đường vận chuyển dừa giống hoặc do gió.
           4. Biện pháp quản lý: Để hạn chế tác hại của bọ dừa cần kết hợp nhiều biện pháp như sau:
           * Biện pháp cơ học:
           - Thường xuyên kiểm tra các đọt non để phát hiện và phòng trị kịp thời.
           - Đối với dừa nhỏ mới trồng có thể bắt thủ công.
           - Bón phân tưới nước hợp lý để rút ngắn thời gian bung đọt, để hạn chế môi trường sống của bọ cánh cứng hại dừa.
          * Biện pháp sinh học:
           - Bảo vệ các thiên địch ăn mồi như kiến và bọ đuôi kìm.
           - Sử dụng ong ký sinh Asecodes hispinarum để khống chế quần thể bọ cánh cứng hại dừa.
           * Biện pháp hóa học:
           - Bọ cánh cứng hại dừa rất nhạy cảm với tất cả các loại thuốc trừ sâu nhất là các loại thuốc có tính xông hơi và lưu dẫn. Có thể phun một số loại thuốc sau để giệt bọ cánh cứng hại dừa như: Actara 25WG, Anfaza 250WDG, Tata 25WG…
          Tóm lại để quản lý tốt bọ cánh cứng hại dừa cần áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp mà ưu tiên là biện pháp sinh học. Phương pháp này có hiệu quả lâu dài không gây ô nhiễm môi trường và an toàn với con người.

Nguyễn Thành Đông

Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tin khác
1 2 3 
Tin mới